MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khuất tất trong vụ thế chấp nhà đất tại Ngân hàng Phương Đông

Ngân hàng cho thế chấp để vay tiền mà không "đếm xỉa" đến người vợ. Khối tài sản bị kê biên một cách nhanh chóng đến lạ kỳ và quyền lợi của người vợ bị "gạt" ra một bên?.

Khuất tất trong thế chấp

Theo đơn khiếu nại của bà Trần Thị Năm (SN 1970 trú tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), năm 1989 bà kết hôn với ông Lại Văn Quyền (SN 1964) và có một con trai vào năm 1991. Sau đó, ông Quyền vào Quảng Nam làm ăn và đã dùng tài sản của hai vợ chồng lập Cty nay là Cty TNHH MTV Trường Sơn (ông Quyền làm Tổng giám đốc)

Quá trình làm ăn, vợ chồng bà tạo dựng được nhiều tài sản, trong đó tại TP Đà Nẵng có 5 thửa đất cùng với tài sản gắn liền trị giá hơn 100 tỷ đồng. Gần đây, bà được biết 5 thửa đất trên đã bị thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông – Chi nhánh Trung Việt (Ngân hàng Phương Đông) để vay vốn. Do không trả nợ đúng hạn, ngân hàng đã khởi kiện và ngày 8/7/2011, TAND TP Đà Nẵng ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã kê biên các tài sản trên để đấu giá thi hành án.

“Ngân hàng Phương Đông cho ông Quyền thế chấp các tài sản trên mà không có sự đồng ý của tôi là vi phạm pháp luật, vì tài sản đó là của chung vợ chồng tôi. Việc TAND TP Đà Nẵng ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Ngân hàng Phương Đông với ông Quyền về xử lý các tài sản trên mà không đề cập đến ý kiến của tôi cũng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mẹ con tôi”, bà Năm bức xúc. Để chứng minh, bà Năm đưa ra Giấy đăng ký kết hôn của bà với ông Quyền cùng Giấy khai sinh của người con trai có nội dung như bà trình bày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi làm thủ tục thế chấp, trong hồ sơ vay vốn có một tờ giấy xác nhận tình trạng ông Quyền độc thân và ngân hàng đã căn cứ vào đây để cho ông Quyền thế chấp 5 thửa đất để vay gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, nội dung tờ giấy đó chỉ là xác nhận của chính quyền địa phương huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam rằng từ khi vào làm ăn ở địa phương ông chỉ đăng ký và thường trú một mình.

Nhiều dấu hiệu lừa đảo?

Liên quan đến vụ thế chấp vay vốn này, cho rằng bị lừa đảo nên ông Quyền và bà Năm đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Theo đơn trình bày, ông thế chấp 5 thửa đất trên để vay 20 tỷ đồng của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Đà Nẵng. Sau đó, ông Nguyễn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Cty Trường Sơn nói rằng có quan hệ với Ngân hàng Phương Đông và sẽ đảm bảo chuyển các tài sản thế chấp trên từ Eximbank sang Phương Đông. Ông Toàn đã giới thiệu ông vay lãi cao của bà Cúc (chị ông Toàn) 19,853 tỷ đồng để trả nợ Eximbank.

Cũng theo đơn, tại Phương Đông, ông Toàn giới thiệu ông Quyền gặp bà Võ Thị Hoài Hương (nhân viên Ngân hàng). Bà Hương đưa cho ông Quyền mẫu Giấy mở tài khoản và chỉ vào 2 ô trống bảo “ký vào đó là xong”. Sau đó, bà Hương bảo ông Quyền viết Giấy ủy quyền cho ông Vũ (người thân của ông Toàn) để hoàn thiện thủ tục mở tài khoản thì ông Quyền không cần có mặt nữa.

Sau này, Ngân hàng Phương Đông đưa cho ông Quyền xem một tờ Giấy ủy quyền có nội dung ông Quyền ủy quyền cho ông Toàn thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản được mở để giao dịch vay vốn tại ngân hàng này. “Tôi không hề viết giấy ủy quyền đó, mà đó chỉ là tờ giấy tôi ký sẵn cho ông Bường (cán bộ Cty giữ) để khi tôi đi vắng thì ông Bường có thể giải quyết việc nhỏ liên quan tới Cty (với điều kiện phải có ý kiến của tôi). Giấy ủy quyền này không hề có chữ ký của người nhận ủy quyền và có dấu hiệu bị làm giả, nhưng không hiểu sao ngân hàng vẫn cho ông Toàn giao dịch với số tiền gần 40 tỷ đồng ?”, ông Quyền bức xúc.

Cũng theo Đơn tố cáo, cứ như vậy, ông Vũ, ông Toàn và bà Hương chủ động các thủ tục, thi thoảng lại đưa một tờ giấy bảo ông Quyền ký. Khi ông Quyền hỏi về việc vay vốn, thì ông Toàn, ông Vũ và bà Hương trả lời là “Chưa được giải ngân, các khoản trả lãi và chi trả khác đều là tiền cá nhân của ông Toàn”.

Một thời gian sau, Ngân hàng Phương Đông khởi kiện Cty về việc quá hạn nợ. Tại tòa án, ông Quyền mới được xem toàn bộ giấy tờ liên quan tới việc vay vốn của Ngân hàng Phương Đông, mới biết được tiền đã được giải ngân trong khi ông vẫn được báo cáo là chưa được giải ngân. “Ngân hàng không hề chuyển cho tôi các hồ sơ liên quan tới các Hợp đồng tín dụng này, tôi chỉ được chị Hương hướng dẫn ký vào 2 ô trống trong Giấy mở tài khoản, ký ủy quyền và ký Giấy xác nhận độc thân”, ông Quyền nói.

Sau đó, TAND TP Đà Nẵng mời ông Quyền và đại diện Ngân hàng Phương Đông lên làm việc. Tại đây, ông phản đối những việc làm trên của ngân hàng và cho rằng sự việc đang được giải quyết nên ông đã ký Biên bản làm việc. Và ngày 8/7/2011, ông nhận được Quyết định số 30/2011 của TAND TP Đà Nẵng về việc công nhận sự thỏa thuận hoà giải thành của các đương sự. Sau đó, các tài sản trên bị niêm phong, thông báo bán đấu giá một cách nhanh chóng đến lạ kỳ.

“Những giấy tờ chi tiêu bà Cúc đưa cho tôi trong quá trình vay Ngân hàng, tôi nghi ngờ nhiều chữ ký trong hồ sơ đó không phải của tôi. Vô lý hơn là trong số các hợp đồng vay vốn đó, có hợp đồng ngân hàng  ký cho cá nhân ông Bường, nhưng lại kê biên tài sản của gia đình tôi để đảm bảo”, ông Quyền bức xúc.

Trước những khiếu nại của bà Năm và tố cáo của ông Quyền, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ đúng sai để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật nếu có; còn không cũng trả lại sự trong sạch cho ngân hàng Phương Đôn, các cơ quan và cá nhân bị tố cáo.

Đánh giá về vụ việc này Tiến sỹ Luật học Trần Quang Huy – Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Đây là một vụ việc phức tạp với hai nội dung khác nhau: Thứ nhất là việc ông Quyền tố cáo dấu hiệu vi phạm của cán bộ Ngân hàng Phương Đông và dấu hiệu lừa đảo của một số cá nhân liên quan; Thứ hai là khiếu nại của bà Năm về việc ngân hàng này đã không lấy ý kiến của bà khi cho thế chấp khối tài sản chung của hai vợ chồng và việc TAND TP Đà Nẵng ra Quyết định thỏa thuận giữa ngân hàng Phương Đông với ông Quyền về xử lý tài sản đã không đưa bà vào với tư cách là người có quyền lợi liên quan

Theo tôi nội dung tố cáo của ông Quyền cần được cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Còn về khiếu nại của bà Năm, nếu đúng như bà trình bày thì rõ ràng ngân hàng đã sai khi không lấy ý kiến của bà khi cho thế chấp tài sản để vay vốn, bởi đó là tài sản chung của hai vợ chồng.

Nhưng ngân hàng cho rằng họ có tờ xác nhận ông Quyền độc thân và các tài sản đó chỉ đứng tên ông Quyền, thưa ông?

Theo tôi, tờ giấy xác nhận đó theo như trình bày của ông Quyền thì chỉ là xác nhận việc ông ấy ở một mình, chứ không thể cho rằng đó là điều kiện để chứng minh ông Quyền đã kết hôn hay đã ly hôn. Hơn nữa, với Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà bà Năm cung cấp đã chứng minh ông Quyền có vợ, con và chưa ly hôn, nên tờ Giấy xác nhận ông Quyền độc thân sẽ không có hiệu lực. Điều này kéo theo tài sản đó được thiết lập trong thời kỳ hôn nhân, dù đứng tên ông Quyền hay tên bà Năm cũng là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì vậy, khi thế chấp cần phải có sự đồng ý của cả hai và khi Tòa án xem xét cũng phải đưa người vợ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo ông cần phải làm gì để làm sáng tỏ vụ việc?

Như tôi đã nói, ngoài việc cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ đơn tố cáo để bảo vệ quyền lợi của vợ chồng ông Quyền, nếu không cũng chứng minh sự trong sạch của ngân hàng Phương Đông và các cá nhân bị tố cáo. Đặc biệt, các cơ quan chức năng nên hoãn việc thi hành án để tránh gây phức tạp sau này.

Xin cảm ơn ông!

Theo An Bình
PLVN
.

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên