Khủng hoảng: Chơi 'lời' hơn làm
Nếu bỏ một năm không kinh doanh chỉ thiệt 1 – 2 tỷ đồng, còn tiếp tục làm ăn phải lỗ ít nhất hơn 10 tỷ đồng bởi thời điểm này khó khăn cho DN về mọi mặt từ lãi suất, nguồn vốn, đầu ra...
Mặc dù có đơn hàng đến tận tháng 6, tháng 7 năm nay nhưng do không có nguyên liệu để sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đang trong tình trạng điêu đứng.
Đóng cửa thâm vốn ít hơn
Dù trong kịch bản của các chuyên gia kinh tế đưa ra là đến tháng 6, tháng 7 năm nay tình hình kinh tế sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều DN sản xuất kinh doanh vẫn trong tình trạng “sống dở, chết dở”.
Ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết, trước đây, huyện có hơn 100 DN hoạt động, giờ chỉ còn khoảng 60. Tuy nhiên, những DN này đang trong tình trạng lay lắt, gắng gượng duy trì sản xuất để cầm cự mà thôi. Vẫn biết là đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6/2013 nhưng DN, chủ yếu là những DN thuộc lĩnh vực dệt may, thủ công mỹ nghệ không có nguyên vật liệu để sản xuất do thiếu vốn.
Tương tự, ông Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP.HCM cũng cho hay, các DN thuộc ngành nhựa hiện đã có hợp đồng ký đến hết giữa năm nay, chủ yếu tập trung ở thị trường Đông Nam Á. Dù có đơn hàng nhưng DN lại không có nguyên liệu để sản xuất, bởi họ không dám đi vay vốn vì lãi suất quá cao.
Đáng nói hơn là, nhiều DN có vốn nhưng lại không được dùng vốn của mình để kinh doanh mà phải đi vay bên ngoài. Bà Ba Nhất, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất bức xúc: “Trước đây, có cho DN hoàn thuế trước rồi kiểm tra sau nhưng giờ thì ngược lại. Bởi vậy, thuế năm 2012 đến nay của Ba Nhất vẫn chưa được hoàn lại lên đến 4 tỷ đồng. Đây là vốn của HTX để tiếp tục sản xuất kinh doanh nhưng do chưa được hoàn thuế nên Ba Nhất lại phải đi vay vốn ở bên ngoài”.
Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và VLXD TP.HCM phải thốt lên rằng: “Thà để cho DN đi chơi một năm còn hơn là tiếp tục sản xuất kinh doanh. Bởi nếu DN có bỏ 1 năm không kinh doanh thì chỉ thiệt 1 – 2 tỷ đồng. Còn nếu tiếp tục làm ăn thì phải lỗ ít nhất hơn 10 tỷ đồng. Vì thời điểm này rất khó khăn cho DN về mọi mặt từ lãi suất, nguồn vốn, đóng thuế, đầu ra”.
Sốt ruột chờ thực thi chính sách
Ông Trương Phú Cường cho biết thêm, hiện tại nhiều DN sản xuất VLXD hoạt động sản xuất cầm chừng, không phát huy hết công suất của nhà máy, sản lượng sản xuất và tiêu thị đạt thấp, lượng tồn kho lớn, kinh doanh không hiệu quả. Một số DN rơi vào tình trạng phá sản, không tự cân đối được nguồn trả nợ các khoản đã vay để đầu tư. Hơn nữa, các DN xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới cũng như thực hiện các công trình đang dở dang do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư tại hầu hết các công trình đều không kịp thời, không đủ vốn nên giá trị dở dang công nợ của DN tại các công trình rất lớn.
Theo nhiều DN, hiện đang rất cần cơ chế chính sách ổn định lâu dài thông thoáng an toàn cho DN yên tâm hoạt động. Trước hểt cần phải sửa đổi ngay chính sách lãi suất cho vay quá cao hiện nay vì nó đang bóp chết DN và làm thất thu ngân sách. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay xuống 8 – 10%/năm là phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của DN, người dân để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ cho DN, giúp hàng tồn kho được lưu thông, DN thu hồi vốn để tái sản xuất…
Trước tình hình này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới sẽ kiến nghị hạ lãi suất tín dụng xuống mức tốt hơn để DN có thể tiếp cận và đầu tư cho sản xuất và kinh doanh. Song song đó, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện khẩn trương triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách hoặc có tính chất ngân sách trên địa bàn TP, tập trung thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ.
Theo Thúy Ngà
Infonet