MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoát chết nhờ đồng hồ đeo tay: Thụy Sĩ trở nên giàu có bậc nhất thế giới từ Thế chiến I như thế nào?

10-03-2017 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều người chắc hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi người đàn ông sáng lập ra Rolex cũng như đưa thương hiệu này thành nhãn hàng nổi tiếng thế giới lại không phải người Thụy Sĩ cũng như chẳng xuất thân từ thợ làm đồng hồ.

Khi thế kỷ 19 kết thúc, Thụy Sĩ đã trở thành một trong những nền công nghiệp sản xuất đồng hồ quan trọng nhất thế giới nhưng họ vẫn chưa phải là cường quốc đứng đầu trong mảng sản phẩm này. Khoảng thời gian 20 năm đầu thế kỷ 20 mới là lúc Thụy Sĩ vươn mình thành một nền kinh tế nổi tiếng với đồng hồ.

Nguyên nhân cho sự chuyển biến nhanh chóng này là nhờ Thế chiến I cũng như việc chuyển đổi sự tập trung từ đồng hồ bỏ túi hay đi biển sang loại đồng hồ đeo tay và những thiết bị tính giờ khác phục vụ cho chiến tranh. Nhờ đó, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã trở thành thế lực thống trị thế giới trong ngành chế tạo đồng hồ.

Minh chứng lớn nhất cho thành công này là thương hiệu Rolex với doanh thu thường niên khoảng 5 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, công ty tư vấn thương hiệu Interband đánh giá Rolex luôn nằm trong top 5 thương hiệu đồng hồ cao cấp danh tiếng nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhiều người chắc hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi người đàn ông sáng lập ra Rolex cũng như đưa thương hiệu này thành nhãn hàng nổi tiếng thế giới lại không phải người Thụy Sĩ cũng như chẳng xuất thân từ thợ làm đồng hồ.

Khi doanh nhân đi bán đồng hồ

Năm 1905, doanh nhân người Đức Hans Wilsdorf và nhà đầu tư người Anh Alfred Davis thành lập nên Wilsdorf & Davis, một hãng kinh doanh đồng hồ ở London-Anh.

Ông Hans là người rất nhạy bén với thời trang và nhận ra rằng kiểu áo gi lê dành cho nam giới đã lỗi thời vào lúc đó, qua đó chấm dứt kỷ nguyên thống trị của đồng hồ bỏ túi. Điều này đồng nghĩa với việc Wilsdorf & Davis phải tìm kiếm những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ đeo tay, vốn không thịnh hành thời đó.

Đây là một bước đi mạo hiểm bởi không có nhiều nhà máy sản xuất loại đồng hồ này, thay vào đó nhiều công ty chỉ tập trung sản xuất vào đồng hồ bỏ túi hay đồng hồ cho những người đi biển với đường kính lên tới 35cm, vốn khá lớn so với cổ tay mọi người.

Hơn nữa, một chiếc đồng hồ đeo tay phải thích nghi với nhiều chuyển động và hứng chịu nhiều lực chấn động hơn so với một chiếc đồng hồ bỏ túi trong áo gi lê. Thiết kế của chiếc đồng hồ đeo tay cũng phải nhỏ hơn, khiến độ chính xác sụt giảm theo công nghệ thời đó. Sản phẩm này cũng sẽ phải chịu nhiều tác động của môi trường như gió, nước, bụi... hơn so với một chiếc đồng hồ bỏ túi trong áo gi lê.

Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên được Abraham-Louis Breguet sáng chế vào năm 1810 và nó đã tốn của ông thời gian 2 năm, nhưng chúng vẫn khác xa so với những yêu cầu cơ bản của Wilsdorf và ông cần cải tiến thêm.

Bất chấp những khó khăn về công nghệ như vậy, Wilsdorf cũng tìm được nhà cung cấp Aegler chuyên nghiên cứu đồng hồ cỡ nhỏ nhưng phải ký hợp đồng cung cấp 500.000 USD, lớn gấp 5 lần giá trị vốn hóa của công ty Wilsdorf để giữ nguồn cung.

Vào thời điểm này, Wilsdorf cũng đi nước cờ hiểm khi đặt tên thương hiệu mới là Rolex vào năm 1908, trong khi các hãng đồng hồ hàng đầu khi đó chỉ sử dụng tên họ của người sáng lập làm nhãn hàng.

Mặc dù không xuất thân từ nghề sản xuất đồng hồ nhưng Wilsdorf là một doanh nhân và với mối quan hệ xã hội rộng rãi, ý chí sắt đá và trực giác thị trường nhạy bén, ông đã làm nên lịch sử cho cả một dòng sản phẩm nổi tiếng toàn cầu.

Thoát chết nhờ đồng hồ và thu lợi từ cả 2 bên chiến tuyến

Trong những năm đầu, Wilsdorf đã cố gắng quảng bá cho dòng sản phẩm này bằng cách đem sản phẩm đi kiểm định chất lượng tại các văn phòng thẩm định danh giá. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất của ngành đồng hồ Thụy Sĩ cũng như Rolex lại đến từ chiến tranh.

Thế chiến I (1914-1918) chứng kiến sự xuất hiện của xe tăng và máy bay lần đầu tiên trên chiến trường. Các khẩu pháo ngày càng nặng và chính xác hơn, súng máy cũng trở nên phổ biến hơn. Điều bất ngờ là chiếc đồng hồ đeo tay lại trở thành vật bất ly thân của các binh sĩ trên chiến trường.

Những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ đã được sản xuất từ năm 1850 nhưng hầu như chỉ được các y tá dùng cho kiểm tra mạch đập cũng như là biểu tượng cho phái đẹp. Tuy nhiên, Thế Chiến I khiến các binh sĩ cũng chuộng đồng hồ đeo tay khi chúng có thể cứu tính mạng của họ.

Cụ thể, đồng hồ đeo tay cùng radio là 2 phát minh lớn giúp quân đội điều động được trên khoảng cách xa. Thêm vào đó, việc bấm giờ từ lúc ánh sáng phát ra từ họng pháo đến lúc nổ sẽ cho chỉ huy biết quân thù đã xâm nhập được bao nhiêu cây số.

Khi chiến tranh kết thúc, đồng hồ đeo tay trở thành biểu tượng của bản lĩnh đàn ông, của những người nam giới mạnh mẽ dám đương đầu với lửa đạn và hình ảnh này dần định hình theo năm tháng.

Tuy nhiên, chủ trương bảo vệ nền công nghiệp nội địa cùng với chiến tranh đã làm biến dạng ngành xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ. Mức thuế nhập khẩu tăng cao với đồng hồ Thụy Sĩ tại Anh đã buộc Wilsdorf chuyển giao hệ thống xuất khẩu cho cơ sở sản xuất cho hãng Aeger tại Biel-Thụy Sĩ vào năm 1915 để có thể tập trung vào các thị trường khác ngoài Anh.

Sau chiến tranh, ông đóng cửa văn phòng tại London và chuyển trụ sở đến Geneva-Thụy Sĩ, nơi ông cho rằng thích hợp hơn cho việc phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sự chia tách hoạt động kinh doanh vẫn kéo dài thành 2 cơ sở độc lập mãi cho đến năm 2004 khi Rolex Geneva mua lại Rolex Biel.

Thâm chí, đến ngày nay hoạt động sản xuất vẫn diễn ra tại Biel trong khi công đoạn thiết kế mẫu mã và lắp đặt linh kiện vẫn thuộc về Geneva.

Đến cuối thập niên 1930, nền công nghiệp Thụy Sĩ đã khá mạnh mã và sẵn sàng trục lợi từ các đối thủ yếu ớt trên toàn cầu do sức tàn phá của Thế chiến II (1939-1945).

Thụy Sĩ đã cung cấp đồng hồ đeo tay và đồng hồ bấm giờ cho tất cả các bên tham chiến. Thành công nhất phải kể đến loại đồng hồ đeo tay dành cho phi công chiến đấu có lớp bảo vệ từ tính, có thể đảm bảo tính chính xác mà không bị ảnh hưởng do lực từ trường cực mạnh trên máy bay.

Cùng thời điểm, nhu cầu các hộp công tắc tính giờ trên bom và lựu đạn cũng gia tăng khiến đồng hồ cùng những thiết bị tính giờ được bán chạy.

Sau Thế chiến II, nhu cầu đồng hồ Thụy Sĩ tiếp tục gia tăng khi hàng loạt đối thủ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh tàn phá. Đến năm 1950, Thụy Sĩ đã thống lĩnh thị trường toàn cầu và chiếm 50% tổng doanh số đồng hồ trên thế giới.

Với vị thế là thương hiệu đồng hồ lớn nhất Thụy Sĩ, Rolex cũng nhanh chóng trở thành nhãn hàng thống trị toàn cầu trong ngành cho đến khi sự ra đời của đồng hồ điện tử làm thay đổi toàn bộ thị trường.

Theo Băng Tâm

Thời Đại

Trở lên trên