MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội chứng 'bất động...'

18-05-2013 - 08:15 AM |

Quản lý xã hội là việc nghiêm cẩn, mà cứ hệt như chuyện mấy anh xã trưởng thời xưa bàn chuyện "đụng độ" sau lũy tre làng!

Tuần qua, xã hội sôi động và râm ran chuyện sắp lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, giữa lúc câu chuyện đầy kịch tính- giải cứu bất động sản với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã "mở màn". Thì một vụ việc "giải cứu bất động sản" không kém kịch tính khác lại nổ ra.

Sáng đúng chiều sai, sáng mai- chưa biết!

"Sàn diễn" ở đây là vùng rừng Sóc Sơn, Ba Vì ( Hà Nội), với hàng loạt sai phạm về đất đai. Riêng huyện Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại chín xã và Lâm trường Sóc Sơn, có 336 hộ dân chuyển nhượng đất lâm nghiệp, diện tích gần 300 hecta, 659 hộ xây dựng các công trình trên đất lâm nghiệp. Một con số sai phạm khổng lồ.

Hàng trăm ngôi biệt thự đẹp đẽ, trang trại hoành tráng mọc lên thấp thoáng giữa cảnh núi rừng phong thủy hữu tình. Tiếc thay, đó lại là bức tranh xấu xí và đáng buồn về quản lý chính quyền cơ sở, quản lý Nhà nước buông lỏng, mặc dân tự ý mua bán, chuyển nhượng đất rừng, chuyển đổi sai mục đích sử dụng.

Hai trường hợp điển hình được báo chí đưa ra, theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường HN. Đó là biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, và Việt phủ Thành Chương. Trớ trêu và hài hước nhất, Việt phủ Thành Chương nhiều năm qua, từng đón nhiều quan khách trong nước và quốc tế, được một số bảo tàng, tổ chức văn hóa ghi nhận như một địa chỉ văn hóa của VN, từng được "khảo sát" để làm điểm du lịch 1000 năm Thăng Long- HN.

Người viết bài cứ tự hỏi, không biết các quan chức HN, khi đến thăm Việt phủ, có ai băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao Việt phủ lại được xây dựng hoành tráng đến vậy ở ngay trên đất rừng đặc dụng?

Để đến giờ, gần chục năm trôi qua, bao nhiêu cơn mưa rừng, bao nhiêu mùa hoa nở, Việt phủ Thành Chương và biệt thự gia đình ca sĩ Mỹ Linh bỗng nhiên trở thành "điều tiếng"- bởi họ vốn là những người nổi tiếng. Chứ còn "ăn theo" họ, có không ít biệt thự, nhà ở nữa, đâu phải chỉ có hai vị nghệ sĩ có đẳng cấp này. Như anh trai, chị gái ca sĩ Mỹ Linh cũng lại có những sai phạm tương tự được phát hiện trong quá trình thanh tra. Kéo theo hàng nghìn ý kiến của người dân ở hai phía- phía đòi xử lý nghiêm minh, phía bênh vực họ.

Vụ việc trở nên phức tạp, rối tinh rối mù, bởi ngay cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước các cấp, còn mâu thuẫn nhau trong sự nhìn nhận một vụ việc, thì người dân làm sao hiểu đúng hay sai? Và ngay chính cơ quan quản lý còn sai phạm, nói gì đến người dân?

Bởi nếu Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường HN kết luận, vụ việc trên là xây sai phép, thì ông Chủ tịch UBND xã Minh Phú (xã có biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh) lại bác bỏ ngay kết luận của Thanh tra Sở.

Đường Lâm, chùa Một Cột, Việt phủ Thành Chương, Mỹ Linh
Khu biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh

Còn ông Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ (nơi có Việt phủ Thành Chương) không thuộc quyền quản lý của UBND huyện, mà thuộc Công ty Lâm trường Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng. Thế nhưng Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn, cũng đang có nhiều sai phạm về sử dụng đất không đúng mục đích. Rõ là ốc không mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu.

Đáng chú ý nhất, những nội dung này đã được UBND TP chỉ đạo giải quyết tại Công văn số 2224/UB-NNĐC ngày 2-6-2005 và trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã tiếp tục yêu cầu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tại các Văn bản số 122/TB-UB ngày 01-6-2006, số 159/TB-UB ngày 28-7-2006 và số 3750/UBND-TNMT ngày 21-5-2012.

Như vậy, từ năm 2005, UBND t/p HN đã có văn bản chỉ đạo giải quyết (trong khi biệt thự gia đình ca sĩ Mỹ Linh mãi năm 2009 mới xây). Tám năm trôi qua, không hiểu các ngành, các cấp quản lý chính quyền Sóc Sơn làm gì? Hay các bác mắc bệnh trên bảo dưới không nghe?

Nếu có bệnh thì cần "chữa trị" đến nơi đến chốn, chứ hội chứng "bất động sản" giờ đã thành hội chứng... "bất động" của không ít cấp quản lý chính quyền cơ sở? "Bất động" về trách nhiệm quản lý, về ý thức bổn phận cán bộ công quyền? Chả lẽ lại có cả ngành đào tạo những "nhà bất động học"?

Tại sao, hiện tượng xây biệt thự, xây phủ, xây nhà trên đất rừng ở Sóc Sơn, ở Ba Vì nhan nhản? Đằng sau những ngôi biệt thự lộng lẫy, đẹp đẽ đó, chuyện gì đã diễn ra? Xã hội nào cũng có luật pháp, tuy nhiên, phổ biến người Việt lại sống theo... lệ. Lệ làng, lệ xã, lệ phố, lệ phường, và giờ, có lệ... rừng? Còn nếu người dân phải theo luật, lại là thứ "luật" bất thành văn-phạt cho...tồn tại.

Hóa ra, cái "luật" này rất được...ưa chuộng. Từ thành thị đến miền rừng. Ngay ở t/p HCM chẳng hạn. Công trình cao ốc trên đảo Kim Cương (P. Bình Trưng Tây, Q2), tổng diện tích xây dựng trái phép lên đến gần 3000 m2. Tòa nhà cao ốc BMC trên đường Võ Văn Kiệt, xây trái phép hơn 270 m2... Tất cả vẫn bình an vô sự!

Còn nếu xử lý cán bộ, hãy thử nhìn lên Ba Vì mà xem. Trung bình mỗi năm, Ba Vì có hơn 100 đảng viên bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo, khiến trách, kiểm điểm, trong đó sai phạm liên quan đất đai tới 40%. Một con số và hình ảnh thật ấn tượng. Cán bộ bị kỷ luật cứ kỷ luật, biệt thự cứ xây và cứ tồn tại trên đất rừng.

Cũng tưởng cái "luật" bất thành văn- phạt cho... tồn tại, chỉ tồn tại trong bóng đêm, hóa ra sắp tới rất có thể nó được "chính danh, chính chủ" hẳn hoi. Một... tin mừng cho các công trình xây trái phép.

Theo báo Tuổi trẻ (ngày 8/5), Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, nếu công trình xây trái phép là nhà ở riêng lẻ ở đô thị sẽ nộp 40% giá trị lợi nhuận phần trái phép. Nếu công trình xây trái phép thuộc các dự án đầu tư xây dựng thì phải nộp 50% lợi nhuận của phần công trình trái phép.

Thật lạ. Luật là để ngăn chặn, xử lý những việc vi phạm pháp luật. Nhưng Dự thảo này nếu thành hiện thực, quá bằng... xui con người ta nên làm trái luật, chỉ cần chạy bằng tiền là xong om!

Đường Lâm, chùa Một Cột, Việt phủ Thành Chương, Mỹ Linh
Việt phủ Thành Chương

Đã thế, vị đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, xét về hiệu quả xã hội, nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi vì tốn tiền của chủ đầu tư cũng là tiêu tốn của cải xã hội. Nhưng để cho phần diện tích trái phép của các công trình tồn tại mà chủ đầu tư không phải nộp đồng nào trong số lợi nhuận họ thu được từ phần công trình bất hợp pháp trên, thì người đi sau sẽ nhìn người đi trước mà tiếp tục vi phạm.

Một thứ tư duy ngụy biện và đánh tráo khái niệm kỳ cục. Vậy xin hỏi, Thanh tra Bộ Xây dựng tồn tại để làm gì? Hay các vị tồn tại chỉ để đi phạt tiền, chứ không phải để góp phần buộc con người tôn trọng luật pháp, cũng tức là tôn trọng trật tự an sinh xã hội.

Và cũng xin thưa, sự bát nháo trong xây dựng, trong quản lý đô thị- "hiệu quả quản lý xã hội" không nằm ở sự "tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi" đâu, mà nằm ở chính tư duy quản lý... "bất động" kiểu này, ở sự lười biếng, ngại khó trước trách nhiệm, bổn phận của mình.

Không phải không có lý khi TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Pháp luật phải nghiêm chứ không nên thỏa hiệp.

Trong khi gói "bất động sản" Sóc Sơn, Ba Vì còn chưa tìm được đường giải cứu, đọc thông tin thấy nản quá. Quản lý xã hội, xã tắc là việc nghiêm cẩn, mà cứ hệt như chuyện mấy anh xã trưởng thời xưa bàn chuyện "đụng độ" sau lũy tre làng!

Những nhà... "bất động học"?

Hội chứng "bất động" cũng thiên hình vạn trạng.

Nếu ở Sóc Sơn, Ba Vì, đó là bệnh trên bảo dưới không nghe, thì ở những Di sản văn hóa quốc gia như Đường Lâm, Chùa Một Cột (Hà Nội), mà tiếng kêu thất vọng của người dân lẫn sư sãi trụ trì mới đây thức tỉnh cả xã hội, đó là sự...bất động trước nỗi khổ của người dân, dù phàm tục hay thoát tục.

Gần chục năm trước đây, người dân làng cổ Đường Lâm hoan hỉ đón đợi danh hiệu Di sản văn hóa quốc gia. Họ không nghĩ rằng, sau những hoan hỉ về cái danh, là nỗi khổ của đời sống thực đang ... đợi họ. Mới đây, gần trăm người dân Đường Lâm đồng tâm viết thư xin trả lại tên (danh hiệu) cho thành phố.

Hơn nửa thế kỷ trước, Chùa Một Cột là một trong những di tích được công nhận Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (đợt đầu tiên- năm 1962). Hàng chục năm nay, từ 2002, vị Đại đức trụ trì ngôi chùa cổ kiên trì viết đơn cầu cứu ngành văn hóa các cấp, vì sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa. Mới đây, bức xúc quá, ông đành viết "tâm thư" vì không hiểu nổi sự làm ngơ này.

 

Đường Lâm, chùa Một Cột, Việt phủ Thành Chương, Mỹ Linh
Tượng Tổ mặc áo mưa, đội nón vì dột nát tại chùa Một Cột. Ảnh: Dân Việt
Nỗi khổ giữa làng cổ Đường Lâm và ngôi chùa cổ có cái tên độc đáo- Chùa Một Cột rất khác nhau, như giữa đời và đạo vậy. Làng là nơi sinh sôi, phát triển. Chùa là nơi hướng thiện, giải thoát tinh thần...

Nếu như làng cổ Đường Lâm khổ vì các thế hệ nảy nở, chen chúc nhau trên một diện tích "cổ" không được phép cơi nới, mà người dân cũng không thểbồng bếnhau lên nó ở non, như gợi ý của cụ Trần Tế Xương năm xưa. Thì Chùa Một Cột xập xệ xuống cấp, trên ngấm dưới ngập. Mỗi lần mưa to, Tượng Tổ phải đội nón, mặc áo mưa như đang đi...khất thực.

Nếu như làng cổ Đường Lâm, là nơi người dân- người "bảo vệ" đắc địa và tôn vinh văn hóa làng cổ bằng phong tục, tập quán sinh sống cha truyền con nối, thì lợi ích thực của họ lại rất...hư không. Khi mà hàng năm Đường Lâm có tới hàng chục vạn khách du lịch, nhưng đại đa số người dân ở đây không được hưởng đồng nào từ số tiền bán vé (?)

Thì Chùa Một Cột, trước nguy cơ "rơi tự do" lại sẵn sàng làm cái việc nâng cấp nhà chùa bằng cách vận động xã hội hóa 50%, thậm chí cả 100%.Thế nhưng, ngay cả sự "sẵn sàng" của chùa, cũng rơi vào...hư không nốt.

Sự bất công với người dân làng cổ Đường Lâm, là bên cạnh những ngôi nhà cơi nới vì điều kiện sống quá khổ, bị chính quyền xã lập tức cưỡng chế, đập bỏ không thương tiếc, lại là những căn nhà 2-3 tầng xây rất khang trang, thể hiện "đẳng cấp".

Đường Lâm, chùa Một Cột, Việt phủ Thành Chương, Mỹ Linh
Một góc làng cổ Đường Lâm

Sự thất vọng của ngôi Chùa Một Cột, là mặc dù xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù những lá đơn cầu cứu của Đại đức trụ trì, cứ sáu tháng lại một lần được gửi đi, để rồi, lãnh đạo ngành văn hóa t/p chỉ dành duy nhất được... hai phút kiểm tra ngôi chùa, rồi về.

Nhưng nỗi khổ của làng cổ Đường Lâm, và Chùa Một Cột lại rất giống nhau. Đó là đều gặp những nhà "bất động học"- những quan chức Sở VH- TT- DL t/p. Có lẽ các vị đang mải ngồi... thiền?

Bởi gần chục năm được công nhận Di sản văn hóa quốc gia, đến giờ, làng cổ Đường Lâm vẫn không hề có quy hoạch cụ thể, để người dân biết cách ứng xử với di sản làng mình ra sao, ngoại trừ duy nhất là sự cưỡng chế, đập phá, dỡ bỏ, kiểu không sờ vào hiện vật của cán bộ chính quyền xã, tuân theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Dù họ cũng khổ tâm, lúng túng và bối rối. Ngay cái văn bản quy chế tạm thời về "xây dựng, làm nhà cửa ở trong làng", mà bẩy năm đã trôi qua, vẫn chưa xong (?)

Trong khi có bao bài học về bảo tồn- phát triển hài hòa ba lợi ích giữa Nhà nước- chính quyền- dân sở tại ở tại các đô thị cổ trên thế giới như Thành cổ Lệ Giang (Vân Nam- Trung Quốc), Thành cổ Malacca (Malaysia), và gần nhất là Đô thị cổ Hội An, nào phải đâu xa. Nhưng làng cổ Đường Lâm cứ như... một mình một chợ.

Trước sự bất bình, và phản ứng của xã hội, mới đây, vụ việc làng cổ Đường Lâm và Chùa Một Cột đã được đưa ra bàn luận, tìm kiến giải. Nhưng khởi đầu, phải là bàn luận đã.

Có điều, một khi, hội chứng "bất động" trong tư duy, trong trách nhiệm và năng lực quản lý xã hội còn được... phổ cập ở không ít quan chức quản lý chính quyền, văn hóa các cấp, thì rút cục quy hoạch đô thị, đời sống người dân, cho tới các di sản văn hóa xã tắc, còn phải trả giá đắt!

Vì thế, Sóc Sơn, Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, hay Chùa Một Cột, hãy cứ "án binh... bất động" mà hy vọng!

Theo Kỳ Duyên

kyanh

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên