MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "ông lớn" ngoại quốc sẽ thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam ?

Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới, thị trường hàng hóa và dịch vụ nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng ở nước ta sẽ diễn ra các "cuộc chiến" cạnh tranh khốc liệt.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay khá tiềm năng, đặc biệt là với dân số trẻ, hơn thế nữa, số lượng kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% thị phần. Chính vì điều này mà thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho các nhà đầu tư bán lẻ và các nhà bán lẻ tham gia kinh doanh trực tiếp.

Theo cam kết gia nhập WTO, tháng từ 1/1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới, thị trường hàng hóa và dịch vụ nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng ở nước ta sẽ diễn ra các "cuộc chiến" cạnh tranh khốc liệt. Với tiềm lực kinh tế, các "ông lớn" ngoại quốc rõ ràng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến và "thâu tóm" thị trường.

Đánh giá về vấn đề này, Bà Lê Kim Hoa – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Cho thuê mặt bằng bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, "Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007, sau thời điểm đó, tôi tham gia rất nhiều các buổi hội thảo, bàn bạc, mọi người tranh luận khá sôi nổi và lo ngại sẽ có một làn sóng các nhà bán lẻ quốc tế nhanh chóng gia nhập thị trường VN và những ảnh hưởng của nó đến những nhà bán lẻ trong nước".

"Thực tế là từ năm 2007 đến thời điểm hiện nay, trải qua 6 năm, Việt Nam không có quá nhiều thay đổi một cách đột ngột. Lý do là bởi, các nhà bán lẻ muốn kinh doanh theo chuỗi tại Việt Nam thì họ phải tuân thủ những quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Chúng tôi hi vọng sang năm sau, thị trường Việt Nam sẽ mở cửa 100% cho FDI và khi đó các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ có điều kiện để đầu tư, kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam", bà Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo Bà Lê Kim Hoa, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, các nhà bán lẻ nước ngoài sở hữu thương hiệu uy tín, kỹ năng quản lý và vận hành bộ máy một cách chuyên nghiệp và thêm nữa, nếu được phép đầu tư trực tiếp thì quy mô đầu tư của họ sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nhà phân phối địa phương – đại diện phân phối nhiều thương hiệu cùng một lúc. Đây là thử thách cho các nhà bán lẻ nội địa nhưng cũng là cơ hội cho họ tận dụng.

Hơn thế nữa, các nhà bán lẻ nội địa đã ở thị trường Việt Nam lâu, họ hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng và họ có đủ thời gian để chiếm giữ những mặt bằng có vị trí tốt. Đây là những lợi thế mà các nhà bán lẻ nước ngoài không có. Nếu nói đến khó khăn mà các nhà bán lẻ trong nước gặp phải thì hay chăng, họ nên xem xét lại hình thức, cách thức kinh doanh, cách tổ chức quản lý, vận hành bộ máy ra sao.

"Đối với những bên bán lẻ nội địa có thương hiệu riêng thì có thể xem xét chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã để nâng cao tính cạnh tranh so với những thương hiệu nước ngoài sẽ vào thị trường Việt Nam. Tôi thấy đây là trở ngại nhưng cũng là cơ hội cho các bên tự cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng", bà Hoa cho biết.

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên