MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm vì Covid-19

20-04-2020 - 15:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Nguồn cung sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc trì hoãn/giãn kế hoạch phát hành.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm mạnh

Theo dữ liệu phát hành riêng lẻ từ HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I ở mức 29.384 tỷ đồng, giảm 76% so với quý trước chủ yếu do nhóm tổ chức tín dụng giảm mạnh phát hành tới 98%.

Nhóm này chỉ phát hành chưa đến 1 nghìn tỷ đồng (quý trước là 45 nghìn tỷ đồng), kỳ hạn 7 – 10 năm, mục đích để tăng vốn cấp 2.

Trong khi đó, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đáng kể tới kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp nhóm bất động sản khiến lượng phát hành của nhóm này cũng giảm 40% so quý trước, tuy nhiên vẫn ở mức tốt nhất so với ba quý đầu 2019 so với các ngành khác.

Trong quý I, tỷ lệ phát hành thành công ở mức 88% cho thấy dù lượng phát hành giảm, nhưng nhu cầu mua trái phiếu vẫn được duy trì.

Trái chủ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là nhà đầu tư tổ chức trong nước, chủ yếu là các công ty chứng khoán khi họ mua trên sơ cấp rồi phân phối lại trên thứ cấp.

Tiếp đến là các ngân hàng thương mại khi đến cuối tháng 2, khá nhiều ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank hay MB.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng gia tăng mua trái phiếu doanh nghiệp, biểu hiện là thị phần của nhóm này tăng lên mức 30% từ mức 9% trong năm 2019.

Lãi suất và kỳ hạn phát hành bình quân gia quyền của trái phiếu doanh nghiệp đều tăng so với quý trước, lãi suất được ấn định trong khoảng từ 10 – 11%/năm, với kỳ hạn bình quân 3,9 năm - cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn và bằng với lãi suất cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp bất động sản chạy đua huy động vốn khi phát hành kỳ hạn rất ngắn, từ 1 – 2 năm nhưng lãi suất cao từ 11,5 – 12%/năm, khối lượng huy động từ 1 nghìn – 1,6 nghìn tỷ đồng/lô, phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu nhà đầu tư trong nước mua.

“Thị trường tiềm ẩn rủi ro nếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là khi cơ chế bảo vệ nhóm nhà đầu tư trong nước chưa hoàn thiện. Ngoài ra, tính minh bạch của thị trường kém khi các thông tin công bố thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn và phương án trả nợ gốc, lãi, thiếu thông tin về trái chủ; thị trường chưa hình thành được đường cong lợi suất chuẩn, chưa có các công ty xếp hạng tín nhiệm; các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường chưa hoàn thiện”, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB cảnh báo.

Cơ hội để điều chỉnh, sàng lọc…

Cũng theo dự đoán của các chuyên gia, trong ngắn hạn, nguồn cung sơ cấp sẽ giảm khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc trì hoãn/giãn kế hoạch phát hành.

Tuy nhiên, kể từ sau quý II, các nhu cầu huy động vốn có thể được nối lại khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm tổ chức tín dụng, các chuyên gia cho rằng, động lực phát hành có thể giảm khi hầu hết các ngân hàng đã “chạy” xong chỉ tiêu phát hành, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ trọng vốn trung và dài hạn của Thông Tư 22, có hiệu lực từ 1/1/2020.

Nhu cầu phát hành sẽ chỉ tập trung vào trái phiếu kỳ hạn dài 7 – 10 năm để tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số CAR đáp ứng BASEL II và Thông tư 41, tuy nhiên các ngân hàng cũng cân đối phát hành khi việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 được gia hạn đến 1/1/2023.

Ngược lại, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhóm tổ chức tín dụng dự báo vẫn duy trì khi các ngân hàng thương mại có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán.

Một số ngân hàng cũng sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để “lách” nhằm mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác.

Do vậy, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ổn định, tín dụng tăng trưởng chậm, dòng tiền có thể vẫn đầu tư một phần vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với các nhà đầu tư tổ chức khác và cá nhân, việc lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản ở mức hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn 3 tháng đến 6 tháng, sẽ vẫn hấp dẫn khi so sánh với lãi suất huy động trên thị trường 1 đang có xu hướng giảm hay các kênh đầu tư chứng khoán, vàng ... đang khá rủi ro bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng thận trọng hơn với những rủi ro gia tăng do những lo ngại liên quan đến tình hình trả nợ của doanh nghiệp.

Các chuyên gia dự báo, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định trong ngắn hạn khi các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị đảo lộn.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thị trường kiểm nghiệm lại những sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường phát hành vẫn còn sơ khai, nhà đầu tư sàng lọc lại được những trái phiếu doanh nghiệp có sức khỏe tốt, giúp giảm thiểu một phần rủi ro cho thị trường.

Mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giảm phù hợp với định hướng giảm mặt bằng lãi suất chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên vẫn phù hợp với mức độ rủi ro đặc thù của thị trường.

Trong dài hạn, thị trường sẽ vẫn tiếp tục sôi động khi kênh trái phiếu doanh nghiệp luôn được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên