MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bảo hiểm: Sự hấp dẫn của những người già (Kỳ 2)

28-03-2014 - 11:30 AM |

Trong cảnh báo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2034 thì nguồn quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ cạn và không còn tiền để chi trả.

Nội dung nổi bật:

- Ở Việt Nam, dựa trên thống kê việc làm gần đây, cho thấy thị trường BHHT đầy triển vọng với hơn 3,5 triệu khách hàng tiềm năng. Thị trường BHHT có lẽ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới, và phí bảo hiểm hằng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. Ở châu Á, trong năm 2012, khoảng 11% dân số trên 60 tuổi, và tỷ lệ này được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi, lên tới 24% vào năm 2050.

- Quỹ hưu trí đang chịu gánh nặng chi trả lớn và nhanh chóng mất cân bằng tài chính. Trong cảnh báo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2034 thì nguồn quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ cạn và không còn tiền để chi trả.

- Trong khi các DN bảo hiểm hồ hởi về sản phẩm BHHT thì các DN, đặc biệt là những DN sản xuất, sử dụng nhiều lao động tỏ ra e dè và lo về tính thực thi của nó. Tâm lý của người Việt Nam thường chú ý đến hiện tại hơn là tương lai, vì thế, muốn giữ người lao động giỏi chỉ cần trả lương cao để họ có cuộc sống thoải mái là được. Muốn lo cho tương lai thì phải giảm cho hiện tại vì DN không thể chu toàn cả hai mà hiện tại không tốt thì cũng rất khó để giữ chân người lao động. 


Nhẹ gánh cho quỹ hưu trí

Thị trường BHHT sẽ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng vào năm 2018.

Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc Công ty AIA Việt Nam, cho biết, rất lạc quan về thị trường bảo hiểm tại Việt Nam cũng như sự phát triển của BHHT tại thị trường này. Việc ra đời sản phẩm hưu trí là một cơ hội hấp dẫn cho các công ty bảo hiểm, DN và nhân viên của họ.

Cũng theo ông Stephen Clark, ở Việt Nam, dựa trên thống kê việc làm gần đây, cho thấy thị trường BHHT đầy triển vọng với hơn 3,5 triệu khách hàng tiềm năng.

Thị trường BHHT có lẽ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới, và phí bảo hiểm hằng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. Ở châu Á, trong năm 2012, khoảng 11% dân số trên 60 tuổi, và tỷ lệ này được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi, lên tới 24% vào năm 2050.

Trong năm 2011, BHHT cho người lao động ở hầu hết các nước châu Á là dưới 40%, trong khi đó, quy mô tài sản hưu trí cá nhân của 9 nền kinh tế châu Á với hệ thống hưu trí tương đối phát triển chỉ chiếm 5,3% GDP, vô cùng thấp so với tỷ lệ trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 70%.

Nếu Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ đó, có nghĩa là tài sản hưu trí sẽ đạt 190.000 tỷ đồng. Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ phải mất hơn một thập niên mới có thể đạt được con số đó.

Còn theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2010 với 700 DN tại Hà Nội và TP.HCM, cho thấy, có đến 70% DN mong muốn và sẵn sang tham gia quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động.

Khi quyết định triển khai quỹ BHHT tự nguyện, Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2020, có 500 DN với khoảng 150.000 lao động mua BHHT hoặc đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư.

Độ tuổi nghỉ hưu mong muốn, khu vực Đông Nam Á
Sở dĩ nhiều kỳ vọng về thị trường BHHT vì tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, những chính sách và chương trình của Chính phủ dành cho người về hưu còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được cho phần lớn người dân một cuộc sống hưu trí an tâm. Thậm chí, trong một trường hợp, quyền lợi hưu trí chỉ mang tính tượng trưng.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), quỹ hưu trí đang chịu gánh nặng chi trả lớn và nhanh chóng mất cân bằng tài chính. Trong cảnh báo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2034 thì nguồn quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ cạn và không còn tiền để chi trả.

Và trên thực tế, phần lớn những người cao tuổi phải sống dựa vào hỗ trợ tài chính từ con cái và gia đình. Trong cuộc khảo sát của Nielsen cũng cho thấy điều đó. Có đến 85% số người được hỏi mong muốn nghỉ hưu trước tuổi 65.

Trong đó, có 41% người trả lời muốn nghỉ hưu trong độ tuổi từ 60 đến 65 và 40% muốn nghỉ hưu sớm hơn, từ 50 - 59 tuổi. Nhưng điều lo lắng của mọi người là họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và bạn bè.

Ở Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore..., hệ thống BHHT đã hoàn chỉnh với 3 tầng bảo vệ gồm hưu trí cơ bản, hưu trí bổ sung và hưu trí tự nguyện. Ông Robert A. Cook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife Financial Châu Á, cho biết, tiết kiệm cho hưu trí là ưu tiên hàng đầu của người lao động những nước này.

Mặc dù có chính sách hưu trí tốt nhưng nhiều người đã đặt sai mục tiêu và chỉ nhận ra sai lầm khi không còn nhiều thời gian nữa. Kết quả của cuộc nghiên cứu thị trường gần đây do Tập đoàn Tài chính Manulife Financial thực hiện cho thấy số năm trung bình của những người mua bảo hiểm châu Á mong muốn được nhận tiền hưu trí là 19 năm trong khi đó thực tế số tiền họ để dành cho kế hoạch hưu trí chỉ có thể đủ chi tiêu cho 13 năm.

Điều này đã tạo ra một khoảng trống về hưu trí là 6 năm. Ở một số thị trường, khoảng cách này thậm chí lên đến 13 năm. "Nguyên nhân là vì người châu Á ngày càng sống thọ hơn nhưng phần đông họ vẫn chưa nhận thức đầy đủ và có sự chuẩn bị phù hợp cho việc này. Vì vậy, có rất nhiều khả năng trong tương lai sự thiếu hụt về tiền hưu trí sẽ ngày càng lớn hơn", ông Robert A. Cook cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu hưu trí ngày một tăng trong khi quỹ lương hưu của Nhà nước không đáp ứng nổi là một trong những bài toán nan giải hiện nay. Vì thế, BHHT tự nguyện được kỳ vọng là đáp số đúng cho bài toán này.

Quá sức doanh nghiệp

Trong khi các DN bảo hiểm hồ hởi về sản phẩm BHHT thì các DN, đặc biệt là những DN sản xuất, sử dụng nhiều lao động tỏ ra e dè và lo về tính thực thi của nó.

Ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết, không thể không lo ngại về một loại hình bảo hiểm mới cho người lao động. Bởi, chỉ nội chuyện bảo hiểm xã hội, DN đã rất khó khăn để xoay trở. Hiện nay, bảo hiểm xã hội đã ở mức 28% so với lương đã là gánh nặng cho DN.

Vì thế, chỉ những DN rất tốt mới có nguồn kinh phí dồi dào để có thể mua thêm BHHT tự nguyện cho người lao động. "Hơn nữa, có nhiều cách để giữ nhân viên giỏi chứ không riêng gì sản phẩm BHHT.

Còn nếu lấy bảo hiểm làm biện pháp để giữ chân người tài thì có nhiều sản phẩm bảo hiểm khác hay hơn chứ không phải đợi đến sản phẩm BHHT ra đời mới triển khai. Vì thế, tôi cho là không cần thiết để triển khai sản phẩm này", ông Thiện nói thêm.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước, cho biết, với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày..., việc mua sản phẩm này là rất khó.

Biết là có thêm chính sách cho người lao động về già là rất tốt nhưng để triển khai cho 5.000 lao động của Công ty là điều không thể. Hơn nữa, muốn mua bảo hiểm thì phải theo thường xuyên mà ngành này thì lao động thường biến động nên khó có thể triển khai.

Theo phân tích của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài gòn 3, hiện nay, kinh tế khó khăn, DN đã cố gắng tối đa để lo đời sống cho công nhân nên bảo phải bỏ ra thêm một khoản tiền lớn nữa là quá sức. BHHT là tính đến chuyện lâu dài còn hiện tại là nỗi bức bách về cơm áo gạo tiền đang phải lo.

Tâm lý của người Việt Nam thường chú ý đến hiện tại hơn là tương lai, vì thế, muốn giữ người lao động giỏi chỉ cần trả lương cao để họ có cuộc sống thoải mái là được. Chủ DN nào cũng muốn người lao động của mình có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, nếu phải chi khoản này thì bắt buộc DN phải cắt những khoản khác.

"Muốn lo cho tương lai thì phải giảm cho hiện tại vì DN không thể chu toàn cả hai mà hiện tại không tốt thì cũng rất khó để giữ chân người lao động. Vì thế, triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện cho DN trong thời điểm này là rất khó khăn", ông Hồng nói.

Hiện nay, đã có 4 công ty bảo hiểm nhân thọ (Daii-ichi Life, Manulife, AIA, PVI Sun Life) triển khai sản phẩm nhưng hầu hết rất cẩn trọng khi nói về hiệu quả. Các DN bảo hiểm cho rằng, sản phẩm còn mới nên vẫn trong giai đoạn thăm dò là chính.

Bởi, nói như ông Stephen Clark thì dù rất phổ biến ở các nước khác nhưng BHHT tự nguyện vẫn còn rất mới đối với thị trường Việt Nam. Vì thế, cần phải thêm thời gian để sản phẩm này được tiếp nhận một cách rộng rãi.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ từ phía Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế được cải thiện và sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô, sẽ giúp củng cố niềm tin khách hàng vào sản phẩm BHHT, và hứa hẹn một sự khởi đầu tốt đẹp. Vấn đề là làm sao có thể nhanh chóng nâng cao nhận thức và sự tin tưởng của công chúng đối với sản phẩm BHHT tự nguyện.

Muốn vậy, cần phải có những nỗ lực để cả các công ty và cá nhân đều có thể hiểu rõ lợi ích của việc tham gia vào loại hình bảo hiểm này. "Tôi thấy rằng sự an toàn của sản phẩm này mang đến một sự lựa chọn đáng quan tâm và rất cụ thể cho những người muốn nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời kỳ hưu trí. Có được một lựa chọn dài hạn với tính năng bảo vệ cao và mang lại hiệu quả về thuế là điều khá quan trọng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thật sự ổn định và các sản phẩm ngân hàng dài hạn và bảo đảm còn khá hạn chế”, ông Stephen Clark nói.

>> Thị trường bảo hiểm: Sự hấp dẫn của những người già (Kỳ 1)

Theo Hồng Nga- Minh Hào

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên