Thiếu vật liệu làm đường cao tốc Bắc - Nam: Vướng cơ chế đặc thù
Mặc dù đã có tới 2 nghị quyết được ban hành và nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhưng quá trình cấp phép mỏ vật liệu cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam vẫn còn nhiều vướng mắc.
- 24-12-2021VNDIRECT dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ và phân phối sẽ ra sao năm 2022?
- 24-12-2021Thu nhập bao nhiêu thì thuộc diện nghèo trên thế giới? 30 triệu đồng/tháng là 'dư giả' ở Việt Nam, nhưng chưa chắc đã đủ sống ở đất nước này
- 24-12-2021Địa phương có thu nhập bình quân đầu người ngoài top 5, nhưng lọt top 3 về thu nhập bình quân của nhóm giàu nhất
Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tuyến này vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu và biến động giá vật liệu. Nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu thì đường cao tốc Bắc - Nam sẽ đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Vì sao gỡ mà vẫn vướng?
Ngày 16-6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Nhiều vướng mắc về cơ chế cơ bản được tháo gỡ, kỳ vọng là "chìa khóa" giải quyết nút thắt về vật liệu phục vụ thi công dự án.
Song song với các nghị quyết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có nhiều buổi làm việc, chỉ đạo quyết liệt với các địa phương và cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc cung cấp VLXD thông thường. Các bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, nhất là việc thiếu VLXD để thi công. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện thủ tục ở các địa phương vẫn chồng chéo, quy trình phức tạp.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, để cấp phép khai thác VLXD thông thường đối với các mỏ cấp phép mới, cần rất nhiều thủ tục gồm: cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất… Việc hoàn thành đầy đủ quy trình mất rất nhiều thời gian, nhiều thủ tục phức tạp trong khi nhu cầu thi công đang rất cấp bách.
Tại tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đại diện doanh nghiệp dự án cho biết đã sẵn sàng nhân lực và vật lực nhưng vẫn chưa thể đẩy mạnh thi công do nguồn cung VLXD đang rất khan hiếm. Để xin được giấy phép khai thác, địa phương phải lấy ý kiến các bộ, ngành, sau đó trình xin ý kiến của HĐND. Tuy nhiên, thông thường mỗi năm HĐND chỉ họp 2 lần, nếu theo đúng quy trình, dự kiến sẽ mất 1 năm mới hoàn tất việc cấp phép. Điều này sẽ dẫn tới việc chậm trễ tiến độ trong khi dự án phải hoàn thành vào quý III/2024.
Đại diện doanh nghiệp dự án báo cáo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn tình hình thi công đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Để nghị quyết đặc thù phát huy hiệu quả
Trong chỉ đạo ngày 17-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 60/NQ-CP.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho các dự án.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho dự án theo Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP của Chính phủ.
Các nhà thầu/nhà đầu tư thi công phải chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên. Tiến độ xử lý các vướng mắc về nguồn vật liệu yêu cầu hoàn thành trước ngày 15-1-2022.
Trách nhiệm của các địa phương nếu để các dự án thiếu mỏ vật liệu cũng phải được làm rõ để làm căn cứ kiểm điểm trong hội nghị giao ban tiếp theo.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần "xắn tay áo", quyết liệt khắc phục những khó khăn, vướng mắc để dự án về đích đúng tiến độ.
Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ ban hành liên tục Nghị quyết 60 và mới đây là Nghị quyết 133. Trong đó: Nghị quyết 60 chỉ quy định cho phép các mỏ vật liệu thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được cấp phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Nghị quyết 133 đã điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60, cho phép địa phương được nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép. Nghị quyết 133 có thêm điểm mới là Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác.
Người lao động