MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường

01-03-2023 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường

Tại các trung tâm đào tạo lái xe đã lắp đặt cabin mô phỏng, các học viên rất háo hức khi lần đầu được làm quen với thiết bị này. Việc được trải nghiệm đầy đủ các tình huống thực tế ngoài đường giúp học viên nâng cao kỹ năng lái xe so với chương trình đào tạo trước.

Cảm giác như lái xe thật

Trong khu vực đào tạo lái xe của một trung tâm, rất nhiều học viên háo hức chờ tới lượt để lần đầu trải nghiệm cabin mô phỏng vOTO của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Chị Trần Thu Giang (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa từng lái ô tô thật, nên việc được làm quen với cabin mô phỏng khiến chị cảm thấy an toàn và thoải mái hơn.

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường - Ảnh 1.

Hệ thống bài tập của vOTO phong phú, mô phỏng các tình huống giao thông bất ngờ có thể xảy ra, giả lập các kiểu thời tiết, địa hình đặc trưng của Việt Nam để học viên có kinh nghiệm thực tế

Đã nghe nhiều thông tin về chuyện cabin mô phỏng trên báo đài cũng như xem cả video, sau khi trải nghiệm thực tế, chị Giang nhận xét: "Cabin mô phỏng mang lại trải nghiệm rất tốt cho tôi, cảm giác như đi xe thật". Cabin mô phỏng cho phép người dùng thử tay lái trên các loại địa hình và thời tiết như đường đèo, đường đồi núi, sương mù, qua phà, đường đầm lầy, đường ngập nước,… Những tình huống này với lái mới, kể cả khi có bằng nhưng chưa lái vững cũng không dám thử, bởi khá nguy hiểm. Công nghệ mới giúp học viên không còn cảm giác mơ hồ, sợ hãi khi ngồi sau vô lăng, cảm thấy tự tin hơn khi bước vào kì thi sát hạch, tiết kiệm chi phí thi lại, cũng như nhanh chóng lái được thực tế khi đã được cấp bằng lái.

Đã có nhiều tranh luận xung quanh việc Bộ Giao thông và Vận tải quyết định nội dung bắt buộc học lái trên cabin mô phỏng để học viên đủ điều kiện dự thi lấy bằng. Tuy nhiên, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam giải thích : "Từ kinh nghiệm của ngành hàng không, hàng hải, việc yêu cầu áp dụng cabin điện tử là tình thế bắt buộc phải đưa vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, giúp học viên làm quen với các cung đường, điều kiện thời tiết, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện để tham gia giao thông an toàn".

Trải nghiệm thực tế, anh Nguyễn Danh Hưng (30 tuổi, Bắc Giang) nhận xét: "Mô hình mang lại cảm giác như thật nhưng có độ nhạy cao hơn so với xe thật. Người mới học lái cần phải rất tập trung quan sát". 

Quan sát học viên sử dụng cabin mô phỏng, một giảng viên giấu tên đánh giá, các tình huống xảy ra rất gần với thực tế ngoài đường, nên tin chắc học viên sẽ nâng cao được kỹ năng lái xe, so với chương trình đào tạo trước.

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường - Ảnh 2.

Nhà cung cấp trong nước sẵn sàng 

Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, các trung tâm chỉ được mua cabin của các nhà cung cấp được Bộ chứng nhận hợp quy. vOTO của VHT là cabin mô phỏng do Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, đáp ứng quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT. Việc Viettel sở hữu công nghệ lõi "Hệ cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo trợ lực hằng số" được cấp bằng sáng chế tại Mỹ năm 2020 đã giúp cho sản phẩm có chất lượng mang tầm quốc tế. Sự khác biệt của vOTO là có thể tùy biến linh hoạt sản phẩm theo yêu cầu của từng trường lái và sẵn sàng cập nhật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường - Ảnh 3.

Thiết bị vOTO đáp ứng quy chuẩn QCVN 1062020BGTVT, sẵn sàng trang bị cho các cơ sở đào tạo lái xe.

Khác với các sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc thường không thân thuộc về giao diện và giảm tính ứng dụng thực tế với học viên, vOTO có hệ thống bài tập, hệ thống biển báo vạch kẻ đường được áp dụng theo quy chuẩn thiết kế của Việt Nam, tăng hiệu quả học cho học viên.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người học, thiết bị này sẽ giúp các trung tâm đào tạo tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong việc đào tạo. Điển hình là khi so sánh với sản phẩm ngoại nhập: thường mất chi phí trong việc thay đổi về giao diện, khó đáp ứng sự thay đổi của các tiêu chuẩn, các quy định hợp chuẩn... Thêm đó, chi phí đầu tư cabin không nhỏ, nên chế độ bảo hành, bảo trì thiết bị sau bán sẽ là yếu tố kinh tế quan trọng để các trường cần cân nhắc. Sản phẩm trong nước sẽ có ưu thế trong quá trình trao đổi, các chính sách sau bán phù hợp, đảm bảo quá trình sử dụng lâu dài của thiết bị, xứng đáng với chi phí đầu tư.

Sau khi sử dụng cabin mô phỏng vOTO Viettel ở trường dạy lái, anh Nguyễn Danh Hưng đánh giá: "Sản phẩm có thiết kế như một chiếc xe thật với vô lăng, cần số, côn, bàn đạp ga, phanh… cùng đồng hồ hiển thị vận tốc, vòng quay, mức nhiên liệu tiêu thụ… Mỗi khi đi qua địa hình gồ ghề, xe mang lại cảm giác xóc tùy nhịp độ, giật nảy rất thật, giúp lái xe có phương thức xử lý tình huống kịp thời."

Thiết bị ca bin mô phỏng vOTO giúp học viên tự tin lái xe ra đường - Ảnh 4.

vOTO của Viettel cho thấy nhiều ưu điểm nổi trội cho cơ sở đào tạo lái xe, người học và cả xã hội.

vOTO có tính năng đăng nhập phiên học cabin mô phỏng bằng cách sử dụng hệ thống thẻ của Viettel hoặc hệ thống thẻ đang được dùng của trung tâm đào tạo, để điểm danh lý thuyết, tự động thông báo cho học viên và nhà quản lý khi học viên hoàn thành đủ thời lượng 3h học theo yêu cầu.

Đại diện của VHT cho biết: "Trong quá trình chuyển dịch từ quân sự sang lĩnh vực dân sự và lưỡng dụng, Viettel đã có kinh nghiệm để xây dựng hệ thống mô phỏng đào tạo lái xe ô tô vOTO. Viettel luôn sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Giao thông và Vận tải xây dựng, phát triển nền giao thông số thông minh".

Ánh Dương

Trí thức trẻ

Trở lên trên