Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Sau cơn mưa, trời lại sáng”
Trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng. Khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng.
- 07-11-2023Chuyển biến mới trên thị trường trái phiếu
- 04-11-2023Hơn 61 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 3 tháng cuối năm 2023
- 01-11-2023Chuẩn bị chi hơn 330 tỷ mua lại trái phiếu trước hạn, Phát Đạt còn bao nhiêu nợ vay tài chính?
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ, kể từ Quý II/2023, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Từ đầu năm các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, sự hồi phục tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường. “Trước một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp gây ra những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian trước, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng”, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng thông tin.
Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Bên cạnh đó, từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn.
Hơn hết, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Dương, sau khi các chính sách được ban hành đồng bộ, công tác tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp được Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cả doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ có chuyển biến mạnh mẽ, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Đây là yếu tố giúp thị trường minh bạch và phát triển bền vững.
Dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Dương cũng lưu ý, chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trước khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải ký bản cam kết đã tiếp cận đầy đủ thông tin về trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc bên bán trái phiếu cũng phải xác nhận đã cung cấp toàn bộ tài liệu cần thiết cho nhà đầu tư.
Đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói chung, đại diện Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư cần lưu ý phải có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn.
Nhà đầu tư phải phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
“Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu” - ông Dương nhấn mạnh
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu…
Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. “Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm nếu có” - ông Dương khẳng định.
Công thương