MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư 150 triệu USD cho 1 tuyến xe buýt, TPHCM phải đi vay... 140 triệu USD

10-09-2014 - 08:00 AM |

Với tổng số vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, tương đương hơn 150 triệu USD, tuyến xe buýt nhanh số 1 - TP.HCM được xem là một trong những tuyến xe buýt đắt đỏ nhất hiện nay.

Với tổng số vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, tương đương hơn 150 triệu USD, hơn gấp rưỡi giá trị đầu tư tòa Trung tâm hành chính Đà Nẵng, tuyến xe buýt nhanh số 1 - TP.HCM được xem là một trong những tuyến xe buýt đắt đỏ nhất hiện nay. Đáng chú ý là TP.HCM phải đi vay hơn 140 triệu USD để đầu tư cho tuyến xe buýt này.

Theo đó, tuyến xe buýt nhanh có điểm đầu tại nút giao vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối tại ngã ba Cát Lái (quận 2) có tổng chiều dài toàn tuyến 23,5km đi qua địa bàn huyện Bình Chánh, Bình Tân, quận 6, 5, 1 và quận 2 với tổng vốn đầu tư 3.248 tỷ đồng (hơn 150 triệu USD); trong đó, hơn 140 triệu USD được vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây tuyến xe buýt có tải trọng lớn, có sức chứa cao gấp 2 - 3 lần xe buýt thông thường (khoảng 80 người), được chạy trên một làn đường riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo đúng thời gian hành trình. Do đó, tuyến xe buýt này không ùn ứ như các tuyến xe buýt thông thường. Tốc độ trung bình của tuyến xe buýt này khoảng 30km/h.

Dự kiến năm 2018, tuyến xe buýt nhanh số 1 sẽ được đưa vào khai thác với công suất 31.600 khách/ngày. Đến năm 2020 sẽ đạt 86.250 khách/ngày. Điểm yếu của các tuyến xe buýt nhanh là đòi hỏi trình độ quản lý, chi phí vận hành khai thác cao hơn so với xe buýt thông thường.

Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI), mục tiêu của tuyến xe buýt nhanh số 1 là cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh; nâng cao năng lực giao thông, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường từ Tây sang Đông thành phố và ngược lại. Qua đó, tổ chức lại không gian đô thị, tăng cường mảng xanh dọc tuyến, giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Cũng theo UCCI, hiện dự án tuyến xe buýt nhanh số 1 đã hoàn thành khâu nghiên cứu khả thi, đang chờ Ngân hàng Thế giới thẩm định. Từ nay cho đến khi đưa vào khai thác, dự án còn phải giải quyết nhiều công việc trọng tâm như xử lý vấn đề môi trường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế chi tiết, thi công, quản lý vận hành...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xe buýt nhanh là loại hình vận tải đô thị mới, hiện TP.HCM vẫn chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và khai thác. Khi vận hành, hệ thống này sẽ làm giảm diện tích đường cho xe cá nhân, do đó làm giảm vận tốc của phương tiện cá nhân. Vì vậy, thành phố cần nghiên cứu một cách cẩn trọng và chính xác.

>> Toàn cảnh tuyến metro số 1 ở Sài Gòn đang thi công

Theo Ngôn Dân

vandoan

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên