MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa hàng vào siêu thị: Mệt mỏi đứng kệ, chật vật đường vào

13-06-2013 - 09:42 AM |

Đưa hàng vào siêu thị vẫn là cách phân phối được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết tìm được đường vào siêu thị còn lắm gian nan.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang gồng gánh rất nhiều chi phí khi đưa hàng vào siêu thị, trong khi siêu thị khẳng định đó là chi phí bình thường và hợp lý.

Chật vật đường vào

Đã hơn ba tháng kể từ ngày anh Nguyễn Thành C., chủ một doanh nghiệp thực phẩm đóng gói, nộp hồ sơ vào siêu thị Co.op Mart để trưng bày và bán hàng tại hệ thống này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Họ yêu cầu thủ tục rất khắt khe về các loại giấy tờ kiểm định, an toàn thực phẩm, do lần đầu đưa hàng vào chúng tôi còn khá bỡ ngỡ” - anh C. nói. Tuy nhiên, sau khi đáp ứng đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục, sản phẩm của anh vẫn phải chờ để tiếp tục đàm phán về giá cả.

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng anh C. cho biết Co.op Mart vẫn yêu cầu giảm giá sản phẩm xuống nữa dù mức giá chào bán tại siêu thị hiện nay đã thấp hơn thị trường. Theo anh C., lý do chưa được chấp nhận là giá bán thử nghiệm trước đó tại siêu thị thấp hơn hiện nay nên đề nghị áp dụng giá cũ. “Bây giờ sản xuất hàng ra thấy hoang mang quá, hàng bán không được và các kênh phân phối thì đua nhau siết giá, nếu giảm giá quá nhiều thì chắc chắn không thể có lời được” - anh C. than thở.

Tương tự, Công ty thực phẩm V chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đóng gói của ông Nguyễn Việt T. (TP.HCM) đến nay vẫn chưa có mặt tại các hệ thống siêu thị chỉ vì vướng thỏa thuận về giá cả đầu vào. “Đành rằng những sản phẩm của chúng tôi còn mới, chưa khẳng định được thương hiệu, nhưng giảm giá sản phẩm quá nhiều thì doanh nghiệp chịu sao nổi” - ông T. nói. Theo tiết lộ của ông T., các siêu thị như Co.op Mart, Big C, Lotte... đều yêu cầu công ty giảm 6-14% giá các sản phẩm mới chấp nhận cho vào bán. Đây là lý do ông vẫn ngần ngại chưa quyết định, do mức giảm quá nhiều.

Bên cạnh vướng mắc về giá cả, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng áp lực từ việc phải chuẩn bị lượng hàng lớn mà chưa chắc có tiêu thụ được hay không, nhiều siêu thị yêu cầu phải vận chuyển hàng đến từng siêu thị riêng lẻ tại nhiều nơi... cũng khiến doanh nghiệp nhỏ “toát mồ hôi” khi tham gia đàm phán.

Mệt mỏi đứng kệ

Tìm được đường vào đã gian nan, để tồn tại được trên kệ, nhiều doanh nghiệp cho biết là “rất mệt mỏi”. Ông Nguyễn V., giám đốc Công ty thực phẩm P (TP.HCM) đã có nhiều năm đưa hàng vào các siêu thị, nói rằng chỉ tính riêng chuyện chiết khấu (giảm giá sản phẩm khi vào siêu thị) doanh nghiệp đã “chịu không nổi”. Hiện ông V. đang cung cấp thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ cho nhiều hệ thống bán lẻ lớn như Co.op Mart, Big C, Maximark...

Chỉ tính riêng mặt hàng chế biến, hiện siêu thị Big C đang thực hiện chiết khấu khoảng 19% ở phía Nam, nếu ở miền Trung và miền Bắc là cộng thêm 7% chi phí vận chuyển nữa. “Siêu thị nói đảm bảo lợi nhuận của họ, còn giá bán do doanh nghiệp quyết định, nhưng nếu chúng tôi đưa giá bán cao quá thì không ai mua, chẳng khác nào tự bắn vào chân mình” - ông V. bức xúc. Theo ông V., nếu làm như hiện nay, sản xuất với dây chuyền đạt chuẩn, hàng hóa đúng quy chuẩn chất lượng đầu vào sản xuất mà chiết khấu tới 26% thì doanh nghiệp không chịu nổi, lợi nhuận hầu như không còn.

Theo một số doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị, các siêu thị cho rằng mức chiết khấu cao là chi phí cho hàng loạt khâu như hỗ trợ doanh số bán hàng, hỗ trợ khuyến mãi, hỗ trợ bày bán, hỗ trợ sinh nhật, hỗ trợ tờ rơi... mỗi khoản một chút. Tuy nhiên, không chỉ chiết khấu cao, doanh nghiệp còn phải tổ chức khuyến mãi riêng cho siêu thị vào các dịp tết, lễ lớn trong năm. Muốn bán được hàng doanh nghiệp lại phải tranh giành nhau thuê vị trí đẹp, có khi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chưa kể, hợp đồng trưng bày hàng hóa tại các siêu thị hiện có thời hạn một năm, sau thời hạn này các siêu thị “xóa sổ” vị trí trưng bày, các doanh nghiệp lại tiếp tục cuộc đua mua vị trí trưng bày. Nói thế để thấy ngoài chiết khấu siêu thị còn nhiều chi phí khác đổ lên đầu doanh nghiệp. Đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp lớn, việc “bóp” chiết khấu có thể chấp nhận được. Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu, để đảm bảo cho việc bán hàng các siêu thị thường đưa ra mức chiết khấu khá cao, việc này thật sự khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Đặc biệt, việc thanh toán tiền hàng với siêu thị cũng khó khăn hơn trước nhiều. Giám đốc một công ty may mặc có tiếng tại TP.HCM cho biết tùy theo quan hệ mà việc thanh toán tiền hàng nhanh hay chậm, thời điểm hiện nay các siêu thị thanh toán sau 30-45 ngày, thậm chí lên tới 60-90 ngày. Theo vị này, trước đây khoảng hai năm không có chuyện đó, sau khoảng 30 ngày thì siêu thị đã thanh toán tiền hàng rồi. “Doanh nghiệp chúng tôi đâu có sung sướng gì, nhập nguyên liệu đầu vào cũng bị ép phải trả tiền ngay, cùng lắm là 10 ngày sau đã phải trả. Sản xuất xong thì cũng muốn có đồng vốn trong tay để tính toán xoay vòng tiếp chứ, khó khăn mà ngâm vốn mãi, chịu sao nổi” - vị giám đốc này nói.

Chiết khấu cao do chi phí quảng bá, marketing...

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng đang thực hiện mức chiết khấu hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại thời điểm khó khăn như lúc này. Đối với những sản phẩm mới chào hàng vào siêu thị, theo bà Thu, siêu thị phải xem xét mặt hàng chào giá ra sao, có sản phẩm cùng loại hay không, doanh số bán hàng thế nào, giá cạnh tranh không... Tóm lại, nếu mặt hàng đáp ứng được nhu cầu thị trường thì sẽ được đưa vào.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc truyền thông hệ thống Big C, khẳng định tỉ lệ chiết khấu phụ thuộc ngành hàng. Còn lại việc đưa hàng vào siêu thị phải có chiết khấu là không thể tránh khỏi, do việc trưng bày hàng hóa phát sinh rất nhiều chi phí. Cũng theo bà Trang, mỗi siêu thị có cách tổ chức trưng bày, bán hàng khác nhau nên tỉ lệ chiết khấu cũng khác nhau. Chi phí chiết khấu là chi phí đầu tư vào điểm bán để thu hút hơn, hấp dẫn hơn. “Việc bán hàng ngoài chợ không tốn chi phí trong khi siêu thị quảng bá, catalogue, marketing..., mục đích là bán hàng được, nhanh hơn” - bà Trang nói.

 Theo Dũng Tuấn

thuyntt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên