MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thời" của châu Á đang tới?

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng GDP gần 2% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Trong khi đó, GDP thế giới dự kiến ​​sẽ giảm 4,4%, Mỹ giảm 4,3%. Hàn Quốc dự kiến GDP giảm nhẹ so với 2019. Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước trong danh sách có GDP dự kiến ​​tăng trưởng dương trong khoảng thời gian 2019 – 2020.

Châu Á dẫn đầu thế giới về khả năng hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19

Khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh và sự tăng vọt về nhu cầu tiêu dùng tại phương Tây là những nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế châu Á tăng trưởng trong giai đoạn này.

Nền kinh tế ở nhiều nước châu Á đang ngày càng hồi phục rõ ràng sau đại dịch. Sự hồi phục nhanh chóng này phần lớn đến từ thành công của châu Á trong việc kiểm soát Covid-19. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm từ phương Tây cũng giúp các nhà máy tại châu Á liên tục hoạt động, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế khu vực.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng GDP gần 2% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Trong khi đó, GDP thế giới dự kiến ​​sẽ giảm 4,4%, Mỹ giảm 4,3%. Hàn Quốc dự kiến GDP giảm nhẹ so với 2019. Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước trong danh sách có GDP dự kiến ​​tăng trưởng dương trong khoảng thời gian 2019 – 2020.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay, ở mức 1,6% và đến năm 2021, con số này sẽ đạt 6,7%, theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 mới được IMF công bố.

Thời của châu Á đang tới? - Ảnh 1.

IMF cũng dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Thái Lan trong năm nay sẽ đạt 509,2 tỷ USD; Philippines 367,4 tỷ USD; Indonesia 1.088,8 tỷ USD.

Mức tăng trưởng nền kinh tế ở châu Á giai đoạn này một phần lớn tới từ giá trị xuất khẩu hàng hóa sản xuất của châu Á sang phương Tây. Châu Á là nơi có những nhà sản xuất máy tính xách tay, thiết bị truyền thông, TV và các mặt hàng gia dụng thuộc nhóm lớn nhất thế giới. Khi đại dịch buộc người dân phải ở nhà, nhu cầu sử dụng các sản phẩm trên tăng vọt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm trên cũng tăng theo.

Châu Á là nơi có nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới với các công ty lớn như Samsung Electronics, Huawei Technologies và Taiwan Semiconductor Manufacturing. Theo Counterpoint Research, khoảng 97% thiết bị cầm tay và 60% PC trên thế giới cùng nhiều thiết bị điện tử khác được sản xuất ở châu Á.

Theo TS Lombard, vào tháng 10, gần như toàn bộ mức tăng trưởng xuất khẩu (11,2%) so với cùng kỳ năm trước của Đài Loan đến từ xuất khẩu các linh kiện và thiết bị điện tử. Nếu không có các lô hàng xuất khẩu linh kiện điện tử này, giá trị xuất khẩu của Đài Loan sẽ chỉ tăng 0,2% so với một năm trước đó.

Thời của châu Á đang tới? - Ảnh 2.

Tại Trung Quốc, một nhà xuất khẩu tivi có tên Quảng Châu Viewo Electronics đã có ​​lượng đơn đặt hàng tăng khoảng 50% so với một năm trước đó ngay sau khi nhà máy mở cửa trở lại sau một đợt giãn cách xã hội vào tháng 3. Michael Yang, đại diện công ty cho biết công ty đã phải thuê thêm công nhân để đáp ứng được tất cả các đơn đặt hàng của mình.

Trong khi đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng tăng vào tháng 10 do nhu cầu về vật tư y tế và đồ gia dụng vẫn tăng mạnh. Xuất khẩu tháng 10 của Hàn Quốc sang Mỹ tăng 3,3%, sang Liên minh châu Âu tăng 9,5%, trong khi đó các khu vực khác giá trị xuất khẩu lại giảm.

Dù ngăn chặn được Covid-19 là một yếu tố quan trọng dẫn tới phục hồi nền kinh tế nhanh, nhưng đó không phải điều kiện đủ. Tại Thái Lan, nơi số ca mắc mới đang được giữ ở mức thấp, nền kinh tế dự kiến ​​vẫn sẽ giảm 7,1% trong năm nay, theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Một phần lớn nguyên nhân là do nước này phụ thuộc quá nhiều vào lượng khách du lịch quốc tế - vốn đã giảm về 0 trong năm 2020.

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng thời gian tới là liệu nhu cầu tiêu dùng tại phương Tây có thể tiếp tục tăng mạnh như giờ hay không khi các ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại ở phương Tây. Ngay cả khi các trường hợp lây nhiễm có giảm xuống, mỗi người cũng chỉ có một mức giới hạn về số lượng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử cần thiết để làm việc và học tập tại nhà.

Thời của châu Á đang tới? - Ảnh 3.

Có lẽ rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á trong tương lai gần là người tiêu dùng Mỹ hoặc châu Âu sẽ dè dặt hơn khi chi tiêu trước tình hình số ca mắc Covid-19 ngày một tăng lên. Một cuộc khảo sát do Deloitte thực hiện cho thấy 38% người tiêu dùng Mỹ tham gia khảo sát ​​dự tính sẽ chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm vào kỳ nghỉ năm nay do lo ngại về kinh tế. Theo dự báo, chi tiêu của mỗi hộ gia đình sẽ ​​giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng nhìn ở mặt tích cực, người tiêu dùng châu Á đang trở thành nhóm tiêu dùng quan trọng hơn trong nền kinh tế thế giới so với trước đây. Điều này có thể giúp bù đắp bất kỳ sự suy giảm nào từ nhu cầu tiêu dùng của phương Tây. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt Mỹ và trở thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới trong năm nay. Trong khi Mỹ có thể giành lại vị trí hàng đầu vào năm 2021, Trung Quốc có thể sẽ là một thị trường lớn hơn trong dài hạn.

5 trụ cột phục hồi

Theo báo cáo mới nhất của PwC - "Thời khắc của Châu Á Thái Bình Dương", 5 trụ cột có sự liên kết lẫn nhau, cần được chú trọng để xây dựng tương lai bền vững và bao trùm cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương là:

Thúc đẩy nền kinh tế số

Các doanh nghiệp cần xác định các lĩnh vực cần số hóa và ưu tiên triển khai giải pháp công nghệ trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ cần áp dụng nhiều biện pháp an toàn an ninh mạng, bên cạnh các quy định của chính phủ và quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để chống lại tội phạm mạng.

Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp lên tầm khu vực

Các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược phát triển ở cấp độ khu vực, dựa trên năng lực ở ba lĩnh vực nền tảng: hiệu suất hoạt động, đổi mới sản phẩm và quy trình, và khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó là ứng dụng kỹ thuật số và mở rộng thị trường trong khu vực, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ.

Tái cân bằng chuỗi cung ứng và khuyến khích đổi mới

Các doanh nghiệp có cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của mình và chuyển sang các mô hình mới tích hợp hơn trong khu vực. Được hỗ trợ bởi công nghệ, những chuỗi cung ứng khu vực này sẽ giúp các tổ chức quản lý mạng lưới thu mua, sản xuất và phân phối hiệu quả hơn, từ đó đạt được tính minh bạch và khả năng chống chịu cao hơn.

Mở rộng và đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai

Các chương trình tái đào tạo gắn liền với nhu cầu cụ thể của công ty và nhân viên có thể tái thiết năng lực đội ngũ lao động để đóng góp vào thành công của doanh nghiệp. Trong khi đó sự hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong công cuộc tái đào tạo. Chính phủ các quốc gia nên đi đầu trong việc cân đối lại hệ thống giáo dục hướng đến các ưu tiên tăng trưởng tương lai, và cụ thể hóa những vai trò, trách nhiệm mới đặt ra cho doanh nghiệp và xã hội.

Xây dựng một nền kinh tế hướng tới cân bằng phát thải carbon (net-zero)

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cần đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng tương lai bền vững hơn. Khu vực này nên xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hướng đến giảm lượng khí thải carbon toàn cầu bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý môi trường và cả xã hội.Báo cáo được thực hiện theo sát những gián đoạn cũng như thách thức về tăng trưởng kinh tế liên tục được đặt ra cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong vài năm trở lại đây.

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, những căng thẳng địa chính trị, thay đổi nhân khẩu học và biến đổi khí hậu đều là mối đe dọa đối với tăng trưởng khu vực. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các thách thức và đòi hỏi hành động nhanh chóng. Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về khả năng lãnh đạo và tầm nhìn mới, hỗ trợ bởi các chính sách tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.

Từ góc độ Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám Đốc PwC Việt Nam nhận định: "Hợp tác khu vực có vai trò thiết yếu để Châu Á Thái Bình Dương tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với viễn cảnh tương lai. Là một trong những thị trường đang phát triển, Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong nền kinh tế khu vực, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Việc Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ mở ra cơ hội lớn hơn nhằm tiếp cận các thị trường trong khuôn khổ hiệp định, và tạo môi trường thương mại với những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt tiềm năng mà hiệp định mang lại."

"Số hóa sẽ là nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy năng lực cạnh tranh công nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng các chuẩn mực khu vực và quốc tế." bà Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Ông Raymund Chao, Chủ tịch PwC Châu Á Thái Bình Dương nhận xét: "Khu vực Châu Á Thái Bình Dương giờ đây không chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng thụ động với hy vọng các yếu tố tăng trưởng cơ bản như đô thị hóa, nguồn lao động, các dòng thương mại và tăng cường áp dụng công nghệ, sẽ là đủ để tiếp tục thu hút đầu tư và vượt qua giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay. Thay vào đó, các bên liên quan cần trở nên tự chủ hơn thông qua việc thu hút các dòng vốn đầu tư trên thế giới bằng tầm nhìn và chiến lược đặt trọng tâm vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Để đạt được điều này, các nguyên tắc tăng trưởng mới về khả năng phục hồi, quyền sở hữu chung, tính minh bạch và mục tiêu chung dài hạn sẽ có vai trò quan trọng."

T.H

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên