MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

400.000 dân đang cần cứu trợ khẩn cấp nước uống

05-04-2016 - 15:18 PM | Xã hội

Hạn mặn đang lên đỉnh điểm, hiện có trên 98.000 hộ dân Bến Tre (400.000 người) đang sống trong cảnh thiếu nước uống, nước sinh hoạt trầm trọng và chưa bao giờ người dân đang rất cần cứu trợ khẩn cấp như lúc này.

Chắt chiu từng giọt nước

Đang bước vào cao điểm của mùa hạn mặn, trời nắng như đổ lửa, ao hồ trơ đáy, người dân ở vùng ven biển của tỉnh Bến Tre phải lay lắt sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri), mặn đã phủ trùm toàn xã mấy tháng nay, người dân đã phải chắt chiu từng giọt nước để vượt qua mùa hạn mặn. Người dân vật vã đào giếng tìm nguồn nước ngọt nhưng một số giếng nước lộ thiên cũng đã cạn khô. Bà Phạm Thị Sắn (ấp 3, xã An Hiệp, huyện Ba Tri) cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình bà cũng hứng nước mưa để dự trữ cho mùa nắng.

Tuy nhiên lượng nước mưa không đáp ứng đủ nên gia đình phải xử dụng nước bị nhiễm mặn suốt cả tháng nay. “Mặc dù gia đình tôi có đào giếng để lấy nước nhưng giếng đào ở đây cũng bị nhiễm mặn và phèn nhiều không thể sử dụng sinh hoạt, nấu ăn được, phải mua nước ngọt bên ngoài với giá đắt đỏ” - bà Sắn chia sẻ.

Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Nước ngọt đã cạn kiệt, giếng ngầm cũng không còn nước, người dân không có nước sử dụng, chúng tôi chỉ biết kêu gọi sự hỗ trợ của ngành chức năng cấp trên hỗ trợ vận chuyển nước ngọt bằng xe bồn cho người dân”.

Tại các xã ven biển ở Bến Tre, người dân thiếu nước ngọt sử dụng ngay từ đầu mùa hạn mặn, buộc lòng phải mua nước ngọt với giá vô cùng đắt đỏ (80.000 - 150.000 đồng/m3). Rất nhiều hộ nghèo không có điều kiện trữ nước mưa, phải chịu cảnh sinh hoạt bằng nước mặn, kể cả sử dụng nước mặn, không đảm bảo vệ sinh vào việc nấu ăn.

Mới đây, khoảng 3.000 tấn hàu của người dân ở xã Thừa Đức (Bình Đại) chết hàng loạt, thiệt hại trên 40 tỉ đồng. Các hộ nuôi hàu cho biết, nguyên nhân hàu chết do độ mặn của nước ngày càng cao. Nước mặn xâm nhập sớm, kéo dài còn làm cho toàn bộ gần 20.000ha lúa chết trắng, đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh, hơn 6.000ha bưởi da xanh đặc sản của Bến Tre có nguy cơ bị xóa sổ. Mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương dốc toàn lực đắp đập tạm ngăn mặn, lắp các trạm bơm nước ngọt từ đầu nguồn để chống chọi và khắc phục thiên tai hạn mặn, tuy nhiên cơn hạn mặn quá khốc liệt nên không kịp trở tay. Chưa bao giờ người dân Bến Tre cần sự hỗ trợ nước uống và sinh hoạt như lúc này.

Cứu trợ khẩn cấp

Chia sẻ những khó khăn với người dân tỉnh Bến Tre trong vùng bị hạn mặn, những ngày qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã phân công trực tiếp Tiểu đoàn Vận tải thủy 804, Trung đoàn Vận tải 659 Cục Hậu cần Quân khu 9 vận chuyển nước ngọt cứu trợ khẩn cấp cho người dân các huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại. Thượng tá Hà Đình Phượng - Phó phòng Vận tải Quân khu 9 cho biết, nước ngọt được tàu lấy tại Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (Tiền Giang) chở đến hỗ trợ cho người dân ở một số xã khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều do hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bến Tre là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Mới đây, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam (HCTĐ - VN) đã đến huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cứu trợ khẩn cấp nước uống cho 1.000 hộ nghèo (40 lít nước/hộ) ở các xã: Lương Hòa, Lương Qưới, Phong Mỹ. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch HCTĐ - VN cho biết, Trung ương hội đang vận động chiến dịch chung tay góp sức hỗ trợ đồng bào miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Đồng thời, Trung ương hội sẽ xuất quỹ cứu trợ và các nguồn vận động khác, chuyển về cho nhiều địa phương hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt để bà con giảm bớt khó khăn trong mùa hạn mặn năm nay.

Mặc dù ngành chức năng đã kịp thời hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt ở một số nơi nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hàng chục ngàn hộ dân ở xứ dừa đang đối mặt với nguy cơ hết nước sạch uống trong những ngày tới.

Theo Thanh Huyền

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên