MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nestlé, Coca-Cola bị thanh tra là hết lỗ

30-08-2013 - 09:38 AM |

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, thanh kiểm tra các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, rất nhiều doanh nghiệp đã không còn lỗ nữa

Nội dung nổi bật:

Từ khi thành lập đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu.  Riêng năm 2010, Coca cola lỗ 188 tỉ đồng (gần 9 triệu USD) và lỗ luỹ kế trong 1 thập kỷ gần đây lên tới 180 triệu USD. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, có 1.172 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Sau khi kiểm tra nghiêm túc, kỹ lưỡng mà sau khi hàng loạt các DN FDI kêu lỗ giờ đây đã không còn lỗ nữa.



Doanh nghiệp FDI kêu lỗ, thanh tra xong hết lỗ

Nestlé là một trong những doanh nghiệp FDI có thị phần lớn tại Việt Nam, song sau 18 năm hoạt động Nestlé vẫn đang kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trong 4 năm.
 
Theo con số được đưa ra trong một báo cáo của Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu.
 
Thừa nhận mức lỗ này, ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông & Đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có lãi trong các năm 2007, 2008, 2011 và 2012, chưa tính năm 2013. Trung bình những năm có lãi, chúng tôi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm”.
 
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi tại sao trong các báo cáo, mười mấy năm qua Nestlé vẫn kinh doanh thua lỗ? Ông Tuấn không đưa ra lý do mà chỉ cho rằng “lỗ là chuyện bình thường".
 
Không chỉ riêng gì Nestlé, Coca cola - một trong những "ông lớn" FDI tại Việt Nam, cũng liên tục kêu lỗ cả chục năm liền.
 
Cụ thể, chỉ riêng năm 2010, Coca cola lỗ 188 tỉ đồng (gần 9 triệu USD) và lỗ luỹ kế trong 1 thập kỷ gần đây lên tới 180 triệu USD.
 
Kêu lỗ là vậy nhưng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, Coca cola lại dự kiến sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam. 
 
Giải thích cho điều này, ông Irial Finan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Coca cola khẳng định, Coca cola với truyền thống 127 năm tồn tại sẽ có chiến lược kinh doanh riêng. Mục tiêu của Coca cola tại thị trường Việt Nam là dài hơi nên chuyện có lỗ 10 năm hay 20 năm là chuyện bình thường.
 
Từ những vấn đề chưa minh bạch tài chính, thậm chí khai lỗ để tránh thuế thu nhập đã khiến dư luận không khỏi nghi vấn Coca cola thực hiện chuyển giá. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tập đoàn Coca cola lại hùng hồn khẳng định, doanh nghiệp mình đã đóng thuế rất nhiều cho Việt Nam.
 
“Có 4 dòng thuế doanh nghiệp cần phải đóng, và thực tế ở Việt Nam, chúng tôi đã đóng thuế rất nhiều. Chỉ có điều chúng tôi chưa có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì chưa có lợi nhuận” - ông Irial Finan cho biết.
 
Không chỉ Nestlé, Coca cola mà theo thống kê của Bộ Tài chính, có 1.172 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá. 

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề này, ngày 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành làm việc trực tiếp với các DN có dấu hiệu chuyển giá. Chính phủ nhận được báo cáo từ các bộ chức năng cho biết qua trao đổi như vậy có những dấu hiệu đã được DN giải trình, có dấu hiệu đã được chấn chỉnh. Một số DN báo lỗ nhưng sau khi chấn chỉnh thì đã không còn lỗ. 
 
Như vậy, nhờ quá trình thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, kỹ lưỡng mà sau khi hàng loạt các DN FDI kêu lỗ giờ đây đã không còn lỗ nữa.
 
DN trong nước được thanh tra cũng hết lỗ?
 
Trước đó, vào cuối tháng 1/2013, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết, thông qua kiểm toán nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp lớn trong nước (đặc biệt là một Tập đoàn nổi tiếng về sản xuất hàng thực phẩm, tiêu dùng) cũng có dấu hiệu chuyển giá.
 
Tuy nhiên, vì dấu hiệu chưa rõ ràng và chưa có kết luận thanh tra chính thức nên không thể công khai danh tính các doanh nghiệp này một cách cụ thể.
 
Còn theo bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM, trong năm 2012 vừa qua, cơ quan này đã thanh tra được hơn 1.500 hồ sơ thuộc các doanh nghiệp thường xuyên khai lỗ, giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá,... tăng 2% theo kế hoạch pháp lệnh, tăng 52% so với năm 2011.
 
Như vậy, hiện tượng chuyển giá không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mà đã có dấu hiệu ở các doanh nghiệp trong nước.
 
Với việc thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc, quyết liệt, nhiều DN FDI đã chấn chỉnh, không còn kêu thua lỗ nữa. Phải chăng, nếu như việc kiểm tra các DN trong nước cũng được quyết liệt như với doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ không còn DN nào thua lỗ?
 

Sắp có công cụ chống chuyển giá

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay Chính phủ đang thực hiện thí điểm phương pháp xác định giá tính thuế (APA) - một trong những công cụ ngăn chặn thủ đoạn khai gian giá tính thuế để tránh thuế. 
 
APA đang được thực hiện thí điểm đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Theo đó, Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm. 
 
Để thúc đẩy việc áp dụng phương pháp này, Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế.
 
APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế (là đối tượng áp dụng của APA) hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế là đối tác ký kết Hiệp định thuế và người nộp thuế cùng hợp tác trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên kết trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập theo giá thị trường khách quan.
 
Mặt khác, để tránh tình trạng cán bộ thuế và doanh nghiệp thỏa thuận giá trước để trục lợi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế quy định đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. 
 
Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước. 
 
Theo đó, sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra giá thoả thuận không theo giá thị trường sẽ tiến hành truy thu thuế 10 năm trở về trước (tính từ thời điểm tiến hành thanh tra) và tiến hành xử lý cán bộ thuế cố tình vi phạm.

Theo Duyên Duyên

thuyntt

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên