MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới tín dụng bất động sản: Sàn giao dịch vẫn gặp khó

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước công bố hạ mức trần lãi suất xuống 12%, đồng thời nới van tín dụng với bất động sản (BĐS), song nhiều sàn giao dịch vẫn... đóng cửa.

Cá biệt có những sàn phá sản, chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.

Đóng cửa hàng loạt

Từ năm 2011 đến nay, thị trường BĐS trầm lắng, do thiếu vốn sau chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Ông Bùi Đức Tiến, cựu nhân viên kinh doanh của Sàn giao dịch BĐS PVC - Imicoland ngán ngẩm: Từ khi thị trường BĐS trầm lắng đến nay, nhân viên các sàn đến chỉ “ngồi chơi xơi nước” đợi hết giờ làm rồi ra về. Đã hết thời nhà nhà, người người đi buôn đất, giờ những ai "ôm" BĐS mà vay tiền ngân hàng thì chẳng khác nào ngồi trên đống lửa.

Theo khảo sát của phóng viên trong ngày 14/4, tại trục đường Lê Văn Lương kéo dài, nơi một thời các văn phòng giao dịch nhà đất, sàn giao dịch BĐS ăn nên làm ra, thì nay, chúng tôi nhận thấy, có khoảng 70% các sàn và trung tâm nhà đất đóng cửa,  chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Hiện, chỉ lác đác sàn giao dịch mở cửa, nhưng cũng không có khách đến giao dịch. Đáng nói, rất nhiều Sàn giao dịch và trung tâm nhà đất trên đường Lê Văn Lương chuyển thành cửa hàng kinh doanh cà phê, karaoke, cửa hàng buôn bán ô tô…, cá biệt có một số sàn giao dịch treo biển cho thuê cửa hàng. "70% các sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc đổi sang nghề khác chờ thời, chỉ còn một số sàn hoạt động cầm chừng do tiền thuê nhà và văn phòng tại các tòa nhà vẫn còn" - ông Đoàn Ngọc Bích, làm việc tại trang nhadat24h.net chia sẻ.

Cũng theo ông Bích, tiền thuê văn phòng tại trục đường Lê Văn Lương kéo dài hiện giảm một nửa, vì ở đây chỉ mở được văn phòng nhà đất hoặc sàn BĐS, còn kinh doanh mặt hàng khác không phù hợp. Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên môi giới tại một sàn giao dịch BĐS cho hay, nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng không còn "cửa diễn". Giờ bán hàng chủ yếu cho những người có nhu cầu thực về nhà, đất.

“Tháo ngòi bong bóng”

Theo các công ty quản lý bất động sản, năm 2012, mức giá thứ cấp có thể sẽ chững lại trong khi người mua vẫn có tâm lý thận trọng. Đối với các chủ đầu tư, việc huy động vốn để tiếp tục triển khai xây dựng sẽ là vấn đề hàng đầu trong năm nay.

Nhìn nhận từ khía cạnh của một chuyên gia, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, việc hạ lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước đã tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS hiện rất "khát" vốn, họ phải bán tháo cắt lỗ kèm theo chiêu khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng, song vẫn không có người mua. Mức giá hiện nay đã giảm sâu khoảng 30 - 40%, song đối với nhiều người, đây vẫn là mức giá trên trời.

"Ngay sau khi chính sách nới lỏng tín dụng được phát đi, đã có một số nhà đầu tư và khách hàng quan tâm gọi điện hỏi về sản phẩm cũng như quan tâm tới một số dự án" - ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Hàng không Thăng Long cho hay. Cũng theo ông Lượng, chính sách nới lỏng tín dụng là tín hiệu tốt, vì nó tháo được "ngòi nổ bong bóng BĐS", song chưa phải là thuốc chữa bệnh thực sự. Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Vinaland Group TP. HCM Trần Minh Hoàng cho rằng, chính sách nới lỏng tín dụng sẽ khuyến khích các ngân hàng giãn nợ gốc cho doanh nghiệp, đồng thời giải thoát cho thị trường BĐS thoát khỏi khó khăn.
 
Theo Văn Trường
TPO

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên