MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện xứ Gangnam: 'Là người Hàn Quốc thì phải phẫu thuật thẩm mỹ'

04-03-2013 - 14:54 PM |

Phụ nữ trên khắp châu Á đang nô nức đổ về Gangnam - một quận trung tâm Seoul, nơi các viện thẩm mỹ đang mọc lên như nấm - với mong ước về một vẻ ngoài giống hệt những diễn viên Hàn Quốc.

Một nhóm phụ nữ trẻ hồi hộp chờ đợi ngoài hành lang một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ ở Apgujeong, khu vực nhà giàu tại trung tâm quận Gangnam. Những tấm ảnh các ca sĩ và diễn viên Hàn Quốc trải dọc theo tường, cổ vũ tinh thần những khách hàng đang trò chuyện với các chuyên gia phẫu thuật.

Một bệnh nhân từ Trung Quốc rời khỏi phòng kiểm tra với chiếc mũi được băng bó cho hay: “Phẫu thuật rất đau đớn, nhưng tôi thực sự muốn có một gương mặt như những nữ diễn viên Hàn Quốc”.

Rất nhiều khách hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á đã đến khu vực này, nơi hội tụ khoảng 400 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ. Họ hy vọng sẽ mang về cho mình chút ít “Gangnam Style” - phong cách nhà giàu Gangnam.

“Gangnam Style” không đơn thuần chỉ gắn với anh chàng ca sĩ PSY. Gangnam là cái tên nổi tiếng với cả châu Á trong suốt thập kỷ vừa qua nhờ sự phổ biến của các chương trình truyền hình Hàn Quốc và các ca sĩ nhạc pop, vốn được gọi như “Korean Wave” – làn sóng Hàn Quốc.

Phẫu thuật thẩm mỹ là một ngành ăn nên làm ra ở Hàn Quốc. Cư dân nước này đã vượt các quốc gia như Hy Lạp, Italy hay Mỹ để trở thành những người sử dụng nhiều biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ nhất trên thế giới.

Hàn Quốc cũng hấp dẫn một số lượng “khủng” các khách du lịch chăm sóc sức khoẻ. Theo thống kê từ chính phủ Hàn Quốc, năm 2011, thu nhập từ nguồn khách này cán mốc 116 triệu USD, tăng gấp đôi so với 5 năm trước.

Tại bệnh viện thẩm mỹ Grand Plastic Surgery Clinic, các chuyên gia đưa ra nhiều liệu pháp như giúp có đôi mắt tròn và mũi thẳng, những chuẩn mực cái đẹp tại châu Á.

Grand Clinic là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất tại Gangnam, thu hút nhiều người nổi tiếng và đưa ra nhiều chương trình thăm quan các trường quay truyền hình. Theo Huh Chul, một bác sĩ thẩm mỹ: “Rất nhiều người muốn trải nghiệm cảm giác như đang ở Hollywood. Nó gắn với sự xa hoa”.

Đối với một khu vực được ví như Beverly Hills ở Seoul, mức giá cũng không đến mức quá “rùng rợn”. Một ca phẫu thuật nâng mí mắt tốn khoảng từ 1.500 USD đến 2.000 USD, phẫu thuật nâng mũi tốn từ 3.000 USD đến 4.000 USD, tuỳ thuộc mỗi bệnh viện.

Năm 1996, Hàn Quốc gia nhập nhóm các quốc gia phát triển OECD. Đây là dấu mốc đầu tiên để nước này thu hút tri thức và công nghệ nhằm gây dựng ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ.

Giữa những năm 2000, khi làn sóng Hàn Quốc đạt đến đỉnh cao, nước này nhận ra sự tăng đột biến về số lượng khách du lịch muốn tiến hành phẩu thuật tại Seoul. Theo bác sĩ Huh Chul, trong thời gian đó, từ con số một bác sĩ làm việc tại ga tàu điện ngầm, Grand Clinic đã lớn mạnh thành bệnh viện với 30 bác sĩ.

Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực thu hút thêm các khách du lịch loại này. Seoul đã quảng bá vị thế như một trung tâm cạnh tranh với Thái Lan hay Ấn Độ, nhưng vượt bậc về tri thức y học và chất lượng cơ sở vật chất. Đối với khách du lịch, phẫu thuật thẩm mỹ được ưa chuộng thứ hai sau các phương thức chăm sóc nội khoa khác.

Nhưng làn sóng Hàn Quốc chỉ là một nhân tố thúc mạnh sự phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ. Jiyun Yu, một nghiên cứu viên tại Cục Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc cho biết: “Hàn Quốc đưa ra mức giá và chất lượng cạnh tranh. Chúng tôi không hề thua kém các bác sĩ Mỹ về chất lượng chuyên môn”.

Ngành công nghiệp thẩm mỹ nở rộ cũng có những mặt tối. Vào cuối tháng Một, một công tố viên tại Seoul tuyên bố họ sẽ điều tra mở rộng đối với những người nổi tiếng đã lạm dụng Propofol – một chất gây mê mạnh sử dụng trong các ca phẫu thuật.

Loại thuốc tiêm thẳng vào tĩnh mạch này sẽ nhanh chóng khiến bệnh nhân ngủ, sau những ngày vất vả luyện tập, biểu diễn và chịu đựng áp lực từ người hâm mộ. Đây là yếu tố góp phần gây nên cái chết của Michael Jackson.

Tháng Mười Hai, cảnh sát đã khám xét bảy bệnh viện tại Gangnam và đưa ra bằng chứng về việc các bệnh viện này đã kê Propofol trái phép cho những người nổi tiếng dù không vì mục đích chữa bệnh. Cho đến nay, các công tố viên đã triệu tập hai nữ diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng để thẩm vấn về việc lạm dụng thuốc ngủ.

Dù cứ năm phụ nữ Hàn Quốc có một người phẫu thuật thẩm mỹ, hoạt động này không được tất cả đồng tình. Nam giới Hàn Quốc, đặc biệt là những người lớn tuổi, thường chỉ trích ý tưởng hẹn hò hoặc kết hôn với "sung-gui" – “quái vật phẫu thuật thẩm mỹ”. Từ lóng này ám chỉ những người đánh đổi vẻ đẹp tự nhiên lấy các mũi tiêm botox và liệu pháp phẫu thuật khác, tạo ra dung nhan giả tạo và đôi khi còn sưng phù.

Nhưng dưới áp lực từ một xã hội cạnh tranh khốc liệt, một số khác lại cho rằng đôi mắt hai mí hay một gương mặt thon gọn là những điều kiện tiên quyết để thành đạt.

Một sinh viên đã trải qua ba cuộc phẫu thuật than thở: “Bạn không hiểu đâu! Là người Hàn Quốc thì phải phẫu thuật thẩm mỹ. Bạn phải làm, nếu không muốn bị xem là lỗi mốt”.

 Theo Duy Tùng
vnexpress / Global Post

kyanh

Trở lên trên