MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tình trạng rút ruột công trình như một căn bệnh nan y"

Lâu nay, vấn đề chất lượng công trình xây dựng luôn là mối quan tâm của ngành xây dựng và toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, không ít công trình ngay sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội thêm lo ngại. Nguyên nhân là do việc quản lý, giám sát thi công còn nhiều bất cập... Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Liêm– Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.– Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.

Hệ thống cấp nước Vinaconex từng được nhận “Cúp vàng chất lượng xây dựng”, nhưng đã 7 lần bị vỡ đã khiến người dân lo lắng, bức xúc. Đến nay, đơn vị thi công vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây sự cố để có giải pháp khắc phục. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thông thường khi sự cố xảy ra sẽ có 3 vấn đề được đặt ra: Một là, vị trí xây dựng. Hai là, vật liệu lắp đặt. Ba là, quá trình thi công. Trong 3 vấn đề trên, vị trí xây dựng đã được xác định nền đất yếu. Điều này cũng đã được chủ đầu tư Vinaconex chỉ ra rất rõ nhưng còn vấn đề về vật liệu lắp đặt cũng như quá trình thi công thì gần như không được chủ đầu tư đề cập đến.

Hiện, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Cục Giám định nhà nước về chất lượng xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tìm hiểu, xác định nguyên nhân của những sự cố. Khi tìm được nguyên nhân cụ thể thì sẽ biết sai phạm nằm ở khâu nào thì mới xác định được những cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm.

TS. Phạm Sỹ Liêm– Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.


Thực tế cho thấy, không chỉ đường ống nước sông Đà mà còn không ít công trình ngay sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội thêm lo ngại. Theo ông nguyên nhân của vấn đề trên là do đâu?

Tình trạng rút ruột công trình không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nó như một căn bệnh nan y không có thuốc chữa, các phương thuốc được kê để chữa căn bệnh này đều không mang lại hiệu quả, khó khắc phục triệt để.

Tình trạng rút ruột công trình không chỉ là thất thoát trong thi công, xây lắp mà còn cả sự lãng phí, thiệt hại do sai sót, sai lầm trong qui hoạch, trong chủ trương đầu tư, trong phê duyệt thiết kế và dự toán, trong bố trí vốn đầu tư, trong chất lượng công trình. Trong chi phí giải phóng mặt bằng đền bù giải tỏa thì sự thất thoát, lãng phí còn lớn hơn nhiều lần.

Chất lượng công trình kém đi liền với tiêu cực, tham nhũng, đây là vấn đề nóng bỏng bức xúc mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Vậy chúng ta sẽ làm thế nào để giảm thiểu tình trạng xấu này?

Ở đây tôi cũng xin trao đổi thêm một ý là vấn đề rút ruột trong các công trình hiện nay. Những kẻ vụ lợi ngoài những thủ đoạn thông thường lâu nay là móc ngoặc bán thầu, là ăn bớt vật tư, thay đổi vật tư chất lượng kém thì còn có cả một đường dây chạy dự án. Theo tôi được biết có cả những công trình ban quản lý dự án và chủ thầu xây dựng liên minh với nhau ký cả biên bản nghiệm thu công trình trước khi có quyết định thi công công trình.

Vậy trách nhiệm quản lý chất lượng công trình đang thuộc về bộ, ngành nào thưa ông?

Đối với những công trình quan trọng, công trình thuộc khu vực trung tâm đô thị đều được giao cho những công ty có thương hiệu, có uy tín và những kiến trúc sư, kỹ sư có kinh nghiệm đảm nhận. Riêng loại công trình có yêu cầu về kiến trúc đều được lựa chọn phương án ở giai đoạn thiết kế sơ bộ, mở rộng phản biện thông qua hội nghị. UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, từ khâu thẩm định thiết kế đến việc kiểm tra thi công công trình.

Những tồn tại về chất lượng được phát hiện trong quá trình kiểm tra thường được chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục kịp thời. Đối với những tồn tại về chất lượng liên quan đến các vấn đề kỹ thuật phức tạp, thì tổ chức các hội nghị chuyên đề các chuyên gia tư vấn, góp ý kiến giúp chủ đầu tư và các bên liên quan về giải pháp xử lý.

Mặc dù vậy, vẫn còn không ít công trình chưa được kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, đầy đủ. Chất lượng không ít công trình chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, một số công trình vừa đưa vào sử dụng ít lâu đã xuống cấp.

Xin nêu ví dụ: ở Hà Nội, một số công trình giấy phép xây dựng chỉ có 5 hoặc 7 tầng, nhưng thực tế lại xây tới 12 hoặc 13 tầng. Tất nhiên, các công trình này phải xử lý "cắt ngọn". Những việc làm tắc trách của các cơ quan chức năng khiến cho chất lượng công trình bị ảnh hưởng và gây thiệt hại của công. Rồi một số chung cư được gọi là "cao cấp", sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng ít lâu thì trần sập, tường nứt... Rõ ràng, quản lý chất lượng công trình xây dựng đã và đang là vấn đề bị bỏ ngỏ, tại hầu hết các địa phương.

Hiện việc xử lý đối với những tập thể, cá nhân gây ra tình trạng này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nhằm hạn chế, phòng ngừa các vi phạm về sau. Thường thì khi hoàn thành công trình, nghiệm thu xong là chủ đầu tư phủi trách nhiệm, mặc cho công trình có thế nào đi chăng nữa.

Pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan khi thực hiện dự án (chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế...). Đó là khi công trình kém chất lượng, không hiệu quả, hư hỏng thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới, tùy theo mức độ phải bồi thường hoặc có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế khi công trình, dự án không hiệu quả, gây lãng phí thì chỉ một số người chịu trách nhiệm hành chính, bồi hoàn sơ sài, thậm chí nhiều công trình chẳng có ai chịu trách nhiệm.

Vậy theo ông nên làm thế nào để cải thiện được tình trạng trên?

Trước hết, ngành xây dựng cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm vào công tác hướng dẫn pháp luật, ban hành các chế tài phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm định, giám định chất lượng, chú trọng công tác đào tạo tính chuyên nghiệp đi đôi với việc kiểm soát điều kiện năng lực hành nghề.

Phải phân rõ trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thi công. Lỗi ở công trình hiện nay quy hết cho nhà thầu là không sòng phẳng. Nhà thầu làm ẩu phải chịu trách nhiệm nhưng tạo điều kiện cho nhà thầu làm ẩu lại là tư vấn giám sát. Đề nghị tăng cường kiểm soát chủ đầu tư, năng lực nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, giám sát để loại những nhà thầu kém năng lực, thi công kém chất lượng. Công bố những thông tin các nhà thầu để chủ đầu tư lựa chọn một cách tốt nhất đảm bảo chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ những chủ thể tham gia trong qua trình đầu tư xây dựng. Các cán bộ không chỉ cần năng lực chuyên môn mà còn có trách nghiệm với chính công trình mình đang thi công để tránh thất thoát.

Xin cảm ơn ông!

Theo Xuân Thảo

ngatt

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên