Thiếu điện, cần xem xét trách nhiệm của cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Ngày 13/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cho biết, cả đời làm nghề tôi chưa từng chứng kiến cảnh thuỷ điện trên toàn quốc đồng loạt hết nước vì hạn hán như hiện nay. Nếu không có nước về trong những ngày tới, rất khó nói điều gì sẽ xảy ra.
- 14-06-2023Thêm 2 nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại
- 13-06-2023Ồ ạt làm điện mặt trời rồi 'đắp chiếu'
- 12-06-2023Động lực phát triển bền vững từ Quy hoạch Điện VIII
Hồ Hòa Bình chỉ còn hoạt động được trong 12 ngày
Theo ông Phạm Văn Vương, thủy điện Hòa Bình là bậc thang cuối cùng trên hệ thống sông Đà với công suất 1.920 MW và là thuỷ điện lớn cuối cùng ở khu vực miền Bắc vẫn còn hoạt động. Nếu nguồn nước về hệ thống sông Đà không được cải thiện trong những ngày tới, rất khó có thể xác định chuyện gì sẽ xảy ra với hệ thống điện. Khi đó, chỉ có Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới trả lời chính xác được.
“Hiện nước trong hồ thuỷ điện chỉ còn đủ chạy khoảng 12 ngày chạy hết công suất và sau đó phải dừng máy”, ông Vương cho biết.
Giám đốc Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình cũng cho biết, thời tiết năm nay rất bất lợi cho thuỷ điện. Năm 2022, lượng điện sản xuất của nhà máy tương đối thấp nhưng năm nay còn thấp hơn. Đã qua 6 tháng đầu năm nhưng sản lượng phát điện của nhà máy chỉ đạt 3,5 tỷ kWh, bằng 37% kế hoạch năm. Với tình hình thuỷ văn hiện nay, việc đảm bảo kế hoạch sản lượng điện năm dự báo rất khó khăn nếu nhìn vào kế hoạch cả năm là 9,832 tỷ kWh mà tập đoàn giao.
“Thuỷ điện Hoà Bình từng xuống mực nước chết nhưng các nhà máy ở miền Bắc đồng loạt xuống mực nước chết như vậy thì tôi chưa bao giờ được chứng kiến”, ông Vương nói.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, ngày 13/6 ở miền Bắc đã có mưa vừa đến mưa rất to, có nơi trên 100mm. Mưa ở thượng nguồn đã giúp tổng lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn miền Bắc tăng 28% so với lưu lượng nước về ngày 11/6/2023, chủ yếu về các hồ Hòa Bình và Lai Châu. Mưa đã giúp mực nước hồ thủy điện Lai Châu tăng 1,2m so với ngày 11/6/2023.
Thời gian qua, do phải đảm bảo cấp điện, mực nước trong hồ đã xuống rất nhanh và đang xuống gần mực nước chết. Vấn đề khó nhất với những người vận hành thuỷ điện Hòa Bình lúc này chính là không thể khai thác cấp tập, hoặc vận hành tối đa công suất của nhà máy. Ước tính nếu vận hành các tổ máy với công suất phát tối đa 46-47 triệu kWh/ngày, thuỷ điện Hoà Bình sẽ chỉ còn hoạt động được trong vòng 12 ngày thì sẽ về mực nước chết và không thể vận hành sau đó.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, cơ quan quyết định việc đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, bên cạnh trách nhiệm của EVN, Bộ Công Thương, cũng cần xem xét cả trách nhiệm rất lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý toàn diện về nhân sự, vốn của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm duyệt vốn đầu tư, đốc thúc, giám sát việc triển khai cũng như tham gia cả thu xếp vốn để triển khai các dự án của EVN cũng như TKV, PVN cùng các đơn vị khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, bên cạnh trách nhiệm của EVN, Bộ Công Thương, cũng cần xem xét cả trách nhiệm rất lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Phải thừa nhận trách nhiệm hiện nay là Bộ Công Thương đưa ra quy hoạch, phát triển nguồn nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới là cơ quan quyết việc đầu tư, chi tiền đầu tư của EVN.
Nếu không được ủy ban này duyệt, EVN hay Bộ Công Thương cũng không thể nhúng tay vào làm thay. Phải nói rõ, việc phê duyệt dự án, để các dự án điện đầu tư triển khai chậm tiến độ không thể không có vai trò và trách nhiệm của Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, về mặt quản lý, tất cả các hoạt động, vận hành và đầu tư của EVN đều phải báo cáo đồng thời cho Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì vậy ủy ban này đương nhiên cũng phải tích cực đồng hành với các cơ quan trong việc tham gia giải quyết cũng như chịu trách nhiệm cho việc thiếu điện hiện nay.
“Với các dự án, nếu ủy ban không duyệt chủ trương, hoặc duyệt dự án chậm thì không thể đổ lỗi cho EVN. Tương tự, Bộ Công Thương nếu không duyệt quy hoạch thì cũng không phải lỗi của ngành điện”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm là phải làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cơ quan, bộ ngành trong việc để thiếu điện, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, cắt điện luân phiên trên diện rộng tại miền Bắc những ngày vừa qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo ông Thiên, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì vai trò của ủy ban liên quan đến chuyện đầu tư kinh doanh, triển khai dự án rất lớn. Đây không phải là trách nhiệm của Bộ Công Thương quản lý nữa.
Theo đó, cần xem lại vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc “tổng quản” đầu tư các dự án điện cũng như cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước trong việc đảm bảo cấp điện ra sao?
Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề về tài chính, nhân lực, chiến lược phát triển của EVN và các doanh nghiệp khác như TKV, PVN trong việc đầu tư dự án để không xảy ra tình trạng chậm tiến độ, dẫn đến thiếu điện, thiếu nguồn.
Tiền phong