MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu tiền, EVN xin giãn nợ tiền mua than

17-05-2023 - 18:07 PM | Doanh nghiệp

Thiếu tiền, EVN xin giãn nợ tiền mua than

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than trong khi năm 2022, nhiều công ty con của EVN vẫn báo lãi lớn.

Theo EVN, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.

Vì vậy, EVN mong muốn TKV và Tổng công ty Đông Bắc tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho EVN giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện.

EVN cũng có văn bản tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đề xuất vay 52.000 tấn than mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp nhận về cảng, để sử dụng nguồn nhiên liệu này cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.

EVN cho biết, giá than nhập khẩu đã tăng 3 lần so với năm 2022 khiến chi phí sản xuất điện tăng lên 47.000 tỉ đồng trong năm 2022; giá khí ăn theo giá dầu cũng tăng 5.500 tỉ đồng… Từ ngày 4-5, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT); mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3%, EVN ước thu về 8.000 tỉ đồng và chỉ đủ bù phần nào khoản lỗ 31.300 tỉ đồng EVN đang gánh.

Hiện nay, theo EVN, trước diễn biến nắng nóng kéo dài, các hồ thủy điện hiện thiếu nước, còn nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh, xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5-2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5-2022.

Trong khi đó, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện đang gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.

EVN lỗ lớn trong khi công ty con lãi to

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) báo lỗ hơn 26.000 tỉ đồng và tiếp tục lỗ trong quý 1/2023.

Thậm chí, theo công bố từ Bộ Công thương, trong khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng của năm vừa qua vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Cụ thể, các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện từ năm 2019 - 2022 khoảng hơn 14.700 tỉ đồng. Như vậy nếu cộng khoản này thì số lỗ của EVN sẽ gia tăng đáng kể.

Đáng chú ý, cũng trong năm 2022, hầu hết các công ty điện trên cả nước, thậm chí cả những công ty con của EVN, đều báo lãi lớn.

Có thể kể đến như trường hợp của Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 3.084 tỉ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỉ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó. Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 53,54%. Hiện Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) là công ty con của Tập đoàn EVN nắm giữ gần 31% vốn tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP thủy điện Thác Bà cũng có 30% vốn của EVNGENCO3 báo đạt doanh thu hơn 742 tỉ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 378,7 tỉ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021.

Bên cạnh các doanh nghiệp thủy điện, các công ty nhiệt điện cũng đều báo lãi như trường hợp của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỉ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2021 đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm. Hiện Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN sở hữu 40% vốn tại công ty này…

Đáng chú ý, những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của Tập đoàn EVN cũng đều ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao.

Có thể dẫn chứng trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), cả năm 2022 doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỉ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm.

Tương tự, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) cũng công bố năm 2022 dù đối mặt nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; diễn biến thời tiết, thiên tai không theo quy luật tự nhiên, khó dự đoán... nhưng công ty đã đạt và vượt mọi chỉ tiêu kinh doanh.

Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2022, EVNGENCO 2 đặt kế hoạch đạt sản lượng gần 1,6 tỉ kWh; tổng doanh thu hơn 4.228 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.094 tỉ đồng. Kết quả hoạt động cả năm 2022 công ty chưa công bố nhưng báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy tính đến hết tháng 9.2022, EVNGENCO2 đã đạt doanh thu thuần tổng cộng hơn 18.142 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.668 tỉ đồng, gần gấp đôi kế hoạch đặt ra…

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, câu chuyện thua lỗ của EVN đã diễn ra nhiều lần trong khi các công ty điện vẫn liên tục báo lãi. Chi phí sản xuất, hoạt động vẫn cần công khai, minh bạch, nhất là khi EVN mới tăng giá điện bán lẻ. Giá điện tăng ảnh hưởng đến đời sống của toàn dân và cả nền kinh tế nên người dân muốn hiểu rõ câu chuyện là điều tất yếu.

Theo Lê Sáng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên