MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời cơ của du lịch Việt

Những con số lạc quan đạt được trong quý I/2024 là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, cách làm để đưa du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2024 đã phá vỡ kỷ lục cùng kỳ năm 2019, trước dịch COVID-19.

. Phóng viên: Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy quý I năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thưa bộ trưởng, những yếu tố nào giúp chúng ta có được thắng lợi này?

Thời cơ của du lịch Việt- Ảnh 1.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

- Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực. Lượng khách 3 tháng qua đều đạt trung bình trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng.

Riêng trong tháng 3-2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường khách ghi nhận sự tăng trưởng tốt như Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Singapore... Thị trường lớn Trung Quốc tiếp tục phục hồi tích cực, đạt hơn 350.000 lượt khách, tăng 19% so với tháng trước.

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành cho ngành du lịch. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân đã tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi, tăng tốc.

Mặt khác, những kết quả đạt được còn là thành quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo, làm mới sản phẩm và hiệu quả từ cách tiếp cận trúng nhu cầu của thị trường cho đến công tác quảng bá, xúc tiến với nhiều cách thức đa dạng của DN du lịch, các điểm đến và cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương.

Một nhân tố quan trọng khác là hiệu quả tác động rõ nét từ chính sách thị thực áp dụng từ ngày 15-8-2023: Nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho các nước được miễn thị thực đơn phương và thực hiện cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày.

Tôi cho rằng chính sách mới tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho khách quốc tế là dấu ấn quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2023. Nó thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành du lịch trong nền kinh tế, góp phần tháo gỡ rào cản trong nhiều năm qua của ngành, đồng thời sẽ có tác động dài lâu trong quá trình đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

. Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu lớn là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Giải pháp nào để du lịch tạo được đột phá, có thể đạt và kỳ vọng vượt mục tiêu đặt ra, thưa bộ trưởng?

- Việc đặt ra mục tiêu trên nhằm tạo động lực phấn đấu cho toàn ngành du lịch. Điều quan trọng là chúng ta phải thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam một cách thực chất, toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Ngành du lịch cần triển khai một cách hiệu quả phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác toàn diện".

Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp để tăng tốc phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát huy vai trò định hướng, kết nối của các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương đối với các mô hình liên kết, cũng như vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm mới và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương, vùng miền phù hợp với nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế. Đi đôi với đó là tăng cường hợp tác nhằm đa dạng hóa các nguồn lực và đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá tại những thị trường xa, có khả năng chi tiêu cao đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho du khách…

Thời cơ của du lịch Việt- Ảnh 2.

Du khách quốc tế tham quan TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN THẠNH

. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng vấn đề quan trọng là phải giữ chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu cao hơn và quay lại Việt Nam nhiều lần hơn. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Tôi đồng tình với quan điểm này. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.

Định hướng chiến lược của du lịch Việt Nam là phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam.

. Để khách quốc tế quay trở lại nhiều hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu cao hơn, chúng ta cần có giải pháp cụ thể thế nào, thưa bộ trưởng?

- Đầu tiên là tạo sản phẩm hấp dẫn. Chúng ta cần tận dụng tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người, âm nhạc của Việt Nam độc đáo để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đối với du lịch văn hóa, cần phát triển các tour du lịch văn hóa, cho phép du khách tìm hiểu về lịch sử, truyền thống và phong tục tập quán của Việt Nam; đồng thời xây dựng các điểm đến có thể bao gồm các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và lễ hội đặc sắc.

Đối với du lịch thiên nhiên, chúng ta cần tận dụng, khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên độc đáo của Việt Nam; tổ chức các tour leo núi, thám hiểm rừng núi và tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên…

Chúng ta cũng cần chú trọng phát triển du lịch ẩm thực, mở nhiều tour ẩm thực để du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản, học cách chế biến và nấu món ăn. Đồng thời chú trọng khai thác thế mạnh du lịch biển và đảo bằng việc tổ chức các tour lặn biển, tham quan đảo, các hoạt động thể thao nước… Du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh, cần kết hợp du lịch với việc hỗ trợ cộng đồng địa phương. Cần nhiều hơn nữa tour homestay để du khách sống hòa mình cùng với bản sắc văn hóa độc đáo của người dân bản địa.

Bên cạnh đó là tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục visa và áp dụng visa điện tử để thuận tiện cho du khách quốc tế. Đồng thời tăng cường quảng bá và tiếp thị, sử dụng các kênh truyền thông, sự kiện, hợp tác với các đối tác quốc tế để tạo tâm lý quan tâm, muốn khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm mới ở Việt Nam.

Tôi cho rằng "Hữu xạ tự nhiên hương", nếu chúng ta làm tốt công tác xây dựng sản phẩm, có phương pháp xúc tiến du lịch phù hợp, cộng thêm những thuận lợi trong tiếp cận điểm đến, mức giá cạnh tranh thì tất yếu khách quốc tế sẽ ở lại lâu hơn, chi tiêu cao hơn và quay lại Việt Nam nhiều lần hơn. 

Vươn tới các thị trường trọng điểm

Nhằm tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành du lịch, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai một số nhóm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn, có chi tiêu du lịch cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của địa phương, điểm đến trong quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo ấn tượng tốt cho du khách...

Song song đó, xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam kết nối với các thị trường khách du lịch mục tiêu. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Ấn Độ, Trung Đông... Một giải pháp quan trọng nữa là tranh thủ nguồn lực của các DN, hãng hàng không, các đối tác phân phối lớn nhằm mở rộng khả năng vươn tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng.

Theo Hoàng Lan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên