MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người đứng bên lề xã hội Nhật

20-06-2014 - 10:08 AM |

Khi gặp trục trặc trong cuộc sống, người Mỹ xả súng, giết người, người Nhật chọn cách rút lui lặng lẽ đứng bên lề xã hội như hikokomori hoặc tồi tệ nhất là tự tử.

CafeBiz xin giới thiệu bài viết "Những người đứng bên lề xã hội Nhật" của tác giả Ngọc Diệp.

Hệ thống chuẩn mực đã tồn tại và quy định nếp sống, sinh hoạt của xã hội Nhật nhiều năm qua, mang lại cho nước Nhật nhiều thành công nhưng cũng chẳng ít mặt trái. CafeBiz hi vọng bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu hơn phần nào về góc khuất của xã hội Nhật Bản đương đại.

Tác giả Ngọc Diệp hiện đang học Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Nhật Bản.

Mời quý độc giả đón đọc.


Đạp xe chầm chậm trên những con phố quận Kanda và Asakusa, Jun lặng lẽ ngắm người qua lại. Dù trời vẫn chỉ đang mùa hè và đã tối, nhưng anh vẫn muốn kéo cao chiếc mũ áo sụp xuống che khuôn mặt càng nhiều càng tốt. Chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu, Jun cứ thế đạp xe mãi. Ban ngày, Jun giam mình trong phòng kín, chỉ khi màn đêm buông xuống, anh mới đủ can đảm bước ra khỏi căn phòng mà anh đã giam mình trong đó suốt hơn mười năm qua.

Bỏ học khi chỉ mới 13 tuổi sau khi bị bạn bè ở trường tẩy chay, nhiều năm trôi qua, khi càng lớn lên, Hiro càng không biết mình sẽ sống như thế nào trong phần đời còn lại của mình. Hiếm khi bước ra khỏi căn phòng nhỏ bé ở ngoại ô Tokyo, Hiro dùng sách báo và tivi để cảm nhận về thế giới bên ngoài.

Còn với Kenji, dù đã 43 tuổi, nhưng cuộc sống của anh vẫn chẳng thay đồi nhiều so với hơn 20 năm trước đó. Anh chỉ nói chuyện duy nhất với mẹ, nhưng cũng chẳng thường xuyên, vì mẹ cũng chẳng nhiệt tình tiếp chuyện với anh. Anh sống trong thế giới của riêng mình, dù cũng muốn bước ra ngoài xã hội, nhưng anh thấy quá sợ hãi với thế giới bên ngoài cánh cửa kia.

Hơn 1 triệu người Nhật, trong đó 80% là nam giới, đang chọn cách sống như Jun, Hiro và Kenji. Họ chỉ giới hạn bản thân trong căn nhà đang sống, hiếm khi tiếp xúc với người lạ. Họ mang nỗi sợ hãi trong mình giống như một đứa trẻ bị bỏ lại giữa rừng hoang. Họ dành phần lớn thời gian chơi game, số khác lướt web. Có người uống rượu. Nhưng cũng có những người chẳng làm gì trong nhiều tháng, nhiều năm.

Không thể đi làm, chẳng thể đi học, quá sợ hãi khi giao tiếp với người lạ, họ đã không thể bám được vào với “ đường băng chuyền” đưa những đứa trẻ Nhật qua những năm học phổ thông, đến đại học, vào các công ty, tập đoàn. Hệ thống chuẩn mực đã tồn tại và quy định nếp sống, sinh hoạt của xã hội Nhật nhiều năm qua, mang lại cho nước Nhật nhiều thành công nhưng cũng chẳng ít mặt trái. Dù bộc lộ quá nhiều khuyết điểm, nhưng thay đổi chuẩn mực một xã hội thành công, là điều cực kỳ khó.

Trong tiếng Nhật, Jun, Hiro, Kenji được gọi với cái tên hikikomori. 

Hikikomori dùng để nói đến những người chủ động rời bỏ xã hội và khép mình trong thế giới riêng. “hiku” có nghĩa là kéo, komori trong tiếng Nhật là nghỉ ngơi. Dịch đơn giản, hikikomoro có nghĩa “tự rút lui và nghỉ ngơi”. 

Theo các bác sỹ, họ không gặp vấn đề về rối loạn tâm lý, cũng không trầm cảm. Họ vẫn theo dõi thế giới, nhiều người trong số họ rất thông minh, cảm nhận về xã hội còn tốt hơn nhiều người đang đi làm công ăn lương hay cả một vài chính trị gia. Chỉ đơn giản, họ không còn muốn bước ra thế giới bên ngoài. Khi phải bước ra thế giới bên ngoài, họ không chịu nổi ánh mắt soi mói chê bai của người khác, chỉ duy nhất căn phòng cá nhân mang lại cho họ cảm giác an toàn và làm chủ cuộc sống.

Những mảnh đời cô đơn

Thất bại trong kỳ thi đại học đã làm Jun sụp đổ. Đam mê tha thiết với ngành triết học, cậu đã kỳ vọng và mơ ước rất nhiều về mong muốn sẽ trở thành giáo sư, nghiên cứu thật sâu về lĩnh vực mình yêu thích. Trượt đại học, cậu học sinh Jun 18 tuổi thừa hiểu với xã hội Nhật, việc không vào được đại học có nghĩa đã bị đẩy ra khỏi “đường xe lửa một ray” duy nhất để sống đàng hoàng tự tin trong cuộc sống. Mang cảm giác thất vọng ê chề, Jun cố gắng tự động viên mình để học và ôn thi lại. Rồi đến một ngày, cậu tự hỏi mình: Tại sao cứ phải chịu khổ để cố gắng cho một kỳ thi khổ sở mà chẳng biết rồi có thành công hay không, trong khi cậu có thể tự nghiên cứu triết học?

Sống trong một gia đình với nền tảng lý tưởng, hai bố mẹ làm bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình ở bệnh viện lớn của Nhật. Nhưng cậu cho biết, chính ở nhà, khi lớn lên cậu chẳng bao giờ cảm thấy được yêu thương. Dù rất thành công trong sự nghiệp, nhưng họ không bao giờ có thể nói được một câu yêu thương với nhau, nói gì đến đứa con trai bé nhỏ.

Jun nhiều lần cố gắng nói chuyện với bố mẹ, kết quả chỉ là những cuộc cãi vã không hồi kết. Sống trong cùng một căn nhà, nhưng 3 người hiếm khi ăn cùng nhau. Bữa ăn của cậu được người phục vụ để trước phòng, cậu ăn trong phòng và sau khi ăn xong lại để bát đĩa ra ngoài. Cậu biến đêm thành ngày, ngày thành đêm, từ chối giao tiếp với người mà anh cho rằng quá soi mói đến cuộc sống của anh. Ban ngày cậu đọc sách, ngủ, lướt web. Khi màn đêm buông xuống, cậu mới cảm thấy đủ an toàn để bước ra đường, đạp xe vô định khắp các con phố Tokyo.

Không phải Jun không ý thức được những gì mình trải qua, và tương lai sẽ u tối nhàm chán thế nào. Jun nhiều lần cố gắng thuyết phục mẹ đi cùng mình đến khám bác sỹ tâm lý, nhưng mẹ anh kịch liệt từ chối. Đối với bà, đi cùng đứa con trai do mình đẻ ra đến bác sỹ giống như tát vào mặt bà, chẳng khác nào bà thừa nhận với xã hội bà đã thất bại trong việc nuôi dậy con. Bà hài lòng với việc giấu sự thất bại của mình khi Jun tự trốn khỏi cuộc sống và sự dèm pha của hàng xóm và xã hội, hơn việc bà phải thừa nhận sự thất bại đó, dù bà cũng biết có thể sự thừa nhận và nỗ lực sẽ khiến cho con bà trở nên tốt hơn.

Đến một ngày, sau khoảng 2 năm giam mình trong phòng và nỗ lực thuyết phục mẹ đến bác sỹ tâm lý với mình bất thành, Jun cố gắng tự tìm đến bác sỹ tâm lý. Anh thực sự muốn thoát ra cuộc sống hiện tại, nhưng anh nhận ra rằng, bác sỹ chỉ nhận tiền của anh, đưa cho anh thuốc an thần, thuốc ngủ, chẳng ai thật sự quan tâm anh nghĩ gì, muốn gì, mang đến cho anh dù một sự động viên hình thức. Càng ngày Jun càng rơi vào tuyệt vọng và khép kín.

Với Kenji, những năm học phổ thông thực sự kinh hoàng đối với anh. Đối với mỗi đứa trẻ cấp1, cấp 2, những xung đột, cãi cọ trẻ con hoàn toàn không thể tránh khỏi. Nhưng với trẻ con Nhật, khi chúng không thích một ai đó, thay cho giải quyết câu chuyện bằng nắm đấm, chúng thường khơi mào ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh”. Với những đứa trẻ cứng rắn hoặc nhận được sự quan tâm đầy đủ của nhà trường, gia đình, cuộc chiến ấy cũng không phải khó vượt qua. Chỉ tiếc không phải đứa trẻ nào cũng nhận được hỗ trợ cần thiết để vượt qua khó khăn tuổi đi học. Kenji nằm trong số đó.

Kenji bắt đầu bị bạn bè tẩy chay từ khi học lớp 5. Kenji tìm khắp các bạn bè chỉ để hiểu lý do tại sao mình bị đối xử như vậy, nhưng chẳng ai trả lời. Bọn trẻ không rủ Kenji đi ăn trưa, không rủ đi chơi thể thao, ngó lơ với Kenji khi gặp cậu bé trong lớp cũng như ngoài đường. Kenji chẳng làm cách nào để hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Chán nản, cậu bỏ học và thời gian sau đó lại quay lại trường.

Kenji cũng dần quên chuyện cũ, cậu bé cố gắng học tiếp đến lớp 7 trong môi trường mới dù không có nhiều bạn, nhưng gì đã trải qua như đang dần phai nhạt đi trong tâm trí. Đến một ngày, một vài đứa trẻ xì xào rằng Kenji từng bị tẩy chay ở trường cũ từng bỏ học, lời đồn đến tai, Kenji bắt đầu thấy sợ hãi, cảm giác giống như cậu đã từng ăn cắp, bị trừng phạt rồi nay người ta lại cố gắng nhắc lại nỗi xấu hổ của cậu.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi ngay đến cả giáo viên của Kenji cũng biết chuyện, thầy giáo gọi cậu lên, nhìn cậu với một ánh mắt và nói: “Tôi đã biết tất cả những gì xảy ra ở trường cũ của em. Mọi chuyện thật tồi tệ.” Kenji kể lại, lúc đó với cậu, trời đất như sụp xuống chân. Kenji kể lại, với một giọng rưng rưng cảm xúc như thế chuyện cách đây đến gần 30 năm vừa mới xảy ra ngày hôm qua: “Thầy đã không hiểu tôi bị bắt nạt như thế nào, tôi thực sự cần thầy giúp tôi tồn tại trong môi trường mới, nhưng thầy đã quay lưng với tôi. Tôi chẳng có ai để bám víu ở trường.”

Kenji bỏ học, và kể cả nhiều tháng sau khi cậu bỏ học, cũng chẳng có thầy cô nào ở trường đến nhà tìm hiểu lý do. Mất bố từ năm 4 tuổi, mẹ làm việc vất vả cực nhọc với mức lương còm cõi trong một bệnh viện, bản thân Kenji đã là một đứa trẻ yếu đuối. 

Còn với mẹ Kenji, vì quá thương con trai, bà nghĩ rằng nếu đi học mà cảm thấy không thích thú và bị tổn thương, bà tin việc rời trường sẽ giúp hàn gắn vết thương tinh thần cho đứa con trai bé nhỏ. Cũng chẳng có luật nào buộc một đứa trẻ 14 tuổi phải quay lại trường hợp, ngày qua ngày rồi tháng này sau tháng khác, nhiều năm trôi qua, Kenji lớn lên không học vấn, không nghề nghiệp.

Khi gặp trục trặc trong cuộc sống, người Nhật chọn cách giải tỏa hướng vào phía trong (implode). 

Một xã hội đầy nguyên tắc

Với người phương Tây, khi họ gặp trục trặc trong cuộc sống, họ thường chọn cách bộc lộ ra ngoài, giống như một quả bóng nổ (explode). Thế nhưng với người Nhật, cách giải tỏa của họ hướng vào phía trong (implode). 

Sau 2 thập kỷ kinh tế khó khăn, cuộc sống chật vật hơn nhưng ở Nhật cũng chẳng có nhiều cuộc biểu tình đòi việc làm, đòi cải cách mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia xã hội học tính toán rằng nếu câu chuyện tương tự xảy ra ở các nước phương Tây, chắc hẳn số lượng các cuộc biểu tình sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi gặp trục trặc trong cuộc sống, người Mỹ xả súng, giết người, người Nhật chọn cách rút lui lặng lẽ như hikokomori hoặc tự tử.

Xã hội Nhật kỷ cương, trật tự, nguyên tắc không chấp nhận và không tạo cơ hội cho những đứa trẻ không thể đưa mình vào đường ray xe lửa tuần hoàn chạy thông suốt, hết cấp 1 lên cấp 2, rồi lên cấp 3 và sau đó phải vào đại học, xin làm việc trọn đời tại một công ty. Thế nhưng chẳng phải đứa trẻ nào cũng có thể vào được đại học. Nếu ở một ngưỡng cửa nào, đứa trẻ ấy không bước tiếp được, hoặc chọn hướng đi khác, cơ hội để sống một cuộc sống bình thường, đối với nhiều đứa trẻ, dường như không có.

Nếu không đi làm công ty lớn, sẽ đi làm công ty nhỏ. Danh dự của một con người không phải đến từ bản thân anh ta có mà từ tấm danh thiếp anh ta có thể chìa ra, từ câu tuyên bố, tôi làm cho tập đoàn A,B,C. Nếu không thể có được những thứ trên, con người dường như chỉ tồn tại mà không “sống”.

Hoạt động khởi nghiệp cá nhân không mấy được khuyến khích. Các tập đoàn, ngân hàng liên kết cho vay dựa trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tín dụng dành cho cá nhân khởi nghiệp không được khuyến khích phát triển mạnh. 

Câu chuyện của những đứa trẻ trong trường học với nhau không phải sau này bạn mơ ước làm gì, mà bạn mơ ước sẽ làm cho tập đoàn nào, công ty nào? Sự nổi bật cá nhân không được khuyến khích, mà cá nhân luôn phải đặt trong tập thể. Những đứa trẻ từ bé đến lớn luôn phải đến trường trong những bộ đồng phục giống nhau chằn chặn, không được phép ăn mặc khác. Vì thế nếu bạn dám nghĩ khác, dám bước những bước đi khác, nó đồng nghĩa với không còn đường quay lại một xã hội bình thường, được công nhận.

Nếu Jun, Hiro, Kenji sống trong xã hội đề cao cá nhân và chấp nhận như khác biệt như Mỹ, chắc hẳn họ đã có thể trở thành lập trình viên, nghệ sỹ… Chỉ tiếc trong một xã hội đề cao văn hóa tập thể và nguyên tắc như Nhật, đi ra ngoài nguyên tắc, đồng nghĩa với tự đẩy mình đi, và xã hội cũng không chấp nhận để cho bạn quay lại nữa.

>> Vì sao người Nhật sống lâu?

Ngọc Diệp

kyanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên