MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn đang nắm đuôi rắn?

24-01-2013 - 15:47 PM |

(CafeBiz) Với sự tham ái, tâm của bạn nắm giữ cái mà nó ưa thích. Điều đó giống với việc bạn chỉ đang nắm giữ cái đuôi con rắn, và chẳng bao lâu đầu rắn sẽ quay trở lại cắn bạn.

Achaan Chah (có sách viết Ajahn Chah), một vị thầy tâm linh xuất chúng người Thái Lan một lần nói với một vị tăng mới thụ giới:

- Người tu hành không nắm giữ một thứ gì cả.

Vị này liền phát biểu: 

- Nhưng đôi khi có vài thứ cần phải nắm giữ chứ!

Achaan Chan trả lời:

- Đúng thế! Nhưng nắm bằng tay chứ không phải bằng tâm.

Theo lý giải của ông, khi tâm nắm giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn cả. Với sự tham ái, tâm của bạn nắm giữ cái mà nó ưa thích. Điều đó giống với việc bạn chỉ đang nắm giữ cái đuôi con rắn, và chẳng bao lâu đầu rắn sẽ quay trở lại cắn bạn.

Hãy để chính niệm (sự hiểu biết đúng đắn, có trí tuệ của người giác ngộ) và sự không tham ái làm người canh giữ tâm mình. Điều này có thể giống với việc cha mẹ canh giữ con cái. Khi sự yêu ghét đến réo gọi bạn: “Ba ơi, con thích đi tàu lượn. Ba ơi, con thích một con voi thật to. Con ước có iPhone để gọi điện cho ông già Noel,…”

Lòng tham con người thực chất cũng thất thường, “sớm nắng chiều mưa” như những đòi hỏi nhiều khi vô lý của lũ trẻ. Điều quan trọng chúng ta phải nhận diện được nó. Tất cả đều không quan trọng nếu bạn để mọi việc đến rồi đi một cách tự nhiên mà không nắm giữ. 

Nhận diện sự tham ái

Khi các giác quan tiếp xúc với sự vật, yêu ghét sẽ phát sinh và si mê đi liền theo sau. Nhưng đừng sợ sự tiếp xúc này. Đừng lảng tránh những nơi có nhiều thứ tiếp xúc với giác quan của bạn. 

Giác ngộ không có nghĩa là điếc và mù. Nếu người hành thiền cứ mải lo đọc thần chú để không đẩy lùi mọi thứ, bạn có thể bị đâm xe mà không hay. 

Hãy luôn tỉnh thức để không bị lừa gạt. Khi ai đó khen ngợi: “Bạn thật tài giỏi”, hãy tự nhủ: “Không phải thế”. Khi người khác nói: “Công ty bạn gây dựng thật đàng hoàng, to đẹp, đáng mơ ước”. Hãy nhủ rằng: “Không phải vậy. Ta cần nỗ lực hơn nữa”. Đừng bao giờ để sự tham đắm trong tâm mình dính mắc bởi những phán xét của thiên hạ. Cứ để mọi việc trôi qua như một lẽ đương nhiên.

Một số người, ngay cả những chủ doanh nghiệp không bao giờ nghĩ đến chuyện bố thí. Họ sợ bị mất đi một khoản ngân sách, sợ không đủ nguồn lực để chăm sóc cho chính họ. Muốn trưởng dưỡng tâm bố thí, người hành thiền cần đè nén tâm tham lam. Từ đó, bản chất sự thật của chúng ta mới hiển lộ, cuộc sống con người mới nhẹ nhàng, tự tại hơn.

Đôi nét về đại sư Achaan Chah



Achaan Chah, được xem như một trong những vị thầy tâm linh xuất chúng trong thời đại của ông, đã khích lệ và hướng dẫn vô số người hành thiền và đến với lối sống Phật giáo. 

Sinh ra trong một gia đình nông dân tại miền đông bắc Thái Lan vào năm 1918, ông bước vào con đường xuất gia lúc chín tuổi. Vài năm sau khi cha mất, ông từ bỏ cuộc sống an ổn ở tu viện, dấn thân vào cuộc sống của một du tăng khất sĩ, dành trọn thời gian tập thiền. Ông từng sống trong rừng, hang động và những nhà hỏa táng.

Năm 1975, ông thành lập một thiền viện dành cho người phương Tây muốn học tập đời sống xuất gia. Lối giảng dạy giản dị, nhưng sâu sắc, khôi hài của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều phật tử nổi tiếng người phương Tây.

Ông viên tịch vào năm 1992, nhưng các đệ tử vẫn nối nghiệp ông và tiếp tục truyền giáo tại hơn 200 thiền viện ở khắp nơi trên thế giới.

Diệp Vi (tổng hợp)

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên