Thị trường truyền hình trả tiền: Chiến thuật đầy bất ngờ của FPT
Tháng 09 vừa qua, FPT Telecom bất ngờ công bố hợp nhất hai thương hiệu Truyền hình FPT và FPT Play thành thương hiệu duy nhất FPT Play. Chiến thuật táo bạo này sẽ đem lại điều gì mới mẻ cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam?
Người dùng ngày một hứng thú hơn với truyền hình Internet
Thị trường truyền hình trong nước và thế giới đang có nhiều biến đổi cùng với những xu hướng phát triển của các công nghệ mới. Dễ nhận thấy nhất là dịch vụ truyền hình Internet sẽ dần thay thế dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống.
Theo số liệu thống kê của GlobalData, số lượng thuê bao truyền hình cáp ở Bắc Mỹ đã giảm từ 58 triệu thuê bao vào năm 2016 xuống còn 52 triệu thuê bao vào năm 2020. Sự nổi lên của dịch vụ truyền hình Internet chính là nguyên nhân lý giải cho việc sụt giảm đó.
Không chỉ vậy, dự báo của Research and Market còn cho thấy, lượng thuê bao SVOD (Subscription Video on Demand) trên toàn cầu sẽ sớm tăng lên 1,1 tỷ vào năm 2025. Trong đó, khoảng 526 triệu thuê bao (chiếm 45%) sẽ đăng ký thông qua nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định.
Quy mô doanh thu thị trường SVOD toàn cầu đang liên tục gia tăng trong những năm gần đây và được dự đoán sẽ cán mốc 126 tỷ USD vào năm 2026. (Số liệu: Statista)
Cùng với việc thương mại hóa 5G, xu hướng phát triển mới của ngành truyền hình trong những năm tiếp theo sẽ là truyền hình Internet, khi các sự kiện và các trận đấu thể thao được truyền hình trực tiếp qua Internet ngày càng nhiều hơn. Không chỉ vậy, các dịch vụ truyền hình sẽ phát triển theo hướng cá nhân hóa nhằm mang đến cho người xem trải nghiệm tốt nhất.
Dư địa phát triển truyền hình Internet còn rất lớn tại Việt Nam
Xu hướng trên được phản ánh khá rõ tại Việt Nam, khi lượng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống (gắn với cáp, đầu thu kỹ thuật số) đang dần trở nên bão hòa, thậm chí giảm nhẹ. Ở chiều ngược lại, với sự phổ biến của Internet di động, lượng thuê bao truyền hình Internet đang ngày một tăng lên.
Tính đến hết năm 2020, khoảng 70% thị phần truyền hình trả tiền tại Việt Nam vẫn thuộc về các thuê bao truyền hình cáp. Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hiện đang là sự cạnh tranh của nhiều loại hình doanh nghiệp, bao gồm nhóm các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh và các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet.
So với các nền tảng streaming xuyên biên giới, doanh nghiệp nội địa khó có thể bì được về những nội dung có yếu tố ngoại như phim điện ảnh, phim truyền hình. Tuy vậy, các doanh nghiệp truyền hình OTT nước ngoài như Netflix chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu rất nhỏ (chưa đến 500 tỷ đồng/năm), trong khi đối tượng khách hàng có phần bị bó hẹp ở nhóm người dùng trẻ.
Miếng bánh lớn (trị giá gần 8.500 tỷ đồng) bao gồm nhóm đối tượng khách hàng phổ thông là các hộ gia đình hiện vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp truyền hình trả tiền truyền thống.
Với sự nổi lên của truyền hình Internet, việc chuyển dịch thuê bao từ truyền hình cáp, truyền hình số, sang truyền hình Internet chắc chắn sẽ xảy ra. Miếng bánh thị phần truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ buộc phải chia lại. Trong xu hướng đó, doanh nghiệp nào đi trước, quyết liệt, có chiến lược đúng đắn và đầu tư bài bản sẽ là người chiến thắng.
Thực tế cho thấy, có lợi thế nhất trong cuộc đua này là những nhà cung cấp nắm trong tay hạ tầng viễn thông nền tảng, cụ thể là hệ thống đường truyền cáp quang Internet.
Theo sách trắng ngành Thông tin & Truyền thông năm 2020, Việt Nam hiện có 14,8 triệu thuê bao băng rộng cố định. Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với số thuê bao truyền hình trả tiền (13,8 triệu).
Điều này cũng có nghĩa, những người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền về cơ bản đều có một đường truyền cáp quang Internet. Điều kiện cần cho việc chuyển đổi từ truyền hình cáp và truyền hình số mặt đất (vốn chiếm 80% lượng thuê bao) sang truyền hình Internet cơ bản đã sẵn sàng. Câu chuyện giờ đây chỉ là, nhà mạng nào có khả năng thuyết phục người dùng chuyển đổi tốt hơn sẽ là người chiến thắng.
Tham vọng thay đổi cuộc chơi của FPT Play
Tham vọng nhất trên thị trường truyền hình trả tiền lúc này là FPT Telecom. Đây là đơn vị nắm trong tay 3 sản phẩm, dịch vụ gồm Dịch vụ Truyền hình FPT (IPTV), FPT Play Box (Android Box) và ứng dụng truyền hình FPT Play (OTT) trên TV thông minh và các thiết bị di động.
Mới đây, FPT Telecom còn khiến nhiều người bất ngờ khi tiến hành hợp nhất hai thương hiệu Truyền hình FPT và FPT Play. Giờ đây dịch truyền hình FPT sẽ có FPT Play là tên thương hiệu chung và duy nhất.
Không chỉ đơn thuần hợp nhất hai tên gọi, hành động này còn hợp nhất hai nền tảng công nghệ khác nhau là IPTV và OTT. Đây được đánh giá là một chiến thuật táo bạo với mục tiêu nhằm chiếm lĩnh thị trường truyền hình trả tiền trong nước.
Thực tế cho thấy, trước động thái này, FPT Telecom nắm trong tay mọi ưu thế có thế có của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đó là quyền cung cấp các gói dịch vụ truyền hình cơ bản, thế mạnh về hạ tầng và khả năng bán combo truyền hình theo gói cước Internet.
Đơn vị này cũng rất chịu chi khi liên tục độc quyền phát sóng các giải đấu lớn như UEFA Champions League, UEFA Europa League hay toàn bộ các trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 World Cup - Khu vực Châu Á với sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam... FPT Play cũng rất chăm mua bản quyền nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích.
Điểm yếu của doanh nghiệp này là khả năng cung cấp dịch vụ xuyên suốt đa nền tảng. Tuy nhiên, điều này đã được giải quyết thông qua câu chuyện hợp nhất hai thương hiệu. Người dùng FPT Play giờ đây chỉ cần đăng ký một thuê bao duy nhất là đã có thể trải nghiệm dịch vụ truyền hình Internet trên nhiều thiết bị khác nhau, từ box IPTV, box Android, Smart TV, smartphone hay thậm chí cả trên giao diện web.
Đây là hướng đi đúng đắn và khôn ngoan của FPT Telecom nhằm tận dụng tối đa những lợi thế mà mình đang có. Cách làm này sẽ củng cố sức mạnh cho FPT Play để đi đầu trong xu hướng truyền hình Internet và xa hơn là chiếm lĩnh thị phần truyền hình trả tiền trong nước.