Thiên tài Leonardo da Vinci và những bí mật không phải ai cũng biết
Leonardo da Vinci, một thiên tài, một nhà sáng chế vĩ đại trong lịch sử nhân loại, và hơn thế nữa, ông còn là nguồn gốc của rất nhiều bí ẩn cho tới giờ vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Leonardo da Vinci, một thiên tài, một nhà sáng chế vĩ đại trong lịch sử nhân loại, và hơn thế nữa, ông còn là nguồn gốc của rất nhiều bí ẩn cho tới giờ vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Tác phẩm Mật mã Da Vinci là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về những huyền thoại và những truyền thuyết xung quanh nhân vật này, tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Đã vài trăm năm trôi qua kể từ thời kỳ của Da Vinci, và nhiều thứ giờ đây chỉ đơn giản là không thể kiểm chứng được. Hãy cùng Genk điểm qua một số bí ẩn xung quanh nhân vật này trong bài viết dưới đây.
Leonardo – Kẻ dị giáo
Theo nhiều tác giả của các tiểu thuyết lịch sử, Da Vinci là một kẻ dị giáo. Bằng chứng rõ ràng nhất của giả thuyết này có lẽ được ẩn giấu trong tác phẩm Bữa tối cuối cùng, tác phẩm mà nhiều người cho rằng Da Vinci đã tự mình bày tỏ niềm tin vào việc Christ đã kết hôn với Mary Magdalene. Người phụ nữ này được nhận diện thông qua hình ảnh một tông đồ với những đường nét của một người phụ nữ và ngồi phía bên phải chúa Jesus.
Ngoài ra, cũng có những bằng chứng khác ủng hộ giả thuyết này, đó là việc Da Vinci, vô tình hay cố ý vẽ thiếu đi cốc rượu lễ, biểu tượng của lễ ban thánh thể, cùng với đó là sự hiện diện của một bàn tay kỳ quái – bàn tay không hề thuộc về ai trong bức tranh đang giữ chặt một con dao.
Vậy sự thật là gì? Trên thực tế, bức tranh Bữa tối cuối cùng, bức bích họa vốn được trang hoàng tại tu viện Santa Maria delle Grazie tại Milano, Italy là tác phẩm được Da Vinci lấy cảm hứng từ sách Phúc âm của John, và bản phúc âm này không hề đề cập tới cốc rượu thánh thể hay bất cứ một lễ ban thánh thể nào. Thêm vào đó, bàn tay cầm dao thuộc về Thánh Peter (chi tiết này được làm rõ sau khi bức họa được khôi phục về trạng thái gần với nguyên bản nhất), và dùng để ám chỉ một đoạn trong sách Phúc âm, khi Peter cắt tai một kẻ phụng sự thuộc High Priest.
Và cuối cùng, những chi tiết có phần nữ tính của tông đồ ngồi phía bên phải Jesus có thể được giải thích bằng tính thời đại trong cách ăn mặc – khi những tông đồ trẻ tuổi của Jesus phải để tóc dài và xử sự một cách hiền lành, hòa nhã.
Những biểu tượng bí truyền
Không hẳn là một kẻ dị giáo, nhưng chắc chắn Da Vinci cũng không phải là một người sùng đạo. Rất có khả năng Da Vinci đã được tiếp xúc với những ý tưởng mà tại thời điểm đó được coi là dị giáo, như triết học Platon hay học thuyết Gnostic. Học thuyết Gnostic tôn sùng nữ thần Sophia – biểu tượng của tác phẩm Leda đã thất lạc. Trong một số bản sao chép còn lại, nữ thần này được nhìn thấy như là một “quả trứng khổng lồ”, từ đó sinh ra nhân loại.
Thuyết Gnostic cũng tin vào việc chúa Jesus có hai dạng tồn tại, phần xác thịt đã chết trên thánh giá, và phần còn lại chỉ là linh hồn. Một bức họa nổi tiếng khác của Da Vinci, Virgin of the Rocks cho thấy 2 đứa trẻ rất giống nhau, có lẽ đứa trẻ thường được nhắc đến với cái tên John the Baptist thực ra chính là người anh em song sinh của Jesus, và danh tính của ông đã bị thay đổi nhằm tạo sự chấp thuận trong cộng đồng Thiên chúa giáo. Hoặc có lẽ, 2 đứa trẻ này chỉ là một người duy nhất. Không ai có thể nói chính xác được giả thuyết nào là chính xác nhất.
Da Vinci có phải là thành viên của Tu viện Sion?
Cuốn tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci” là một chuyến phiêu lưu dài xung quanh những bí ẩn và truyền thuyết về Tu viện Sion, người lưu giữ những bí ẩn và khám phá của các Hiệp sĩ dòng đền. Dan Brown cũng liên tục đề cập đến việc, nhiều nhân vật nổi tiếng rất có thể là thành viên của hội kín này, ví dụ như Isaac Newton, Victor Hugo, và tất nhiên, Leonardo Da Vinci.
Trên thực tế, tổ chức này được sáng lập ra bởi một người Pháp có tên là Pierre Plantard vào năm 1956. Plantard lấy tên Tu viện Sion dựa trên một ngọn đồi phía trên Annemasse, nơi ông lên kế hoạch dựng lên một nơi ẩn dật. Về bản phả hệ có liên quan đến Chúa Jesus, đây thực chất là bản phả hệ được sao chép lại từ một bản phả hệ khác được tìm thấy vào năm 1915 tại Mỹ bởi Harvey Spencer Lewis, người có quan hệ thân thiết với Plantard.
Plantard ra sức củng cố bản phả hệ này nhằm mục đích chứng minh ông là hậu duệ của dòng dõi Merovingian, người thừa kế của một triều đại đã biến mất trong bụi mù lịch sử, từ đó cho ông nhiều lợi thế và cơ hội hơn trên con đường chính trị của mình. Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực.
Kỹ thuật viết phản chiếu
Da Vinci sở hữu một kỹ thuật viết lách khá “dị”: ông thường viết từ phải sang trái và từ trang cuối trở lên. Sự lập dị này thường được phiên giải ra như là một cách sắp đặt riêng của Da Vinci, nhằm biến các khám phá và công trình của ông trở nên bí ẩn và khó hiểu với những người khác. Những người cho ông là dị giáo thì gọi đây là hành vi của quỷ dữ, bởi tính trái ngược dị thường của nó.
Trên thực tế, đây là một cách viết tự phát của Da Vinci. Thần kinh học hiện đại đã cho thấy, đây là một thói quen thường gặp ở những người thuận tay trái, thói quen này sẽ phát sinh trong tầm tuổi thiếu niên, và sẽ duy trì nếu không được sửa chữa – như trong trường hợp của Da Vinci.
Ai mới thực sự là Mona Lisa?
Danh tính của người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới, từ lâu đã là chủ đề được đưa ra tranh cãi. Mặc dù các bằng chứng đưa ra chưa rõ ràng, nhưng nhiều tác giả cho rằng, người phụ nữ đó thuộc gia tộc Sforza, có tên là Catherine, hoặc mẹ nàng, Caterina Buti del Vacca, hoặc thậm chí là người chị Bianca. Một số người thì cho rằng, đây là bức tranh tự họa của Da Vinci, khi những phân tích trên máy tính cho thấy nhiều điểm tương đồng giữa 2 khuôn mặt.
Giả thuyết được chấp nhận nhất cho đến nay là người phụ nữ này chính là Lisa Gherardini. Bà là vợ của Francesco del Giocondo (hay Gionconda, trùng với tên gọi khác của bức tranh). Một nghi vấn khác khó xác minh hơn là địa điểm của bức tranh. Cây cầu bên phải dường như khắc họa lại một cây cầu tại Buriano, gần Arezzo, nhưng nhiều khả năng đây chỉ là một khung cảnh được Da Vinci dựng lên nhờ trí tưởng tượng của mình.
Những gì còn sót lại?
Lăng mộ của Da Vinci đã không còn tồn tại, và không ai biết giờ xương cốt của ông đang nằm tại đâu. Sau khi qua đời, ông được chôn tại nhà thờ Saint Florentin tại Amboise, Pháp. Nhưng đến năm 1802, do tác động của thời gian, và đặc biệt là sự phá hủy do cuộc chiến Cách mạng Pháp, nhà thờ này đã bị phá hủy. Gạch và đá từ các lăng mộ , sau đó đã được sử dụng để phục hồi lại nhà thờ, còn các hài cốt được di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau.
Cho đến năm 1863, thi sĩ người Pháp Arsene Houssaye đã tìm ra một bộ hài cốt gần như còn nguyên vẹn, với một cách tay bị uốn cong và một hộp sọ rất lớn. Cách đó không xa, ông cũng phát hiện ra những mảnh vỡ của một phiến đá đã bị xóa mờ gần nửa, với những dòng chữ còn đọc được là EO DUS VINC. Liệu đó có phải tên của Da Vinci trong tiếng Latin, LEONARDUS VINCIUS? Đồng thời, bộ hài cốt này cũng được tìm thấy trong một lâu đài nằm tại Amboise, không xa nơi ông được chôn cất ban đầu.
Có lẽ, điều nghi vấn này, cũng như tất cả các nghi vấn khác xung quanh cuộc đời phi thường của Leonardo Da Vinci, sẽ mãi chỉ là những câu hỏi không có lời giải đáp.
Tham khảo: csicop
Tri Thức Trẻ