MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp tại ĐBSCL

29-08-2019 - 18:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, thiếu khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh… là những nhận định tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức ngày 29/8 tại Cần Thơ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, tín dụng của khu vực ĐBSCL những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015-2018. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624.000 tỷ đồng, tăng 7,76% so với thời điểm 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%).

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.K

Tuy nhiên, theo ông Tú, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với DN, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn, trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, tại Việt Nam hiện nay DN vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm đến 97% tổng số DN. Các DN này hiện đang sử dụng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các DNVVN hiện nay là thiếu vốn.

Nhiều DNVVN không có tài sản đảm bảo hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, thiếu khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Đa số DN cho rằng vay vốn từ ngân hàng không dễ, điều kiện vay của các DN luôn không đủ, còn các ngân hàng thì luôn đảm bảo tính an toàn cao.

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp tại ĐBSCL - Ảnh 2.

Nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hoạt động tín dụng đối với DN, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại một DN ở ĐBSCL. Ảnh: C.K

Ông Đoàn Huỳnh Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang cho biết, công ty của ông có nhu cầu vốn bình quân trên 1.300 tỷ đồng/năm, trong đó nguồn vốn tín dụng bình quân trên 1.000 tỷ đồng, cho thấy vốn tín dụng chiếm vị trí rất quan trọng trong hoạt động của công ty.

Nhưng DN khi tiếp cận nguồn vốn vay là phải có tài sản đảm bảo, trong khi tài sản cố định của DN có giới hạn, không đủ thế chấp. Theo ông Dũng, ngân hàng cần linh hoạt hơn trong cơ chế cho vay. NHNN cần có cơ chế điều hành quản lý giá ngoại tệ ổn định giúp DN không bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh theo phương án đã xây dựng…


Theo Cảnh Kỳ

Tiền phong

Trở lên trên