MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhà nước hưởng đặc quyền, tư nhân 'tự sinh tự diệt'

21-07-2014 - 12:07 PM |

Khu vực tư nhân hiện vẫn chưa được phát triển đúng tầm và còn gặp rất nhiều trở ngại trong khi lại đang sử dụng vốn hiệu quả hơn các DNNN.

Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nêu cảm nhận kinh tế Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam. Ông  Jim Yong Kim cho biết, có thể cảm nhận rõ rệt những bằng chứng của sự phát triển kinh tế ở khắp mọi nơi - tinh thần doanh nhân trong con người nơi đây, sức sống của một dân số trẻ và sự hiện diện của khu vực tư nhân đã và đang tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của mỗi người dân.

Khu vực tư nhân chưa được phát triển đúng tầm

Sau những nhận xét về tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2010, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 7%, ông Jim Yong Kim vẫn chỉ ra những hạn chế trong những năm gần đây, hiệu quả và năng suất của nền kinh tế đã giảm sút khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, chỉ còn khoảng 5%.

"Mức tăng trưởng này là không đủ lớn để tạo thêm đủ số lượng công ăn việc làm cần thiết nhằm tiếp tục thúc đẩy sự thịnh vượng cho toàn xã hội. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn mức cần thiết để cho phép Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tiến tới một quốc gia có thu nhập cao", ông Jim Yong Kim viết.

Đặc biệt, ông Jim Yong Kim nhận xét, khu vực tư nhân của Việt Nam hiện vẫn chưa được phát triển đúng tầm, và còn gặp rất nhiều trở ngại. Mặt khác, cho tới thời điểm này thì các doanh nghiệp tư nhân lại đang sử dụng vốn hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo ông Jim Yong Kim, các tính toán của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cho thấy với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu bổ sung nhiều gấp ba lần so với các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Jim Yong Kim cho biết, trong thời gian ở thăm Việt Nam, ông gặp gỡ và thảo luận cùng các nhà lãnh đạo về hai lựa chọn để giúp thúc đẩy đầu tư cho khu vực tư nhân.

Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Thứ nhất, cần tạo điều kiện bình đẳng cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Khu vực nhà nước được hưởng sự độc quyền, trợ cấp và tiếp cận đặc biệt về vốn và các nguồn lực - những đặc quyền không dành cho khu vực tư nhân. Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế để dỡ bỏ các đặc quyền này. Nếu Chính phủ lựa chọn tạo ra một sân chơi bình đẳng như vậy, khu vực tư nhân sẽ phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Thứ hai, cần phải tìm kiếm những cách mới để cung cấp nguồn vốn dài hạn ổn định mà hiện không sẵn có cho khu vực tư nhân. Việt Nam cần xây dựng những thị trường mới để tạo lập những nguồn vốn này.

Một bước đi quan trọng chính là đẩy nhanh tốc độ xử lý các khoản nợ xấu của khu vực ngân hàng và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Nhưng Việt Nam cũng cần phát triển một khu vực tài chính phi ngân hàng mạnh tại các thị trường trái phiếu, chứng khoán, quỹ lương hưu và bảo hiểm... để tạo ra các nguồn vốn thay thế đa dạng và rẻ hơn.

DNNN hưởng đặc quyền: thua lỗ; DN tư nhân: Chết không đường cứu!

Những ý kiến nhận xét của ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đưa ra thực tế đã được chứng minh trong thời gian qua mặc dù các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền đặc lợi nhưng kết quả kinh doanh lại liên tục thua lỗ trong khi doanh nghiệp tư nhân thực chất phải là động lực phát triển kinh tế lại không được hưởng những đặc quyền, ưu đãi cả về vốn, đất, thuế... và đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế Việt Nam chia sẻ về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, các DNNN hiện được hưởng 5 đặc quyền, đặc lợi, hay lợi thế tuyệt đối: Không sợ phá sản cho dù thua lỗ kéo dài, hay khi “khó có người giúp”; biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; tận dụng cơ chế xin - cho; ưu đãi tiếp cận vốn, vay không lo trả và đặc biệt ít bị kiểm tra giám sát cũng như “hư không sợ bị đòn”.

TS Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế - Tài chính từng chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đặc quyền đặc lợi của DNNN xuất phát từ tư duy đến chủ trương của những người lập chính sách. Trong đó cốt lõi là, chưa làm rõ được vai trò chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; chưa tách bạch rõ nội hàm của thể chế quản trị quốc gia; lẫn lộn quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh gắn với thiếu công khai minh bạch.

Doanh nghiệp nhà nước hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền đặc lợi trong khi doanh nghiệp tư nhân lại gặp nhiều khó khăn
Doanh nghiệp nhà nước hưởng nhiều ưu đãi, đặc quyền đặc lợi trong khi doanh nghiệp tư nhân lại gặp nhiều khó khăn

TS Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cũng cho rằng, cần áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

"Hiện, mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì bộ trưởng có liên quan thường trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm (liên quan) đang khó tiêu thụ. Hoặc khi tập đoàn, tổng công ty không còn cách nào khác để tìm vốn kinh doanh vẫn được nhà nước chỉ định cho vay với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%", ông Cung nói.

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây thẳng thắn nói "doanh nghiệp tư nhân dường như đang bị bỏ rơi, họ phải gồng mình chống chọi với những khó khăn".

Cụ thể, bà Phạm Chi Lan cho biết, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện nay bao gồm ba khối chính: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp khối quốc doanh và FDI được những chính sách ưu ái từ phía Nhà nước, về thuế, phí, đất đai... thì cộng đồng doanh nghiệp tư nhân dường như đang bị bỏ rơi.

"Sau khi đi một vòng khảo sát, tôi mới giật mình và phát hiện rằng khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chẳng có gì và gần như cần phải phát triển lại từ đầu", bà Phạm Chi Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan có những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay là tình trạng các cơ quan Nhà nước không hiểu luật hoặc là hiểu khác so với tinh thần của luật, gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay rất thiếu tính thực tế, khiến không đi vào cuộc sống. "Đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng chẳng có một giải pháp triển khai nào cụ thể, khiến cho tiến trình thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Doanh nghiệp muốn bắt tay vào làm thì sợ rủi ro vì để đầu tư vào lĩnh vực này phải mất vài ba năm và cần có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, phí... nhưng thực tế thì chỉ có hô hào chung", bà Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho biết, khối doanh nghiệp Nhà nước và FDI có xu hướng hoạt động khép kín. Với doanh nghiệp Nhà nước, họ sẽ lập ra các công ty con, công ty sân sau, khi cần thì họ huy động nguồn lực từ các đơn vị này nên không cần phải liên kết với các doanh nghiệp tư nhân.

Khối doanh nghiệp FDI hiện vẫn dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp của họ trong khu vực chứ không phải ở Việt Nam (70-80% nguyên liệu đầu vào là ở các nước khác) nên việc doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi hoạt động này rất ít.

"Đứng giữa hai khu vực lớn (doanh nghiệp Nhà nước và FDI) được ưu đãi quá nhiều, doanh nghiệp tư nhân dù chiếm số lượng lớn vẫn bị lạc lõng, gần như phải tự thân vận động và không thể liên kết được với ai nên càng trở nên khó khăn hơn", bà Phạm Chi Lan nói.

>> Doanh nghiệp nhà nước 'sợ' cổ phần hóa  

Theo Tâm An

anhnt

Đất Việt

Trở lên trên