MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh doanh nghiệp dưới góc độ thống kê

08-01-2013 - 10:05 AM |

Trong 342 nghìn doanh nghiệp chỉ có 313 nghìn doanh nghiệp đang thực sự hoạt động...

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chính thức về các đơn vị kinh tế, hành chính và sự nghiêp trong vòng 5 năm từ 2007-2010. Báo cáo đã cho thấy bức tranh rõ nét về sự biến động của khu vực này thời gian qua.

Theo Báo cáo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/7/2012, cả nước có gần 5 triệu đơn vị kinh tế, chiếm tới 96,5% tổng số đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của cả nước, tăng gần 28,5% so với năm 2007, tương đương 1,1 triệu đơn vị, tăng bình quân hàng năm khoảng hơn 5%.

Trong số đó, doanh nghiệp là loại hình dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút số lượng lao động khá lớn. Tính đến thời điểm 1/1/2012 cả nước có khoảng gần 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216,5 nghìn doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125 nghìn doanh nghiệp). Đáng lưu ý, trong số 342 nghìn doanh nghiệp chỉ có 313 nghìn doanh nghiệp đang thực sự hoạt động.

Lý giải về con số 313 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thực sự, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả này dựa trên điều tra thực tế (phát phiếu điều tra, tiếp cận thống kê của doanh nghiệp) chứ không phải trên sổ sách. 

Tính đến thời điểm 1/1/2012 cả nước có khoảng gần 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216,5 nghìn doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125 nghìn doanh nghiệp).

Ngoài ra, ông Mạnh cũng cho biết thêm, nếu tính đến hết 31/12/2012 thì cả nước có khoảng 475 nghìn, nghĩa là tăng đáng kể so với con số thống kê hồi đầu năm, trong đó có gần 70 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và có một lượng lớn doanh nghiệp đang chuẩn bị đi vào sản xuất kinh doanh hoặc đang trong giai đoạn chờ đợi chuyển giao công nghệ.

Như vậy, con số doanh nghiệp đang hoạt động chính thức vừa được Tổng cục Thống kê công bố khá chênh lệch so với con số doanh nghiệp được cơ quan thuế công bố. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng con số doanh nghiệp qua khảo sát vừa rồi so sánh với số liệu bên cơ quan thuế và bên cơ quan đăng ký kinh doanh thì sai lệch khoảng +/-5% và điều này là hoàn toàn bình thường. 

“Sai số trong các khảo sát của các nền kinh tế hàng đầu khu vực châu á như Singapore và Hồng Kông là 2,5%. Hai nơi này có số lượng doanh nghiệp không lớn vì vậy, ở góc độ nào đó, sai số của chúng ta là chấp nhận được”, ông Đông nói.

Trở lại báo cáo của Tổng cục Thống kê, khoảng 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại đã thu hút khoảng 10,9 triệu lao động, trong đó 10,77 triệu lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 65% (tương đương 4,3 triệu người) so với 6,6 triệu lao động năm 2007. 

Tuy còn có những khó khăn, hạn chế về quy mô và ngành nghề hoạt động nhưng với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế tập thể nên số lượng và lao động của các hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn, tăng đáng kể với mức 118,3% về số lượng và 62,8% về lao động. 

Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 52%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 24% (trong đó 8% là quỹ tín dụng).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cả nước tính đến 1/7/2012 có 4,6 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với 7,8 triệu lao động, tăng 23,5% về số lượng cơ sở và tăng 18,2% về số lao động. Mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở là 4,3% và 3,4% về lao động.

Mặc dù khối cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn tới 89,5% về số lượng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 35% về số lượng lao động trong tổng số đơn vị, cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp, thể hiện quy mô nhỏ của các cơ sở này với lao động bình quân 1,7 người/cơ sở. 

Khu vực này tuy đóng góp khiêm tốn trong GDP nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn trong việc tạo doanh thu trong bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và thu hút số lượng lớn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012.

Cả nước tính đến 1/7/2012 có 4,6 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với 7,8 triệu lao động, tăng 23,5% về số lượng cơ sở và tăng 18,2% về số lao động.

Cũng theo báo cáo, khu vực các đơn vị hành chính, sự nghiệp có mức tăng không cao như các đơn vị kinh tế, bình quân hàng năm tăng 1,2% tuy nhiên riêng các đơn vị sự nghiệp tăng khá về số lượng đơn vị với 10,2% và 22,9% về lao động.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, trong báo cáo tổng điều tra năm 2012, đóng góp vào mức tăng chung của khu vực đơn vị hành chính, sự nghiệp chủ yếu là do sự tăng lên đáng kể của các đơn vị sự nghiệp chứ không phải là từ các đơn vị hành chính. 

“Xu thế tăng mạnh diễn ra chủ yếu ở khu vực sự nghiệp, điều này là hoàn toàn phù hợp với chính sách Nhà nước. Bởi khu vực giáo dục và y tế tăng thậm chí tăng nhanh là đúng xu hướng”, ông Thức cho hay. 

Cụ thể, khu vực y tế tăng hơn 90,8 nghìn đơn vị tương đương 35,4% so với năm 2007 và khu vực giáo dục tăng tới gần 298 nghìn đơn vị tương đương 23,8% so với số lượng đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục năm 2007.

Theo Anh Nhi
Vneconomy

tanhoa

Trở lên trên