MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt đang phải ăn thêm mì gói

18-03-2014 - 09:33 AM |

Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tổng lượng gói/cốc mì tiêu thụ với 5,4 tỷ đơn vị mỗi năm sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Nội dung nổi bật:

- Người Việt ăn nhiều mì gói: Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tổng lượng gói/cốc mì tiêu thụ với 5,4 tỷ đơn vị mỗi năm sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Nếu tính theo số gói mì tiêu thụ trên đầu người, chúng ta đứng thứ 3 với trung bình 56,2 gói mì/người/năm.

- Và ngày càng nhiều hơn: Từ năm 2008 đến 2012, lượng tiêu thụ của chúng ta tăng gần 24%, tương đương với gần 1 tỷ gói, tức là mỗi người ăn thêm khoảng hơn 10 gói trong giai đoạn này. 
 
- Có tốt không? Rất khó để kết luận điều gì đang tạo ra tỷ lệ tăng nhanh khủng khiếp, đến 24% trong 4 năm của mì ăn liền. Có thể do đô thị hóa nhanh, do suy thoái kinh tế hay do ăn nhậu nhiều hơn... Thực tế ấy là nước ta đang ăn thêm nhiều một thứ ít chất dinh dưỡng (thậm chí độc hại) hơn bất kỳ nước nào.



Khi mà một hãng mì gói quảng cáo rằng họ “phục vụ hàng tỷ bữa ăn cho người Việt mỗi năm” thì hẳn ai cũng ý thức được rằng mì ăn liền không hẳn là bữa ăn, nó ít chất dinh dưỡng và chỉ chống lại cái đói. Và tuyên ngôn ấy, không phải điều đáng tự hào.
Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tổng lượng gói/cốc mì tiêu thụ với 5,4 tỷ đơn vị mỗi năm sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Nếu tính theo số gói mì tiêu thụ trên đầu người, chúng ta đứng thứ 3 với trung bình 56,2 gói mì/người/năm, chỉ sau Hàn Quốc và Indonesia. Ở “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc, mỗi năm người ta chỉ ăn trung bình hơn 36 gói mì.

Nhưng nếu xét đến tỷ lệ tăng trong nhóm có “truyền thống ăn mì” (không tính đến nhiều nước Âu Mỹ hay Ấn Độ mới được khai phá về món ăn này) thì Việt Nam có tỷ lệ tăng nhanh khủng khiếp trong tiêu thụ: từ năm 2008 đến 2012, lượng tiêu thụ của chúng ta tăng gần 24%, tương đương với gần 1 tỷ gói, tức là mỗi người ăn thêm khoảng hơn 10 gói trong giai đoạn này. 



Trong cùng thời gian, số lượng gói mì được tiêu thụ ở Trung Quốc và Indonesia chỉ tăng 3%, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng 5%. Rõ ràng, có vấn đề gì đó ở đây. 

Trước khi xét đến khía cạnh kinh tế, mì ăn liền là một văn hóa. Nếu xét đến việc hai nền kinh tế mạnh và có GDP đầu người rất cao là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tiêu thụ mì khủng khiếp thì dễ nhìn ra khía cạnh này: văn hóa mì gắn với khẩu vị, phong cách sống, nếp sinh hoạt. Nhưng nó tất nhiên cũng là một thứ phản ánh chất lượng sống: mì ăn liền đã mang ý nghĩa ấy ngay từ khi nó ra đời, khi mà nước Nhật nghèo túng thời hậu Thế chiến 2 cần một món ăn rẻ tiền, nhanh chóng để phục vụ cho công cuộc tái thiết, và có thể được tạo ra từ lương thực mà người Mỹ viện trợ.
 
Cho đến hôm nay, nó vẫn được mô tả một cách đầy trang trọng là thứ “vũ khí chống lại nạn đói” trên toàn cầu.

Người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu những tác hại dinh dưỡng của mì ăn liền. Rối loạn chức năng dạ dày (trẻ em ăn mì sẽ bị hạn chế hấp thu chất dinh dưỡng khác), thiếu chất dinh dưỡng, béo phì và tim mạch, lão hóa sớm và có thể dẫn đến ung thư.

Vậy thì ở một nền ẩm thực được ngưỡng mộ bậc nhất trên thế giới, nơi mà thứ được phương Tây gọi là “đồ ăn nhanh”, hoặc là “take-away” (thức ăn mang đi) có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu dưới muôn vàn hình thức, nơi đã tạo ra “bánh mi” (một thứ đồ ăn nhanh tiêu biểu) và “pho” (một loại mì gạo) vốn nổi tiếng đến mức có trong từ điển Oxford, hoàn toàn có thể nói rằng dân Việt Nam đã PHẢI ăn thêm mì ăn liền với một lý do nào đó.



Rất khó để kết luận điều gì đang tạo ra tỷ lệ tăng nhanh khủng khiếp, đến 24% trong 4 năm của mì ăn liền. Nhưng có thể dễ dàng gắn nó với việc chất lượng sống của chúng ta đang đi xuống. 

Có thể nó gắn với cuộc suy thoái kinh tế. Những người lao động mất việc đầy rẫy, những bạn sinh viên khó kiếm việc làm thêm,… Dù sao thì, gạt bỏ yếu tố văn hóa khó đo lường, người ta ăn mì ăn liền mục đích đầu tiên là cho đỡ đói. Ăn nhiều mì hơn tức là ít nhiều, người ta đang đói hơn.

Có thể thực tế này cũng gắn với công cuộc đô thị hóa chóng mặt. Nhiều người bỗng buộc phải biến thành cư dân đô thị khi mà chưa hề được chuẩn bị cho điều đó: họ ăn mì vì vấn đề kinh tế, hay là vì áp lực của cuộc sống thành thị, họ làm việc đến tối mịt và về căn nhà thuê một mình. Có thể họ cũng từng có một mảnh vườn rau và gian bếp đun củi ở đâu đó.


Có thể đơn thuần là vấn đề thiếu giáo dục/ nhận thức về dinh dưỡng.

Và lạc quan tếu hơn, có khi nào tỷ lệ mì gói tăng nhanh chỉ bởi vì chúng ta đang nhậu nhiều hơn, những vắt mì được cho vào nồi lẩu đang nhiều lên?

Dù thế nào, có một Thực Tế Mì Ăn Liền mà Việt Nam đang phải đối mặt. Thực tế ấy là nước ta đang ăn thêm nhiều một thứ ít chất dinh dưỡng (thậm chí độc hại) hơn bất kỳ nước nào, và bạn hãy nghĩ đến nó khi đun nước ăn mì, bên cạnh những báo cáo lạc quan nào khác về tăng trưởng. 

Thực Tế Mì Ăn Liền xứng đáng được coi là một vấn đề quốc gia. Và cho dù bạn thực sự yêu mì gói, vấn đề ấy cũng cần được giải quyết.


Theo Đức Hoàng

thuyntt

Depplus

Trở lên trên