MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân đi học thiền

01-01-2012 - 00:00 AM |

Ba ngày "cách ly" điện thoại, đồng hồ..., chị Bạch Vân, giám đốc điều hành một công ty tại TP HCM ngỡ mình không thể quen nổi vì còn rất nhiều việc chờ chị.

Song, khi khóa học tĩnh tâm kết thúc, chị nhận ra mình được nhiều điều hơn thế...

Mắt nhắm nghiền, tâm thả lỏng, tai lắng nghe âm thanh của thiên nhiên: tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, nước chảy róc rách là bài học thinh lặng trong khóa học tĩnh tâm trên đỉnh đồi thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Khóa học dành cho 58 nữ học viên kéo dài 4 ngày (từ 19 đến 22/6) với những phần học về tĩnh lặng, tìm lại giá trị đích thực của bản thân, tìm kiếm lý tưởng cuộc đời, cách đối nhân xử thế… thu hút nhiều người thuộc những tầng lớp xã hội, ngành nghề khác nhau tham gia.

Nữ doanh nhân Bạch Vân, 35 tuổi cho biết, do bị căng thẳng vì áp lực công việc nên chị đăng ký tham gia khóa học để tinh thần được thư thái.

Là giám đốc, ngày thường chị Vân dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi lần đi du lịch với gia đình, chị đều canh cánh nỗi lo cho công ty. Trung bình mỗi ngày chỉ có gần 5 giờ để ngủ, lại thêm công ty làm ăn thua lỗ từ cuối năm ngoái khiến chị suy nghĩ rất nhiều và bị stress nặng.

Điều khó khăn nhất đối với các tham dự viên trong khóa học tĩnh tâm này là không được sử dụng điện thoại, đồng hồ, máy chụp hình, máy nghe nhạc hay trang sức. Tất cả những vật có giá trị đều được cất kỹ trong một phong bì và trả lại cho tham dự viên sau 3 ngày học.

Đối với chị Vân, ban đầu thật khó khăn để làm quen với quy định này vì ở công ty còn rất nhiều việc chờ chị chỉ đạo. Tuy nhiên sau khi khóa học kết thúc chị nhận ra, nhờ quy định đó mà chị tìm được những giây phút tĩnh tại thực sự. “Giờ nghĩ lại tôi mới thấy thích nhất là không có điện thoại và đồng hồ bên cạnh, những cái vốn làm cho cuộc sống của tôi hối hả hơn. Ở đây không có khái niệm về thời gian, không gian, chỉ có những tiếng chuông nhẹ vang nhắc nhở tham dự viên đến giờ ăn cơm, ngủ hoặc tắm rửa thật là thú vị”.

Chị cũng cho biết: “Thích nhất bài học về tĩnh lặng. Nó giúp mình có một trạng thái tinh thần thoải mái, không nghĩ tới những việc linh tinh, gạt bỏ những ý nghĩ xấu. Nhờ có thời gian tĩnh tại mà mình hiểu hơn những giá trị mà mình đang có để biết quý trong những giây phút sống hiện tại. Qua đó mình nhận ra mục tiêu của cuộc đời và khi trở lại về nhà, mình sẽ tập trung sức lực để thực hiện mục tiêu này”.

Chị Trang, nhân viên một công ty thuộc tỉnh Đồng Nai cho biết, từ lâu chị ý thức tâm tĩnh là việc làm rất quan trọng và cần phải được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên do tính chất công việc cùng với những lo toan cho gia đình nên chị không có nhiều thời gian ngồi thiền. Hơn nữa ở nhà chị không có không gian yên tĩnh đủ để tĩnh tâm nên chị đăng ký khóa học vì hy vọng việc làm đúng phương pháp sẽ có hiệu quả hơn.

Chị Trang chia sẻ: “Có những lúc đầu tôi muốn nổ tung bởi cuộc sống hối hả, vừa mở mắt ra là đi làm, buổi trưa không được ngủ, đến tối về lại bận bịu với cả đống việc gia đình mãi đến khuya mới lên giường ngủ. Đã vậy mỗi lần đọc báo hoặc nghe thấy nơi đâu có những tai nạn, thảm họa, động đất càng làm tâm trí tôi căng thẳng hơn. Vì thế nhiều khi tôi hay gây chuyện vô cớ với chồng ".

Chị Trang cho biết những bài học tĩnh tâm giúp tâm trí chị thoải mái, nhẹ nhàng hơn và sẵn sàng trở về nhà để làm những công việc với cảm giác tích cực hơn.

"Ba ngày vừa qua tôi cảm nhận như trái đất đang quay chậm lại, ngày và đêm như dài hơn nên tôi có nhiều thời gian để nghĩ về bản thân và những mối quan hệ với mọi người. Tôi nhận ra những thiếu sót mà bản thân cần phải khắc phục để sống tốt hơn vì cuộc sống thật đáng quý”, chị tâm sự.

Trên thực tế, cuộc sống hiện đại căng thẳng khiến nhiều người không có thời gian tham gia các lớp học tĩnh tâm như thế này. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa giáo dục trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì “mỗi người có thể tìm ra cách tĩnh tâm cho riêng mình và việc này có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi”.

Theo bà Hồng, ngoài những khóa học chuyên thì mỗi người có thể tĩnh tâm bằng phương pháp tự giác như uống một ly cà phê, nghe một bản nhạc hoặc dùng vài phút ngồi ngắm thiên nhiên, phong cảnh, ngồi thiền, yoga, tập thể thao… Tuy nhiên có một nguyên tắc bất di bất dịch trong tĩnh tâm là phải để cho tâm trí phải thoải mái, gạt bỏ mọi suy tư, toan tính sẽ giúp người ta đạt tới trạng thái tinh thần trong sáng, tĩnh tại.

Bà Hồng cho rằng, nếu thể xác cần được tắm rửa mỗi ngày thì tinh thần cũng cần được thư giãn sau những giờ hoạt động mệt mỏi, vội vã.

Việc tĩnh tâm sẽ giúp cân bằng giữa hai mặt của một con người xã hội và con người cá nhân. Nhờ đó ta có thể thưởng thức những giá trị của sự bình an, sảng khoái ngay trong thực tại. Ngoài ra tĩnh tâm còn giúp cho tư duy của con người trở nên sáng rõ hơn. Vì thế, mỗi khi có việc gì khó khăn, đầu óc căng như dây đàn, ta không nên giải quyết vội mà nên dành ít thời gian ngồi tĩnh lặng nhìn lại mọi việc. Chính hành động này sẽ giúp có những suy nghĩ và quyết định đúng đắn hơn.

“Hậu quả của lối sống vội vã, gấp rút ngày nay khiến con người dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh, dẫn đến trạng thái bi quan, bế tắc khi trước khi tìm ra phương pháp giải quyết khó khăn. Vì thế việc thiếu những giờ tĩnh tâm khiến người ta dễ có những hành vi tiêu cực, bạo lực và tự tử”, bà Hồng khẳng định.

Theo Ngoan Ngoan
Vnexpress

tanhoa

Trở lên trên