MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Pháp đang 'thèm' một Bill Gates

06-01-2014 - 15:15 PM |

Nước Pháp đang đi vào vết xe đổ của lịch sử năm 1685, khi mà "chảy máu chất xám" đang trở thành một vấn nạn.

Nội dung nổi bật:

Kinh tế Pháp ngày càng thụt lùi so với Anh và Đức.

Thứ nhất, do mức thuế thu nhập và khoản đóng góp an sinh xã hội ở nước này quá cao, khiến những doanh nhân giỏi rời bỏ Pháp để tìm môi trường mới, và vô hình chung tạo ra nạn "chảy máu chất xám".

Thứ hai, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, trong khi chi phí sinh hoạt lại cực kỳ đắt đỏ, nạn thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân khó khăn. 

Điều quan trọng nhất là nước này cũng thiếu tinh thần cầu thị. Ngay từ những chính trị gia đã thiếu sự học hỏi từ bên ngoài, dẫn đến kinh tế "bảo thủ" và thụt lùi.


Những gì đang diễn ra ở nước Pháp hôm nay được so sánh với sự kiện năm 1685. Trong năm ấy, Louis XIV - Louis đại đế người xây dựng điện Versailles, đã hủy bỏ sắc lệnh Nantes (sắc lệnh tự do tôn giáo, bảo vệ cho những người Pháp theo đạo Tin lành). 

Ông đã cố gắng trị vì vương quốc của mình bằng một tôn giáo chung, ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, ra sức khủng bố người theo đạo Tin lành. Sau đó, 700.000 người đã bỏ trốn khỏi nước Pháp, tìm kiếm viện trợ ở Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nam Phi và các nước khác.

Gần 1 triệu người Pháp theo đạo Tin lành trước năm 1685 được đánh giá là những “con ong thợ chăm chỉ”. Khi rời bỏ đi họ không mang theo tiền, nhưng với những kỹ năng làm việc của mình, nước Pháp đã chứng kiến một cuộc “chảy máu chất xám” đáng chú ý trong lịch sử.

Kể từ khi Tổng thống François Hollande, đảng viên đảng Xã hội lên nắm quyền vào năm 2012 thì thuế thu nhập và các khoản đóng góp an sinh xã hội tăng vọt. Mức thuế suất cao nhất là 75% và nhiều khoản thanh toán vượt quá 70%.

Kết quả là những người tạo ra tăng trưởng kinh tế như các nhà lãnh đạo, các nhà đổi mới kinh doanh, các nhà tư tưởng sáng tạo và các giám đốc điều hành hàng đầu… rời khỏi Pháp để tìm môi trường phát triển tài năng của mình.

Đó là một bi kịch cho một quốc gia có nền lịch sử phong phú. Như họ nói, vấn đề của nước Pháp là không có chỗ cho doanh nhân. Những Richard Branson hay Bill Gates của nước Pháp đang ở đâu?

Pháp từng có những điểm sáng trong nền kinh tế khi phát triển thành công cơ sở hạ tầng như dịch vụ đường sắt cao tốc, TGV, máy bay Airbus, cũng như các doanh nghiệp quốc tế của Pháp đã khẳng định được sự xuất sắc như tập đoàn sở hữu hàng loạt các thương hiệu xa xỉ LMVH. Pháp có ngành công - nông nghiệp tốt nhất ở châu Âu, ngành công nghiệp du lịch tốt nhất thế giới...

Nhưng trong 2 năm qua đã chứng kiến sự đi xuống từ từ và đáng kể ở Pháp.

Con số người thất nghiệp chính thức là hơn 3 triệu; không chính thức là 5 triệu. Chi phí sinh hoạt hàng ngày vô cùng đắt đỏ. Paris đã "đánh bại" London để giành lấy vị trí là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nửa lít sữa ở Paris lên tới gần 4 USD, bằng mức giá của 1 gallon sữa trong một cửa hàng Mỹ.

Kể từ thời kỳ của François Hollande, thuế bắt đầu tăng lên. Ở Pháp, bạn phải đóng thuế cao hơn để đổi lấy dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các trường học có trợ cấp.

Một lý do khiến Pháp tụt hậu hơn so với các nước khác là không có tinh thần cầu thị. Người Pháp không thích nói tiếng Anh. Hằng năm tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Pháp luôn vắng người đại diện. Duy chỉ có năm ngoái là có sự xuất hiện của nữ Bộ trưởng Fleur Pellegrin vì bà là người duy nhất trong chính phủ biết... nói tiếng Anh.

Các nhân tài đang dần rời khỏi Pháp để đến London, Brussels và New York. Theo người dân, nền kinh tế càng ngày càng đòi hỏi sự phát triển nhưng Pháp không thức thời được điều đó.

Ông Hollande thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tới Trung Quốc khi ông trở thành người đứng đầu nhà nước vào năm 2012. Còn hiện nay, chính phủ đang dần trở nên hướng nội.
Điều này xuất phát một phần từ lỗi của hệ thống giáo dục Les Grandes Ecoles - nền tảng cần thiết cho công chức ưu tú. Sinh viên tốt nghiệp như Hollande, người vợ cũ của ông, bà Segolene Royal, từng là ứng cử viên tổng thống xã hội chủ nghĩa năm 2007; cựu Tổng thống Jacques Chirac và gần như tất cả các cựu thủ tướng từ năm 1958 vẫn còn nghĩ về Pháp như một siêu cường. Một sự thật nữa là Pháp ngày nay gần gũi hơn với Tây Ban Nha hoặc Ý, hơn là với Anh hoặc Đức.
Để xây dựng một nước Pháp tốt đẹp hơn, các chính trị gia như Hollande phải tạo một bầu không khí mới cho người dân phát triển. Thịnh vượng chỉ có thể xảy ra khi người dân có thể xây dựng, sáng tạo và phát triển mạnh.
Theo Phạm Uyên 

thuydtt

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên