MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập 5 triệu/tháng, cơ hội có nhà trong tầm tay?

12-06-2013 - 07:58 AM |

Với mức tổng thu nhập của gia đình khoảng 5 triệu đồng, vẫn có thể mua được nhà xã hội, đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Cơ hội dễ nắm bắt?

Theo ông Nam, với những gia đình có mức thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng, hoàn toàn vẫn có thể mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Thay vì lựa chọn những căn hộ lớn, ông Nam đưa ra lời khuyên, những gia đình này nên chọn loại căn hộ nhỏ chỉ 30m2 tại các dự án đầy đủ hạ tầng.

Ông Nam đánh giá, những căn hộ loại này hơn hẳn những căn nhà tập thể lắp ghép ở Trung Tự, Kim Liên 2 phòng (1 phòng ngủ 14m2, 1 phòng khách 10m2 và 4,5m2 hành lang, vệ sinh...) ngày xưa dành cho Vụ trưởng, vụ phó.

Với căn hộ 30m2 giá khoảng 250 triệu đồng (hơn 8 triệu đồng/m2) và thu nhập người vay mua là 5-6 triệu đồng/tháng, trừ 20% đặt cọc, số tiền người dân đi vay khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này trả trong 10 năm, mỗi năm 20 triệu đồng tiền gốc (1,8 triệu đồng/tháng), lãi suất 6%/năm mỗi tháng người vay trả mất 1 triệu đồng tiền lãi. Chưa tính đến lãi suất sẽ dựa trên dư nợ giảm dần, nên tiền lãi phải trả hằng tháng thậm chí còn thấp hơn.

"Gia đình có thu nhập thấp, chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, nếu trích ra 30% số này để trả gốc và lãi vay, số còn lại vẫn đủ chi tiêu mà trong vòng 10 năm, lâu hơn 15-10 năm có thể trả được nợ. Những hộ gia đình thu nhập 5-6 triệu đồng, cũng là mức thấp, cố gắng dành dụm có thể sở hữu ngôi nhà.", ông Nam nói.

Theo ông Nam, với nhà xã hội khi gói 30.000 tỷ đồng được triển khai, ông Nam cũng cam kết, mức giá sẽ không quá 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, dự án Tây Nam Linh Đàm khoảng 12 triệu đồng/m2, đối với dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh giá dưới 9 triệu đồng/m2. Dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở xã hội ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đồng/m2.

Đối với những người có thu nhập chỉ 2-3 triệu đồng, ông Nam cho rằng, cách làm tốt nhất hiện nay là phát triển chính sách nhà cho thuê. "Bộ Xây dựng đang trình Nghị định lên Chính phủ, trong đó có một chương về hỗ trợ phát triển nhà cho thuê, hi vọng sẽ ban hành trong tháng 7 sắp tới. Theo tính toán, một hộ gia đình thuê căn hộ 40-45m2, giá thuê chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng", ông chia sẻ.

Cho vay mua nhà: Vẫn còn thăm dò

Về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đại diện Bộ xây dựng và Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây không phải là chính sách hướng đến rất đông người dân.

Ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết: "Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm."

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, các thông tư đã quy định rất rõ về đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua nhà được tiếp cận nguồn vốn này.

"Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lực chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay", ông Mạnh cho biết.

Ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: "hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện. Mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân".

Lãnh đạo BIDV khuyên, để nắm rõ thông tin người dân có nhu cầu nên tới trụ sở chính hoặc các chi nhánh lớn của BIDV để được tư vấn.

Tuy nhiên, để vay được nguồn vốn ưu đãi này không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được. Bản thân các ngân hàng khi triển khai chương trình ưu đãi này đều tính toán tới việc thu hồi nợ. Ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết, đây là vốn tín dụng thông thường có ưu đãi về thời gian và nguồn vốn, nên một trong những yêu cầu đầu tiên là nguồn vốn thông thường không có hạn chuẩn tín dụng, nghĩa là đảm bảo có thu nhập để trả nợ cho khoản vay.

Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay, còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng cho vay, chính vì thế cần phải đảm bảo các quy định cho vay thông thường. "Không nên chỉ vì giải quyết vấn đề hôm nay mà lại vấp phải nợ xấu, là không đòi được nợ. Chúng ta giải quyết được vấn đề và sau đó đường đi phải thông thoáng. Như vậy, điều kiện để khách hàng vay vốn là phải thu nhập để đủ khả năng trả nợ", ông Mạnh nói.

Lãnh đạo BIDV cũng cho biết thêm, để đạt điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội thì phải đúng đối tượng được ký, tức là khách hàng đó phải được ký hợp đồng sau đó mới sang vay vốn tại ngân hàng, và đây là theo đúng quy dịnh của Thông tư 07. Người vay có thể dùng chính tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp với ngân hàng. Phía ngân hàng sẽ ký hợp đồng đồng 3 bên (ngân hàng-chủ đầu tư-người vay) theo quy trình để quá trình giải ngân đúng quy định vừa hỗ trợ tích cực cho người dân.

Ngân hàng có thể nhận tài sản này làm tài sản thế chấp, trong trường hợp phải có xử lý về tài sản thế chấp, ngân hàng vẫn có quyền bán lại ngôi nhà này cho chủ đầu tư hoặc bán lại cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp không kể 5 năm hay mấy năm.

Theo Duy Anh

duchai

Trở lên trên