MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng đang bị "móc túi" hàng nghìn tỷ đồng

11-06-2014 - 20:00 PM |

Một quả trứng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán 400 đồng/quả, trong khi ở siêu thị là 40 nghìn đồng/kg, tức là hơn 2.000 đồng/quả.

Nội dung chính:

- Nguyên nhân của việc hàng hóa khi vào siêu thị lại có mức giá cao là do hàng hóa từ tay nhà sản xuất đến nhà bán lẻ phải trải qua rất nhiều khâu trung gian.

- Hiệp hội Bán lẻ kiến nghị Nhà nước cân nhắc giảm thuế VAT, chỉ cần giảm từ 10% xuống còn 5% cũng khiến cho giá thành sản phẩm giảm đi đáng kể, sức cầu tiêu dùng lớn hơn.

- Các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ phải "ngồi lại với nhau" để xây dựng chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, cắt bớt ngay các khâu trung gian bất hợp lý đẩy giá lên.

- Cần xây dựng chiến lược ngành để phục vụ nền kinh tế của đất nước. Đồng thời, cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Bởi hệ thống này đang rườm rà, chồng chéo, khó thực thi




Một quả trứng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán 400 đồng/quả, trong khi ở siêu thị là 40 nghìn đồng/kg, tức là hơn 2.000 đồng/quả. Hay như 1kg đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ra ở Lào bằng công nghệ tiên tiến chỉ có giá 4.000 đồng/kg, trong khi đó đường sản xuất ở các nhà máy tại ở Việt Nam lên tới mười mấy nghìn/kg…

Ví dụ trên được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đưa ra để chứng minh cho những bất cập trong việc tổ chức thị trường bán lẻ trong nước trong một tọa đàm về mở cửa thị trường bán lẻ vừa mới diễn ra.

Qua rất nhiều trung gian

Đúng là NTD khó có thể ngờ rằng sau khi mua hàng qua hệ thống kênh mua bán siêu thị lại có thể bị mất số tiền lớn như vậy?

Theo ông Phú, nguyên nhân của việc hàng hóa khi vào siêu thị lại có mức tăng so với mức tiêu thụ bên ngoài là do các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ chưa phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi sản xuất phân phối hàng hóa. Tức là hàng hóa từ tay nhà sản xuất đến nhà bán lẻ phải trải qua rất nhiều khâu trung gian và đã tự động đẩy giá lên cao.

Thêm vào đó, mô hình gắn kết với nhà sản xuất địa phương kém hiệu quả. Các tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài về ngành bán lẻ thông thường có xu hướng lựa chọn nhà cung cấp lớn mà bỏ qua các nhà cung cấp nhỏ lẻ, đặc biệt các nhà cung cấp sản xuất địa phương.

Ông Phú cũng cho biết, thuế VAT cũng là vấn đề được kiến nghị rất nhiều lần. Vì đây là lí do khiến giá hàng hóa khi vào siêu thị bị đẩy lên cao. Ví dụ, 1 kg thịt vào siêu thị bán với giá 100 nghìn đồng/kg sẽ cộng thêm 10 nghìn đồng thuế VAT… Theo ông Phú, chưa giảm được toàn bộ 10% VAT thì giảm còn 5%. Chỉ cần giảm được một nửa như vậy, doanh số của các siêu thị sẽ tốt hơn, sức cầu tiêu dùng lớn hơn.

Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ, cũng cho rằng: "Hiệp hội mong muốn Nhà nước xem xét các luật thuế, bởi nó tác động mạnh mẽ đến các DN nói chung và DN phân phối bán lẻ nói riêng. Hiệp hội Bán lẻ kiến nghị giảm thuế VAT xuống 5% (hiện nay là 10%) cho các DN, nếu không giảm được hết, nên ưu tiên cho các DN phân phối bán lẻ. Nếu kiến nghị được thông qua sẽ giảm giá các mặt hàng và đem lại lợi ích cho NTD. Sẽ có ý kiến cho rằng, như thế ngân sách Nhà nước không đảm bảo; nhưng ngược lại sức mua tăng lên và việc sản xuất đảm bảo".

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ và Quản lý BĐS Đại Dương (Ocean Mart), cho biết: "Các DN bán lẻ Việt Nam luôn tin tưởng vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng như cung cấp thông tin, kế hoạch triển khai ban đầu, cách thức quảng bá thương hiệu. 

Hiện hệ thống siêu thị Ocean Mart đã vận hành được một thời gian, song song với việc liên tục kiểm tra, không chỉ riêng Ocean Mart, mà hệ thống bán lẻ Việt Nam dường như chưa được hỗ trợ nhiều về việc đăng tải thông tin về phía DN có lợi cho NTD".

Đi thẳng, giảm trung gian

Hiện nay, các chương trình khuyến mãi thường phải thông báo trước 1 tuần, nên bản thân các DN không thể chủ động áp dụng các chính sách giá mới tốt hơn cho khách hàng tại thời điểm cần thiết. Và, đối với một DN bán lẻ, mục tiêu cuối cùng hướng tới là mang đến một mặt bằng giá tốt nhất để phục vụ và trở thành nơi mua sắm tin cậy của khách hàng sẽ khó thực hiện.

Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú đề xuất, các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ phải "ngồi lại với nhau" để xây dựng chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả, chủ yếu là đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, cắt bớt ngay các khâu trung gian bất hợp lý đẩy giá lên.

"Kết quả cuối cùng ở khâu bán lẻ lợi nhuận phải được phân chia một cách hợp lý, trước hết là lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất. Đó là cái gốc của sự phát triển. Và là con đường duy nhất để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam một cách bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội, bảo vệ quyền lợi NTD về giá cả và chất lượng hàng hóa bán ra thị trường", ông Phú nói.

Như vậy, các DN bán lẻ nên gắn kết, phối hợp, hỗ trợ tài chính với các nhà sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương. Bởi đây chính là bước giảm thiểu khâu trung gian làm cho NTD mức giá tốt nhất. Mặt khác, đa dạng hóa mô hình kinh doanh, bên cạnh mô hình siêu thị cần có mô hình siêu thị tầm trung, minimart nhằm hiện diện thương hiệu của mình ở mọi nơi.

Thêm nữa, ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Vấn đề quy hoạch ở nhiều địa phương cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đâu đó vẫn thấy được lợi ích cục bộ từ các địa phương. Vì vậy, việc nâng cao tính minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh là điều cần thiết.

Ông Năm cho rằng "Việc xây dựng chiến lược cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, nhưng chiến lược ngành phải thấu đáo, cập nhật thông tin, phân tích sâu và các giải pháp thiết thực… thì chưa có. Do vậy, cần xây dựng chiến lược ngành để phục vụ nền kinh tế của đất nước. Đồng thời, cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Bởi hệ thống này đang rườm rà, chồng chéo, khó thực thi".

>> Hà Nội lọt vào top 3 thị trường bán lẻ hàng đầu Châu Á

Theo Lê Thúy

anhnt

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên