MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gas tăng, doanh nghiệp mất tiền tỉ

02-12-2013 - 07:47 AM |

Với mức tăng gần 80.000 đồng/bình, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt mà nhiều doanh nghiệp sử dụng gas cho biết sẽ thiệt hại hàng tỉ đồng do giá thành bị đẩy lên cao, trong khi hợp đồng đơn hàng đã ký từ trước.

Câu chuyện giá gas tăng sốc vừa mới sáng sớm đã lan nhanh và gây bức xúc đến hầu hết quán cơm, nhà hàng kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Anh Ngô Hải, tổng quản lý nhà hàng Hương Việt (đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7), bực bội: “Tôi vừa mới đọc báo, không tin vào mắt mình nữa, tăng kiểu gì không thể hiểu nổi”.

Theo anh Hải, nhà hàng của anh mỗi tháng tiêu thụ hơn 30 bình gas loại 12kg để nấu nướng, với mức tăng vừa qua, mỗi tháng nhà hàng của anh phải bù thêm 2,4 triệu đồng.

Mặc dù rất bức xúc nhưng anh Hải cho rằng không còn lựa chọn nào khác vì nếu không xài gas thì không biết dùng gì nấu nướng. “Đã kinh doanh thì buộc phải chấp nhận. Thời điểm này là thời điểm nhạy cảm, cận tết, nhà hàng nào cũng cạnh tranh, sức mua kém làm sao dám tăng giá được?” - anh Hải nói. Lý do nữa theo anh, thời điểm này có một số khách hàng để dành tiền dồn cho tết, làm tiệc tất niên. Vì vậy nhà hàng đành phải chịu, ráng gồng gánh giá cả nhưng về lâu về dài thì buộc phải tính toán lại.

Giá gas tăng, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ bị thiệt hại lớn vì cơ cấu giá thành tăng, giá thành sản phẩm tăng lên. Ông Vương Siêu Tín - phó chủ tịch Hội Gốm sứ Bình Dương, giám đốc Công ty gốm Phước Dũ Long (Bình Dương) - cho biết từ sáng sớm 1-12 thông tin về giá gas tăng sốc khiến các doanh nghiệp choáng váng bởi mức thiệt hại được tính toán quá lớn. 

Hiện nay gas là nhiên liệu chính cho quá trình nung đốt, hoàn thiện sản phẩm của ngành sản xuất gốm sứ. Trung bình một tháng các doanh nghiệp trong hội tiêu thụ trên 1.000 tấn gas, riêng công ty ông tiêu thụ gần 200 tấn. Ông Tín phân tích giá gas chiếm đến 45% trong cơ cấu giá thành một sản phẩm gốm sứ.

Theo đó, giá gas tăng thêm 267,5 USD/tấn (tương đương 80.000 đồng/bình 12kg) bắt buộc các công ty phải tính giá thành sản phẩm tăng thêm ít nhất 10%. Nếu giữ giá bán cũ, mỗi tháng công ty thiệt hại hơn 200 triệu đồng cho chi phí gas tăng thêm.

Công ty cũng không thể áp mức giá mới do giá các đơn hàng đã được ký kết với khách hàng từ nhiều tháng trước. Thậm chí những đơn hàng cho quý 1-2014 cũng không thể điều chỉnh. “Thị trường xuất khẩu gốm sứ bắt đầu có những tín hiệu phục hồi đáng mừng. Hiện chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 4-2014. Lượng gốm bán ra đã tăng gần 100% so với những tháng giữa năm. Nhưng hiện trạng này chúng tôi không biết phải xoay xở sao. Bởi thời gian tới không chỉ gas tăng mà hàng loạt chi phí khác cũng theo đó tăng thêm” - ông Tín bức xúc.

Đại diện một doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho biết: “Đang vào cao điểm sản xuất hàng hóa như lúc này mà lại tăng giá, thật sự doanh nghiệp đang rơi vào thế khó”. Vị đại diện này cho biết sản phẩm đã cam kết với người tiêu dùng thì không thể tăng giá được, mà giá nhiên liệu tăng làm cơ cấu giá thành sản phẩm tăng lên, điều này khiến doanh nghiệp ôm thiệt hoặc giảm lời chứ làm sao mà tăng giá thành sản phẩm khi ra thị trường được.

Tăng giá gas có hợp lý?

Ông Vương Siêu Tín (phó chủ tịch Hội Gốm sứ Bình Dương) đề nghị Nhà nước cần xem xét việc điều chỉnh giá như vậy đã hợp lý hay chưa. Bởi hiện lượng gas sản xuất trong nước đã chiếm quá nửa so với lượng nhập khẩu. Do đó không thể phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới để định giá gas trong nước.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách xử lý kịp thời đối với những biến động bất thường của thị trường, tránh những xáo trộn quá lớn như hiện nay. Doanh nghiệp quy mô càng lớn càng thiệt hại nặng nề bởi những rủi ro bất ngờ này.

Theo DŨNG TUẤN - LÊ SƠN

thuyntt

Tuổi trẻ

Trở lên trên