MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ mạnh tay nới điều kiện kinh doanh địa ốc?

Vẫn giữ quy định mức vốn pháp định đối với kinh doanh địa ốc, song con số tuyệt đối đã giảm tới hơn một nửa.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản vừa được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội có khá nhiều thay đổi so với bản đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.

Theo đó, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản đã được nới đáng kể.

Thảo luận tại kỳ họp thứ 7, có ý kiến cho rằng quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 50 tỷ đồng như dự thảo luật là quá cao, rất khó thực hiện.

Ý kiến khác thì đề nghị, không nên quy định mức vốn pháp định trong dự án luật mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với từng thời kỳ.

Thảo luận tại phiên họp vào tháng 7 vừa qua, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn một số ý kiến băn khoăn về con số 50 tỷ đồng. Vì với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Hà Nội thì có thể số tiền đó là quá nhỏ nhưng ở các tỉnh nghèo thì lại là quá lớn.

Hơn nữa, căn cứ nào đưa ra con số 50 tỷ đồng? Tại sao các địa bàn khác nhau mà doanh nghiệp lại phải có cùng mức vốn pháp định? Có cần quy định số tuyệt đối hay không? Đó vẫn là những hỏi chưa có câu trả lời thuyết phục.

Tại dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình mới nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, khả năng quản lý, tạo lập phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh bất động sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng quy định vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng quy định việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản của tổ chức sự nghiệp công lập, hộ gia đình, cá nhân không phải thành lập doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện cụ thể.

Dự thảo luật mới nhất cũng đã thêm từ “trung thực” vào nguyên tắc hoạt động kinh doanh bất động sản, bên cạnh quy định công khai, minh bạch tại dự luật đã trình Quốc hội.

Bên cạnh bổ sung thì một số quy định cũng được bỏ ra khỏi dự thảo luật, vì các luật khác đã quy định. Như việc cấm lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để thực hiện kinh doanh bất động sản trái pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái phép vào hoạt động kinh doanh bất động sản...

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã được chỉnh sửa cho phù hợp với Luật Đất đai. VnEconomy xin đề cập sâu hơn về bài viết ở bài viết sau.

Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ tám vào cuối năm nay.

>>>“Cứ qua cửa khẩu là được mua nhà thì lạ quá!”

Theo Nguyễn Lê

ngatt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên