MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN]: Mỗi lần mất tiền - mỗi lần thêm khôn

Trong đầu tư chứng, việc phạm sai sót để mất tiền không ai tránh khỏi. Theo độc giả Hà Duy Trí, để hạn chế những sai sót dẫn đến việc mất tiền, nhà đầu tư nghiệp dư cần chuẩn bị nhiều điều trong đó quan trọng nhất là phương pháp đầu tư

Sau 3 ngày phát động cuộc thi viết "TÔI MẤT TIỀN", ban biên tập đã nhận được nhiều bài dự thi của độc giả gửi về. Chúng tôi trân trọng cảm ơn những chia sẻ nỗi đau mất tiền của độc giả để tất cả nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thêm kinh nghiệm cho mình.

Chúng tôi xin đăng tải bài viết: Mỗi lần mất tiền-mỗi lần thêm khôn của tác giả Hà Duy Trí. Trong suốt quãng thời gian 7 năm đầu tư của mình, tác giả đã không ít lần kiếm được tiền còn những lần thua lỗ, tác giả kiếm thêm được trí khôn. Kính mời độc giả đọc và đừng quên gửi bài viết cộng tác của mình đến huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Warren Buffett đã dạy nguyên tắc đầu tư: thứ I – đừng để mất tiền; thứ II – đừng quên nguyên tắc I. Nghe dễ quá nhưng thực hiện nó khó lắm! Tôi đã và đang học bài học này, xin chia sẻ cùng các bạn.

Thị trường chứng khoán ngoài ý nghĩa là chỉ báo sức mạnh của nền kinh tế thì thực chất nó là một trò chơi lớn, ở đó bao gồm những công ty tài chánh, công ty chứng khoán nhiều tiền lắm của, các quỹ đầu tư danh tiếng, các chuyên gia đầy kinh nghiệm, các tay đầu cơ lão luyện và các nhà đầu tư nghiệp dư.

Trong cuộc chơi này, mọi đối tượng tham gia đều tìm mọi cách, thủ thuật nhằm làm cho tiền từ túi của người khác đi vào túi tiền của mình. Vậy một nhà đầu tư nghiệp dư, nhất là không có kinh nghiệm thì làm sao có thể kiếm tiền từ cuộc chơi này?. Và do vậy, như hai mặt của 1 vấn đề, có lời thì cũng có lỗ. Căn bản là làm sao để khoản lỗ ít nhất có thể và khoản lời nhiều nhất có thể.

Để làm việc này thì nhà đầu tư nghiệp dư phải biết học từ các lần sai sót thì mới tiến bộ được. Nếu bạn đọc qua các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới như Warren Buffett, Peter Lynch, Howard Marks, George Soros… thì ai cũng phạm phải sai sót để mất tiền. Có chăng là họ học từ sai sót rất nhanh

Cách đây 7 năm, khi công việc làm trưởng phòng kinh doanh gặp khó khăn, tôi đã tập đầu tư chứng khoán để kiếm thu nhập. Tôi đã đầu tư thành công khi mua các cổ phiếu PNJ, PAN, SSI.. nhưng cũng đã thua lỗ vì mua VNM, SGO, REE, ELC…

Ban đầu khi tập đầu tư, tôi đã đầu tư một khoản tiền nhỏ, rồi tôi đầu tư theo phân tích kỹ thuật, rồi tập lướt sóng, rồi tập sử dụng đòn bẩy… tất cả cách này đều làm cho tôi thua lỗ. Tôi đâm ra hoang mang lo lắng và tự hỏi mình có nên tham gia đầu tư chứng khoán nữa không? Sau đó tôi đọc qua các sách về đầu tư giá trị và tôi nhận thấy rằng đây là cách hợp với khả năng và tính cách của mình.

Và tôi cũng nhận ra rằng, tôi đã đầu tư thua lỗ vì đã chọn sai phương pháp - vì cũng như mọi cuộc thi đấu nếu bạn không biết điểm mạnh, điểm yếu của mình thì khi thi đấu với các đối thủ chuyên nghiệp khác bạn chỉ có thua mà thôi. Đây là bài học thứ 1 và tôi đã phải trả phí cho việc học này. Sau khi áp dụng phương pháp đầu tư giá trị thì kết quả đầu tư rất tốt nên tôi nghĩ chắc là mọi chuyển ổn rồi và tôi yên tâm đầu tư với tất cả số tiền mình đang có. Thế nhưng thực tại phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều.

Rồi bài học thứ 2 xảy đến cho tôi: Khi phát hiện ra cổ phiếu PNJ đủ các tiêu chí để đầu tư giá trị, tôi đã dùng hết tiền ngân hàng để mua nó. Sau khi mua, cổ phiếu này tăng giá, lúc đó tôi đang cảm thấy rất vui. Khi thị trường giảm điểm sâu trước thông tin liên quan đến giàn khoan của Trung Quốc đã kéo theo cổ phiếu PNJ giảm giá gây ra khoản đầu tư ở trạng thái lỗ rất nhiều.

Lúc này tôi lại mới nghỉ làm, rồi gia đình đang cần một khoản tiền để đóng tiền cho con đi học đại học trong khi tôi lại dùng hết tiền vào đầu tư chứng khoán. Những xui xẻo cứ ập đến làm cho tôi sống rất bất an, bực bội nên gây ra những xáo trộn trong gia đình. Khi đó tôi chỉ còn mong ước là cố phiếu mình mua mau tăng giá để tôi bán phắt đi cho xong, do vậy tôi lại càng chúi đầu vào máy tính để theo dõi.

Nhưng cổ phiếu tôi mua nó có lên đâu! Tình trạng này diễn ra mấy tháng làm cho tôi mất ăn, mất ngủ. Cũng may có 1 người bạn cho tôi mượn 1 số tiền để trang trải cuộc sống và nhờ đó, tôi đã không hoảng loạn bán ra cổ phiếu. Tôi đã giữ cổ phiếu PNJ và sau này nó lên giá lại, tôi đã bán đi lời 1 món tiền lớn.

Đây là 1 bài học đắt giá, đắt giá còn hơn việc bị mất tiền. Chính bài học này đã dạy cho tôi về sự chuẩn bị tài chính phòng ngừa lúc những bất ngờ tiêu cực luôn xảy ra trong thị trường và sự kiểm soát tâm lý trong đầu tư chứng khoán mà chỉ có ai trải qua mới cảm thấy nó như thế nào.

Qua quá trình học đầu tư tôi thấy rằng: Mỗi lần đầu tư thành công ngoài việc cảm thấy sung sướng vì cổ phiếu mình tăng giá thì tôi không học được bài học nào khác. Chính lúc thua lỗ là những lúc tôi ngồi kiểm tra lại xem mình đã làm gì sai và từ đó rút ra được những bài học mà tôi không bao giờ quên về cách chọn cổ phiếu, về cách giữ vững tâm lý, về những kiến thức phải bổ sung thêm.. để từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm cho việc đầu tư ngày càng tốt hơn

Trong đầu tư chứng, việc phạm sai sót để mất tiền không ai tránh khỏi. Theo tôi, để hạn chế những sai sót dẫn đến việc mất tiền, nhà đầu tư nghiệp dư cần chuẩn bị:

- Tim hiểu xem mình có lợi thế cạnh tranh gì khi tham gia vào trò chơi này, mình hợp phương pháp đầu tư nào- và sẽ rất nguy hiểm khi bạn chọn sai phương pháp. Theo tôi nhà đầu tư nghiệp dư nên chọn phương pháp đầu tư giá trị. Những cách đầu tư khác để cho các tay đầu tư và đầu cơ chuyên nghiệp

- Đối với phương pháp đầu tư giá trị - cách tôi đang áp dụng vì thấy khả năng thành công cao- thì các nhà đầu tư nghiệp dư nên đọc qua các sách dạy phương pháp đầu tư giá trị của Warren Buffett, Peter Lynch, Mark Mobius, Howard Marks, Charlie Munger… để:

+ Hiểu được chu kỳ kinh tế, chu kỳ thị trường chứng khoán; Sự biến động của thị trường hàng ngày do những nguyên nhân nào; Sự biến động của thị trường tác động ra sao đến tâm lý của nhà đầu tư…

+ Hiểu được đặc trưng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam: giống mô hình kinh tế Trung Quốc

+ Học cách tìm ra được cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng; Hiểu các báo cáo tài chính; Đọc báo cáo thường niên …

- Chuẩn bị tốt cho bản thân: Chỉ đầu tư những khoản tiền mà trong tương lai gần không sử dụng đến nó, tránh theo dõi quá nhiều những thông tin vĩ mô hằng ngày dễ gây tác động không tốt đến tâm lý nhà đầu tư.

Khi đã chuẩn bị những việc trên, nhà đầu tư nghiệp dư sẽ tránh được các tác động của thông tin vĩ mô khuyến dụ nhà đầu tư giao dịch liên tục để rồi mất tiền. Nhà đầu tư nghiệp dư nên chờ đợi cơ hội khi thị trường giảm điểm và khi xuất hiện cổ phiếu mà mình yêu thích có khả năng tăng trưởng được bán giá rẻ thì hãy mua vào rồi ngổi chờ đến khi nó tăng giá thì bán ra

Hiện tại Chính phủ đang quyết tâm giữ cho nền kinh tế tăng trưởng và vì vậy thị trường chứng khoán sẽ giữ vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn của nền kinh tế nên nó đang được hoàn thiện để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Vậy bạn nào muốn thử sức đầu tư trên thị trường chứng khoán thì hãy mạnh dạn tham gia. Thị trường chứng khoán sẽ luôn có cơ hội cho những nhà đầu tư biết học hỏi, kiên trì trong phương pháp đầu tư của mình và đặc biệt là học từ chính những sai lầm của mình và của người khác.

Hà Duy Trí

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên