[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đói bụng thì món gì cũng muốn ăn, thị trường tăng thì cổ phiếu gì cũng muốn mua-tôi mất tiền vì thế
Nếu đầu tư vào một cổ phiếu mà ta biết chắc là nó tốt và sẽ có lãi trong tương lai khác với việc mua bừa phứa mà không hiểu gì về công ty ta sẽ nắm giữ cổ phiếu.
- 19-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Mất tiền vì biết quá nhiều
- 18-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi mất tiền vì quá ấu trĩ đầu tư chứng khoán
- 17-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tiền của tôi đã đi đâu, về với ai?
Khi có một đứa con, bạn chỉ cần đơn giản tập trung cho nó. Khi có dăm ba đứa con, mỗi đứa bạn chỉ kịp nhìn một chút, lướt một chút, đôi khi quên luôn cả đóng học phí cho con.
Đầu tư chứng khoán cũng vậy, nếu mua vài ba cổ phiếu, bạn sẽ liên tục cập nhật thông tin doanh nghiệp như ông chủ đang nhìn vào từng con số doanh thu, lợi nhuận của công ty. Nếu danh mục là 10 mã, 100 mã thì thôi, thua. Nhà đầu tư Đinh Thành Trung mất tiền vì vậy.
Mời quý độc giả đọc bài viết: Đói bụng thì món gì cũng muốn ăn, thị trường tăng thì cổ phiếu gì cũng muốn mua-tôi mất tiền vì thế và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Trong quá trình đầu tư, hẳn mỗi người trong số chúng ta đã từng có lúc cao hứng, thấy cái gì cũng thích mua. Nhất là khi thị trường ấm lên thì "nhìn đâu cũng thèm", giống với một cái bụng đói mà gặp bữa tiệc buffet thịnh soạn vậy.
Tôi đã từng mất tiền theo cách đó. Thật buồn cười vì mất tiền trong lúc thị trường đi lên là điều vô cùng tồi tệ đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, ấy vậy mà tôi vẫn mắc phải sai lầm đó. Bởi tôi đã rải tiền của mình vào nhiều nhóm cổ phiếu, tiếc thay đố lại là số cổ phiếu giảm giá khi thị trường chung đi lên.
Sai lầm đó cũng được nhắc đến nhiều trong lý thuyết đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp từ các thị trường phát triển lâu đời như Mỹ, Nhật… Thoạt nghe, người ta có thể chế giễu những người đặt trọn niềm tin vào 1 hay vài cổ phiếu vì cho rằng đó là "đánh bạc". Nhưng thực tế nếu đầu tư vào một cổ phiếu mà ta biết chắc là nó tốt và sẽ có lãi trong tương lai khác với việc mua bừa phứa mà không hiểu gì về công ty ta sẽ nắm giữ cổ phiếu. Sai lầm đó có thể nói là được thể hiện rõ nhất ở thị trường Việt Nam, khi mà rất nhiều nhà đầu tư chỉ biết "mua theo tin đồn, bán theo tin tức" mà không hiểu rõ công ty mình đang nắm cổ phiếu nó ra sao. Rồi họ mua vô tội vạ, mỗi cổ phiếu nắm vài trăm, vài ngàn, rồi đến khi phần lớn danh mục cứ giảm thì họ mới nhận ra mình nắm toàn cổ phiếu không tốt.
Tôi xin kể lại câu chuyện mà danh mục đầu tư gần hai chục cổ phiếu của tôi đều giảm thảm hại. Trong đó toàn cổ phiếu mà tôi không hiểu rõ như Sông Đà, Vinaconex, các cổ phiếu gỗ, cao su, bất động sản… Thật sự trong đầu tôi lúc mua chúng chỉ biết rằng người ta nói nó tốt nên tôi mua, chứ tôi nào có nghiên cứu tường tận gì. Cái tâm lý ba phải, ai nói cũng nghe của tôi khi đó chính là tiền đề tạo nên một danh mục dài dằng dặc, lắt nhắt mỗi thứ một ít. Và đến đây sai lầm đã xuất hiện.
Do phải quản lý, theo dõi quá nhiều cổ phiếu mà tôi đã mất đi sự linh hoạt cần thiết của một nhà đầu tư. Có cổ phiếu tăng trong vài ngày thì tôi tiếc rẻ không bán, do nghe thông tin tốt ào đến từ nhiều nơi. Có cố phiếu mà tôi đã cảm thấy "sai sai" do chẳng có tin tức gì mà lại giảm dần đều thì tôi lại nhát tay không dám bán cắt lỗ. Danh mục thì nhiều nhưng quyết định mua bán của tôi rất không đúng lúc, cổ phiếu cần bán thì không bán, cổ phiếu tốt thì lại chần chừ không dám mua do đã giữ quá nhiều loại rồi. Vậy là tôi đã mắc phải một trong những sai lầm lớn nhất của một nhà đầu tư, và tất nhiên là mất tiền.
Đến khi nhận ra rằng mình đã quá ôm đồm thì lúc đó thị trường không ủng hộ tôi nữa. Tôi cay đắng nhìn số tiền mất đi hằng ngày, và tâm lý sợ hãi thì vẫn hoàn sợ hãi, nhút nhát vẫn hoàn nhút nhát. Xét ra, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách vô lối khiến sai lầm của tôi càng trầm trọng thêm. Tuy nhiên, tôi vẫn còn may chán so với mấy nhà đầu tư khác, vì họ dung cả đòn bẩy mạnh cho nhiều cổ phiếu không tốt.
Lần mất tiền đó khiến tôi vô cùng vất vả vì phải canh bán cho rất nhiều cổ phiếu. Bạn bè an ủi tôi rằng, đã chơi là phải chịu, và thôi rút kinh nghiệm lần sau. Nhưng rồi cả lần sau, rồi lần sau nữa, tôi vẫn có ham muốn ôm đồm, dù đã tiết chế lại nhưng danh mục lúc nào cũng hơn chục cổ phiếu, mãi về sau mới giảm dần được số loại cổ phiếu của mình.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã từng có một câu nói nổi tiếng: "Đa dạng hóa danh mục là một cách phòng thủ của sự thiếu hiểu biết". Theo tôi, câu nói đó cũng có phần đúng khi áp dụng vào thị trường Việt Nam, khi giá cổ phiếu lên xuống thất thường. Xét về phía ngược lại, có người cho rằng đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro, nhưng sẽ ra sao nếu 90% số cổ phiếu trong danh mục cứ mất dần giá trị, trong khi nhà đầu tư hằng ngày vẫn mua thêm vài cổ phiếu mới mà không biết tương lai chúng sẽ đi đâu về đâu? Bản thân các nhà đầu tư nổi tiếng cũng có một danh mục rất dài, nhưng đó có thể coi là danh mục "tinh túy" nhất của họ, do họ đã nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng để quyết định đặt niềm tin vào từng cổ phiếu tốt. Bản thân các trùm đầu tư hay các công ty đầu tư một khi đã quyết định đổ tiền vào đâu thì họ cũng có cả một hệ thống đứng đằng sau nó, đó là vô vàn chất xám, là nguồn vốn khổng lồ và nhiều thứ khác. Đa dạng hóa danh mục kiểu đó khác với từng nhà đầu tư cá nhân.
Như vậy, theo tôi, mất tiền do da dạng hóa danh mục đầu tư chỉ xảy ra khi cái danh mục đó "không tốt", do quyết định mua của chính chúng ta mà thôi. Điều tôi rút ra sau thất bại lần đó chính là nếu không có khả năng theo dõi, quản lý danh mục dài thì không nên mua theo hứng cũng như không nên để cám dỗ bởi những thông tin từ người khác.
Trí Thức Trẻ