MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Ebola: Ai lo phòng bệnh cho người nghèo?

19-08-2014 - 14:19 PM |

Gần 40 năm sau khi phát hiện ra virus Ebola, đến nay thế giới vẫn chưa có được vắc-xin hay cách điều trị nào hữu hiệu cho dịch bệnh nguy hiểm này.

Ở các quốc gia Tây Phi, những nơi Ebola đã lan rộng, sự nguy hiểm của loại virus này vẫn còn chưa thấm vào đâu so với hàng loạt dịch bệnh chết người khác. Trong vài tháng qua, sốt rét và bệnh lao đã gây ra tử vong cao hơn nhiều so với Ebola.

Tuy nhiên, các ổ dịch Ebola lan rộng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ trên thế giới: Hệ thống y tế quốc tế đã bị phá vỡ. Tính đến ngày 6/8, đã có 1.779 trường hợp Ebola đã được báo cáo cho WHO, trong đó có 961 người tử vong. Trong số bốn nước bị ảnh hưởng, Sierra Leone (với 717 trường hợp) gánh hậu quả tồi tệ nhất.

Ngoài những nạn nhân của Ebola, theo ước tính, cứ bốn tháng, Sierra Leone có khoảng 650 người tử vong do viêm màng não, bệnh lao 670, 790 từ HIV/AIDS, 845 bệnh tiêu chảy, và hơn 3.000 bệnh sốt rét. Các con số này cho thấy một Sierra Leone bất lực trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và trở thành "ổ dịch" luôn sẵn sàng bùng phát.

Cũng như Sierra Leone, vòng luẩn quẩn của chiến tranh, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã khiến châu Phi liên tiếp phải trải qua những đại dịch có sức tàn phá ghê gớm.

Trên toàn thế giới, WHO đặt ra các ràng buộc pháp lý có tính chất quốc tế về cơ chế phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhưng trong số 193 quốc gia thành viên của WHO vào năm 2013, chỉ có 80 quốc gia đáp ứng được các yêu cầu về cảnh báo và phản ứng. Những nước có hệ thống y tế tồi tệ như Sierra Leone thực sự là hiểm hoạ đối với y tế toàn cầu.

Đó là lý do mà hỗ trợ y tế quốc tế cần thiết hơn bao giờ hết. Các khoản hỗ trợ y tế quốc tế đạt 4 tỷ USD trong năm 2000, nhưng đến năm 2012 đã tăng lên 11 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Vì 11 tỷ USD chỉ tương đương khoảng 2 USD chi phí y tế hằng năm cho mỗi người tại các nước đang phát triển. Trong khi đó, ngân sách đóng góp của các nước thành viên WHO đã giảm kể từ năm 2011.

Ngân sách toàn cầu của WHO về phản ứng dịch bệnh và khủng hoảng chỉ là 109 triệu USD - bằng một nửa so với hai năm trước đây. Phần ngân sách WHO hỗ trợ các nước châu Phi trong nỗ lực giám sát và chống lại dịch bệnh bùng phát chỉ khoảng 22 triệu USD, tương đương 500 ngàn USD cho mỗi quốc gia.

Tất nhiên, tài chính chưa phải là tất cả, mà còn rất nhiều nguyên nhân khác khiến các ổ dịch thường bùng phát ở những nước nghèo. Đơn giản, bệnh của người nghèo không nhận được sự chú ý từ các công ty dược phẩm.

Gần 40 năm sau khi phát hiện ra virus Ebola, đến nay thế giới vẫn chưa có được vắc-xin hay cách điều trị nào hữu hiệu cho dịch bệnh nguy hiểm này. Hãng dược phẩm lớn của Anh GSK hiện vẫn còn trong quá trình nghiên cứu và vắc-xin phòng Ebola có lẽ chỉ có thể có được sớm nhất vào năm 2015.

Tờ Lhumanité dẫn lời ông Pierre Mendiharat thuộc Tổ chức Y sĩ không biên giới (MSF) giải thích: "Đó là bởi vì Ebola chưa đủ tạo thành thị trường cho các hãng dược phẩm tư nhân".

WHO đã tiến hành một số cải cách nhưng có lẽ cần phải cải cách mạnh mẽ hơn trong việc tập trung hỗ trợ y tế cho các nước nghèo.


Theo Hà Cúc

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên