[Thi viết nghề môi giới BĐS] Chỉ dấn thân vào nghề mới cảm nhận được khó khăn
Mỗi nghề, mỗi câu chuyện không phải ai cũng biết được, đó đôi khi là những giọt nước mắt,… và nghề môi giới bất động sản cũng vậy. Có khó khăn thử thách thì mới có vinh quang.
LTS: Đó là mở đầu bài viết của bạn Lương Trùng Dương tại TP.HCM trong "Cuộc thi viết Nghề môi giới bất động sản". Quý độc giả có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: batdongsan@cafef.vn
--------------------
Bén duyên với nghề
Tôi bén duyên với nghề môi giới bất động sản trong những năm tháng công tác trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Trong quá trình công tác tôi tiếp xúc với rất nhiều bạn sales, cấp quản lý ngành bất động sản.
Tôi nhận thấy thị trường bất động sản tại Việt Nam nói chung, tại TP.Hồ Chí Minh đang rất phát triển. Cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, bệnh viện liên tục được xây dựng mới và mở rộng. Đó cũng là điều kiện tiền đề ngành bất động sản phát triển vượt bật. Giá trị bất động sản thay đổi không ngừng theo thời gian.
Đó cũng là thời điểm chín muồi để tôi quyết định chuyển sang một môi trường mới, thử thách bản thân trong một lĩnh vực đầy tiềm năng. Bản tính cũng thích giao lưu, gặp gỡ nhiều người nên tôi quyết định chọn nghề môi giới bất động sản.
Nhiều người vẫn có tâm lý đánh đồng giữa người làm nghề môi giới bất động sản là "cò", dù 2 khái niệm này rất khác nhau, cho dù không phải tất cả "cò" đều xấu, nhưng cũng không ít người có hành vi lừa đảo khách hàng. Điều này cho thấy thị trường vẫn có cái nhìn phiến diện về nghề này.
Nhưng tôi không nản lòng mà chỉ khiến tôi thêm quyết tâm muốn thay đổi hình ảnh người môi giới bất động sản trong mắt cộng đồng. Dù có đôi chút lợi thế khi hiểu rõ về việc tư vấn vay vốn, thủ tục liên quan đến pháp lý nhưng không vì thế mà tôi tự mãn. Tôi đã tham gia khá nhiều khóa học về marketing bán hàng, các khóa training...
Giao dịch đầu tiên đến với tôi từ một khách hàng cũ tôi quen đã khá lâu. Khi nghe tôi giới thiệu đã chuyển sang công ty bất động sản nên hỏi tôi đang bán dự án nào ở quận 1. Và tôi đã giới thiệu chi tiết về dự án mà giỏ hàng công ty hiện có, tư vấn cặn kẽ về hướng nhà hợp với khách… Rất nhanh chóng việc đặt cọc được tiến hành.
Khách hàng nói tin tưởng như người nhà nên mọi việc tiền bạc và giấy tờ đều giao hết cho tôi làm mà không hề nghi ngại. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến đó là trách nhiệm của tôi, làm việc kín kẽ, sao cho khách hàng hài lòng nhất, tôi không nghĩ đến khoản hoa hồng mình nhận được. Chỉ làm với mục tiêu khiến khách hàng hài lòng nhất vì đây là giao dịch đầu tay của tôi.
Ngày khách nhận nhà, nụ cười mãn nguyện vì chọn được căn nhà ưng ý làm tôi ấm lòng và hạnh phúc vì đó là tâm nguyện của tôi. Những giao dịch tiếp theo cứ đến đều sau đó.
Góc khuất trong nghề, thử thách bủa vây
Trong môi trường môi giới bất động sản, ngoài những hình ảnh màu hồng, hào nhoáng thì đằng sau đó là những mảng tối mà bất kì người môi giới bất động sản nào cũng gặp phải.
Tôi có những trường hợp khách hàng đã đóng tiền giữ chỗ nhưng đến phút cuối lại đổi ý và không muốn chuyển cọc mà muốn lấy lại tiền cũng đành ngậm ngùi chấp nhận.
Chưa hết, tôi còn gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của đồng nghiệp trong ngành. Cắt máu, chiết khấu cao cho khách hàng. Đối với những người mới, hoặc nhân viên nào nhiều tháng liền không có khách thường phải chấp nhận chọn cách "cắt máu" để lấy chỉ tiêu. Khách hàng hiện nay khó tính hơn, lúc nào cũng nghĩ môi giới ăn dày nên tìm cách đòi chiết khấu, tặng thêm thiết bị nội thất. Cùng rất nhiều khó khăn mà khi dấn thân vào nghề mới cảm nhận được.
Thông tin về thị trường bất động sản khá tù mù, thiếu minh bạch, các quy định pháp luật về hoạt động môi giới còn quá nhiều kẽ hở, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nghiêm trọng hơn, một số công ty môi giới mới thành lập, hoạt động như mô hình kinh doanh đa cấp, đã lừa dối khách hàng bán dự án "ma", tự ý vẽ thêm tiện ích, dịch vụ không có thật, ôm tiền đặc cọc của khách hàng bỏ trốn. Chính cách làm chộp giật, ăn xổi đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lĩnh vực môi giới nói riêng và thị trường BĐS nói chung.
Mọi người thường nghĩ nghề môi giới bất động sản là hái ra tiền nhưng thực chất đâu ai cho không ai thứ gì. Tiền kiếm được từ bất động sản lên xuống theo chu kỳ, có những tháng nhiều giao dịch nhưng cũng có tháng không có giao dịch. Có người 2 tháng thậm chí mất nửa năm mới có 1 hợp đồng.
Gian nan thử sức, vinh quang sẽ đến
Dù cho trong nghề nghiệp có khó khăn thế nào đi nữa nhưng tâm trí tôi vẫn luôn một tâm niệm là uy tín với khách hàng phải đặt lên hàng đầu. Có khách hàng là có tất cả. Nhìn niềm vui đọng lại trên ánh mắt của khách hàng, tâm trạng hài lòng vì đã chọn được một bất động sản như ý là lòng tôi vui sướng.
Bản thân người môi giới phải luôn đặt vị trí của mình vào người mua bởi họ cũng giống như mình luôn muốn tìm kiếm các sản phẩm "sạch, đẹp, giá trị sinh lời cao". Khách hỏi phải tư vấn đúng, không làm mọi cách, mọi giá để bán sản phẩm không tốt.
Với lĩnh vực bất động sản nói nhiều không phải là tốt, mà cần nói đúng, nói đủ và dừng đúng lúc. Khi tư vấn cho khách không phải là cứ nói những gì mình có mà phải hiểu xem khách hàng họ muốn gì. Chỉ cần nhìn khuôn mặt, nghe vài ba câu đầu là ngay lập tức trong đầu phải phân loại được khách hàng để có cách tư vấn và chọn cho họ loại sản phẩm thật phù hợp, đối với những sản phẩm chưa rõ pháp lý sẽ không chào khách hàng mua.
Nghề môi giới bất động sản đòi hỏi người làm liên tục học hỏi. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người môi giới còn phải thật giỏi kỹ năng mềm và luôn tích hợp thêm các kiến thức liên quan như phong thủy, kiến trúc, nhân tướng… để sẵn sàng tư vấn khi khách thắc mắc.
Ở Mỹ, người làm trong nghề môi giới khi có dấu hiệu vi phạm điều luật hay có hành vi sai trái có thể bị kiện ra tòa án tối cao để xử lý. Nếu tội nhẹ sẽ kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, nếu phạm tội nặng có thể bị vào tù. Tại Trung Quốc, cứ 2 năm, các cơ quan quản lý giao dịch bất động sản cấp quận huyện, cục quy hoạch đất đai sẽ tiến hành kiểm tra những người đã có chứng nhận nghề môi giới theo quy định của cục nhà đất thành phố.
Nếu có bất kỳ lỗi gì hay không tham gia kỳ kiểm tra mà không có lý do chính đáng sẽ không được tiếp tục hành nghề. Người môi giới phải luôn trang bị cho mình những kiến thức phù hợp với mọi thời điểm và tham gia các khóa học mới để có chỗ đứng trong nghề nếu không muốn bị đào thải sau mỗi kỳ kiểm tra.
Từ những quy định chặt chẽ trong nghề môi giới ở các nước trên thế giới, chứng tỏ việc tồn tại và có chỗ đứng trong nghề không hề đơn giản. Muốn khẳng định được năng lực, mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh bạn phải kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Điều quan trọng là nghề này sẽ tự đào thải bạn nếu bạn không yêu thích nó và thực sự cố gắng. Sự chân thành và tận tâm trong nghề cũng góp phần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về người môi giới, chuyên nghiệp hơn, yêu mến hơn.
Nghề nào cũng sẽ có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nếu yêu nghề thì nghề cũng yêu mình. Đứng trên góc cạnh là một chuyên viên tư vấn bất động sản, tôi nhận thấy đây là một nghề có thu nhập cao, nhưng khó khăn và cám dỗ cũng rất nhiều. Để thành công trong nghề, mỗi ngày phải làm việc nhiều hơn 12 tiếng, phải rèn luyện kỹ năng tiếp nhận và truyền đạt thông tin nhanh nhạy, chính xác.
Với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay thì người làm công việc môi giới bất động sản còn bắt buộc phải có kiến thức về công nghệ thông tin, như kỹ năng bán hàng online trên website, cách tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội, cách sử dụng công nghệ để thay thế công việc, trau dồi ngoại ngữ...
Người môi giới phải luôn luôn phấn đấu học hỏi, trau dồi kỹ năng mềm và kiên trì theo đuổi nghề, Cố gắng vượt qua và khắc phục những khó khăn của nghề môi giới bất động sản, thì nghĩa là đã thành công một nửa rồi. Chính môi trường khắc nghiệt như vậy đã giúp người môi giới trưởng thành bản lĩnh hơn rất nhiều.
Quan điểm của tôi là môi giới thì phải có Tâm với nghề và có Tầm ảnh hưởng đến khách hàng chắc chắn sẽ thành công. Tự hào là thiên sứ mang lại tổ ấm cho cả trăm gia đình, một khoản đầu tư có chất lượng cho hàng trăm khách hàng thì có ngành nghề nào cao quý hơn thế.
Nhịp sống kinh tế
- [Nghề môi giới BĐS] 8 năm trong nghề, tôi mới hiểu rằng không dễ để đạt được thành công
- [Nghề môi giới BĐS] Đừng gọi tôi là cò!
- [Thi viết nghề môi giới BĐS] " Thương trường là chiến trường" và giọt nước mắt của tôi
- [Thi viết Nghề môi giới BĐS] Môi giới bất động sản - được gì và mất gì?
- [Thi viết nghề môi giới BĐS] Góc nhìn về nghề môi giới bất động sản của một sinh viên