MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất Từ Liêm hậu chia tách: “Hàng xóm” ăn theo

Ba tháng trôi qua, kể từ thời điểm huyện Từ Liêm chính thức trở thành 2 quận mới, đời sống dân cư tại đây đã dần được cải thiện, nhờ sự chuyển mình của hạ tầng đô thị.

Từ Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương tới Xuân Phương, Tây Mỗ, Trung Văn… đâu đâu cũng bắt gặp các mảnh đất rộng, những căn chung cư chưa thành hình được người mua, kẻ bán hỏi thăm. Không còn cảnh lừng khừng, bất động sản (BĐS) tại nhiều địa bàn “nửa phố - nửa làng” ở Nam, Bắc Từ Liêm đã có giá trong mắt nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu thực.

Không chỉ người Từ Liêm được hưởng niềm vui từ đất cát, nhiều ô đất, suất đất (chưa hoặc đã xây thành công trình nhà ở) tại Hoài Đức, Vân Canh cũng lọt vào tầm ngắm của những khách hàng trẻ làm việc trong vùng giáp ranh Hoài Đức, Từ Liêm cũ.

Nhất cử lưỡng tiện

Tháng 12/2013, 2 quận Nam - Bắc Từ Liêm chính thức xuất hiện trên bản đồ hành chính Hà Nội. Tháng 4/2014, chính quyền sở tại 2 quận mới cơ bản tổ chức hoàn thiện bộ máy hành chính, sau rất nhiều nỗ lực của các cấp quản lý. Trong quá trình ấy, thị trường nhà đất huyện Từ Liêm cũ cũng chứng kiến đủ “vui - buồn” ở từng đường làng, ngõ xóm. Nào là chuyện hàng chục, hàng trăm hộ dân vội vã xây dựng hoàn chỉnh trước mốc ngày 1/4, rồi lại cảnh người người nhà nhà mất ăn mất ngủ vì nỗi lo giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan tới sở hữu BĐS… Gần cuối tháng 7, những sự vụ dạng đó đã lắng xuống, nhường lại “đất diễn” cho hàng loạt thương vụ nhà đất âm ỉ lan truyền trong giới thạo địa ốc lẫn khách hàng chưa lo nổi một chốn an cư “giá rẻ” hợp nhu cầu.

Bàn về ưu tiên lựa chọn vị trí nơi sinh sống, đa phần những người (dù có hoặc chưa có đủ tài chính) đều nhấn mạnh yếu tố “tiện đi làm, tiện sinh hoạt”. Tạm hiểu, căn nhà/mảnh đất được giao dịch phải thuận lợi giao thông, ít tắc đường vào giờ cao điểm, gần các trung tâm siêu thị hoặc chợ truyền thống cũng như bệnh viện, trường học (đối với hộ gia đình có con). Đương nhiên, với sức cầu chủ yếu hiện nay đến từ người lao động thu nhập khá trở xuống, điều kiện “rẻ - pháp lý tốt” mới là động lực chính để xuất hầu bao mua sản phẩm nhà đất.

Tìm hiểu nhanh tại một số khu vực từng một thời bị gạt qua, trong danh sách lựa chọn của người cần nhà ở thực tại phía Tây Hà Nội (Cầu Diễn, Phú Diễn, Xuân Đỉnh…), tốc độ giao dịch BĐS đã lên rõ rệt, nhưng giá trị chỉ nhích rất “khẽ”. Theo nhiều khách hàng vừa trở thành công dân tại Nam Từ Liêm, mua ở thời điểm từ nay tới đầu quý IV sẽ được giá mềm nhất, do lực đầu tư nhòm ngó khu vực đô thị mới này chưa rõ rệt.

Cụ thể, gia đình anh Sơn vừa “mua đứt” mảnh đất 38m2 trị giá 590 triệu đồng, hướng Nam - Tây Nam gần ngã tư Xuân Phương - Tây Tựu của một chủ đất sở hữu gần 300m2. Làm việc tại KCN Quang Minh, vợ công tác tại một cơ quan ở đường Lê Văn Lương kéo dài, “tính ra, mua ở vị trí này, hai vợ chồng đi làm đều tiện. Chưa kể, chỉ một vài năm nữa, khi hạ tầng giao thông Nam Từ Liêm được hoàn thiện, bán đi chắc cũng lãi gấp 2 - 3 lần”, người kỹ sư trẻ này cho biết.

Tuy vậy, những mảnh đất đủ hồ sơ pháp lý, được chia tách thành diện tích dưới 50m2 như trên đang “hiếm” dần, vì lượng khách hàng tìm mua gia tăng mạnh thời gian gần đây. Đan, môi giới kỳ cựu chuyên sale căn hộ Dương Nội, phân tích: tầm tiền nửa tỷ đồng đang phổ biến nhất trong khả năng tài chính của khách hàng trẻ. Họ liên tục hỏi những thửa đất diện tích nhỏ xinh ở khu vực Nam Từ Liêm và vùng giáp với Bắc Từ Liêm, nhưng nhiều chủ nhà đang có tâm lý găm hàng, chờ giá lên mới “xắt nhỏ ra bán”. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các dự án chung cư lân cận Từ Liêm.

Hồi sinh và cộng sinh

Huyện Hoài Đức, hàng xóm lân cận với huyện Từ Liêm cũ, từng được giới truyền thông và nhà đầu cơ địa ốc “đánh bóng” như một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn khi một số bản đồ án quy hoạch giao thông nội thị chính thức được công khai, phê duyệt. Giai đoạn 2009 - 2011, vô khối “đại gia” lắm tiền nhiều của đã “bập” vào hàng trăm ha đất nơi đây để kỳ vọng lợi nhuận khủng từ những dự án hoành tráng, quy mô.

Tiêu biểu, Kim Chung - Di Trạch của Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư được phê duyệt chi tiết từ năm… 2007. Nhưng từ 2008 tới đầu 2011, tiến độ duy nhất ghi nhận tại dự án chỉ là giá giao dịch đất nền (được giới đầu cơ tung tẩy): 16 - 18 triệu đồng/m2 diện tích 100m2 (năm 2008) tăng thành 37 triệu đồng/m2 (cuối năm 2010) và tới mức 50 triệu đồng/m2 (giữa 2011). Còn lại, KĐT quy mô hơn 170ha ngay mặt Quốc lộ 32 tới nay đã ngừng thi công từ tháng 7/2013, với bạt ngàn cỏ dại, ngổn ngang công trình thô.

Cũng như vậy, là tình trạng biệt thự bỏ hoang (vô chủ hoặc khách không dọn về ở) tại Lideco, Tân Tây Đô, hay “thừa diện tích” vì dự án đổi chủ (như Park City). Rất may, bức tranh dự án BĐS phía Tây không chỉ toàn màu tối. Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất lác đác xuất hiện một vài dự án khu đô thị mới đang hồi sinh mạnh nhờ lực hấp dẫn mang tên “Từ Liêm lên quận”. Đáng kể, phải nhắc tới 2 trường hợp tiêu biểu, là đất Vân Canh (thuộc KĐT Vân Canh của Tổng Công ty HUD) và chùm dự án Dương Nội (do Nam Cường làm chủ đầu tư).

Trao đổi với người viết, chị Tú, nhà đầu tư kiêm môi giới của một sàn giao dịch trên đường Cầu Diễn, giảng giải: Giờ nhiều người tìm mua đất ở Từ Liêm mới, nên giá sẽ lên nhanh chóng và khó có hàng rẻ nếu không mua sớm. Vì vậy, chọn ở Canh hoặc Dương Nội mới là hợp lý, 2 chủ đầu tư khu đô thị mới đang dốc sức làm dự án tới “bến”. Dù giá đất dự án đã bớt ảo, nhưng mua đất nền sẽ “mềm” hơn...

Tìm hiểu sâu, nhiều khách hàng đang được môi giới lẫn chủ đất phổ biến mức giá 16 - 19 triệu đồng/m2 đất xã Vân Canh. Với diện tích 30 - 50m2, sản phẩm đất nơi đây hoàn toàn vừa khả năng tài chính của đại bộ phận khách hàng (dưới nửa tỷ đồng). “Bỏ ra 500 triệu đồng, mua được mảnh đất thổ cư 37m2 tại thôn Kim Hoàng. Tính ra còn hơn vạn lần mua đất dự án có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2 tại đây”, khách hàng tên Lâm vui vẻ nói.

>>> Nhà đất tại Từ Liêm giao dịch tăng lên

Theo Nguyễn Cảnh

ngatt

Thời Báo Kinh Doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên