MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường sơ khai: Xu hướng mới của dòng tiền?

12-08-2014 - 10:04 AM |

Các nhà đầu tư ưa mạo hiểm muốn tìm kiếm lợi suất lớn hơn đang đổ hàng tỷ USD vào các thị trường sơ khai.

Wall Street Journals trích dẫn số liệu từ EPFR cho biết kể từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bơm tổng cộng 2,2 tỷ USD và các thị trường sơ khai trên toàn thế giới từ Argentina cho tới Việt Nam. Đây vốn là các thị trường nhỏ hơn và ít được biết đến hơn so với các thị trường mới nổi. Đặt trong tương quan so sánh, các thị trường mới nổi đã bị rút ròng 720 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 6/8, chỉ số MSCI Frontier Markets đã tăng 19%, trong khi chỉ số MSCI Emerging Markets chỉ tăng 6% và chỉ số MSCI World tăng 2,2%. Như vậy các thị trường sơ khai nằm trong nhóm có diễn biến tốt nhất thế giới.

Thị trường sơ khai – Xu hướng mới của dòng tiền? (1)

Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều quan ngại về nhóm này bởi dòng tiền chứ không phải triển vọng đầu tư là nhân tố chính tạo nên đà tăng điểm. 

Nhìn vào diễn biến từ đầu năm đến nay, có thể thấy đà tăng và dòng tiền chảy vào thị trường này không hề bị ngắt quãng, bất chấp một vài thị trường mới nổi đã bắt đầu chệch choạc trong một vài tuần gần đây.

Sức hút của các thị trường này có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Hồi tháng 6, quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy bổ sung thêm các thị trường sơ khai vào danh mục đầu tư. 
Tuy nhiên, vấn đề đối với nhiều nhà đầu tư nằm ở chỗ cơ hội trên các thị trường sơ khai không nhiều và sự cạnh tranh thì khá khốc liệt. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của nhiều công ty đã chạm mức trần giới hạn của chính phủ. 

Theo số liệu của MSCI, 10 cổ phiếu chiếm hơn 35% giá trị vốn hóa của MSCI Frontier index và các công ty ở Kuwait chiếm gần 1/4. Nigeria chiếm khoảng 1/5. 

Tổng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu nằm trong chỉ số này đạt 109 tỷ USD, nhỏ bé so với con số 4.000 tỷ USD của các thị trường mới nổi. Với quy mô như vậy, một số nhà đầu tư lo ngại về kịch bản nhà đầu tư đột ngột thoái vốn. Với thanh khoản thấp, đà bán quá mạnh có thể khiến các thị trường này ngay lập tức lao dốc. 

Giới phân tích cho rằng một phần nguyên nhân khiến các thị trường sơ khai có diễn biến tốt như vậy là do một số nước được phân loại lại. Qatar và UAE được coi là đủ tiêu chuẩn để được xếp vào nhóm các nước mới nổi hồi tháng 6 nhưng phải quay trở lại nhóm sơ khai. 

Kể từ đầu năm, chỉ số VnIndex của TTCK Việt Nam đã tăng 20% và chỉ số KSE 100 của TTCK Pakistan đã tăng 16%, trong khi chỉ số Merval của TTCK Argentina tăng tới 50%. 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư rót tiền vào thị trường sơ khai kiếm được lợi suất trung bình 9,8%, trong khi con số ở các thị trường phát triển chỉ là 4,7%.

Theo Thomas Vester, chuyên gia đến từ LGM Investments, cho rằng các thị trường sơ khai vẫn có thể mang đến cơ hội cho những người có thể vượt qua những vấn đề về chính trị và quản trị doanh nghiệp. 

Ông cảnh báo tiền đang được đổ vào một số tài sản không đạt chất lượng. Ví dụ, hồi tháng 6, Ecuador đã bán 2 tỷ USD trái phiếu rác kỳ hạn 10 năm. Chỉ 8 năm trước, nước này vỡ nợ vì không trả được khoản nợ 3,2 tỷ USD. 

Một số nhà đầu tư khác cũng tỏ ra thận trọng hơn. Peter Marber – chuyên gia tại Loomis Sayles & Co. – nhận định các chương trình nới lỏng định lượng và lãi suất gần 0 ở Mỹ, EU và Nhật Bản khiến các thị trường này có thể tăng điểm mạnh chỉ nhờ một dòng tiền nhỏ. 

Marber ưa chuộng thị trường mới nổi hơn bởi các thị trường này có mức định giá khá hấp dẫn. “Nhà đầu tư nên nhớ rằng các thị trường sơ khai biến động rất mạnh và đầy rủi ro”, ông nói.

anhnt

CafeF/Trí thức trẻ

Trở lên trên