MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 năm, bãi nhiệm 1.400 đại biểu hội đồng nhân dân

02-02-2016 - 17:21 PM | Xã hội

Có một số đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, có hành vi vi phạm pháp luật...

Chiều 2/2, hội nghị toàn quốc về hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân đã được tổ chức tại Hà Nội.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, trong quá trình hoạt động, còn có một số đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, có hành vi vi phạm pháp luật, nên hội đồng nhân dân các cấp đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu.

Cụ thể, có 6 đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 160 đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện ở 32 tỉnh, thành phố và 1.240 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã ở 51 tỉnh, thành phố bị bãi nhiệm, mất quyền đại biểu hội đồng nhân dân.

Nhiệm kỳ qua, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: đây là một phương thức đổi mới hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, bước đầu phát huy tác dụng tốt, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri.

Dẫn báo cáo của các địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ở cấp tỉnh không có đại biểu nào có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% ở cả hai lần nên hội đồng nhân dân cấp tỉnh không phải tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm.

Một số tỉnh, có tỷ lệ 100% người được lấy phiếu tín nhiệm đạt trên 50% “tín nhiệm cao” .

Đối với cấp huyện và cấp xã có một số ít trường hợp phải xem xét để bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, do nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đã hết hiệu lực nên việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chưa được hội đồng nhân dân các cấp tiến hành.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên đã phản ánh đúng tình hình hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương.

Đồng thời, phản ánh thực trạng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Qua đó, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Đây cũng là một kênh thông tin để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong thời gian tiếp theo.

Các nhiệm kỳ tới, hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ và người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm, ông Phúc trình bày.

Về tổ chức bầu cử đại biểu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số định hướng.

Như phấn đấu đạt tỷ lệ đại biểu nữ tỷ lệ trúng cử khoảng 30%, đại biểu người ngoài Đảng không dưới 10%, đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) không dưới 15%, đại biểu tái cử không dưới 30%.

Về thường trực hội đồng nhân dân: chủ tịch hội đồng nhân dân do bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm nhiệm, trưởng ban của hội đồng nhân dân có thể do thường vụ cấp ủy kiêm nhiệm, có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Ở cấp tỉnh mỗi ban của hội đồng nhân dân có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, ở cấp huyện mỗi ban của hội đồng nhân dân có ít nhất 1 đại biểu chuyên trách. Số dư tối thiểu tỷ lệ từ 1,5 - 2 người ứng cử/1 đại biểu hội đồng nhân dân, ông Phúc nêu định hướng.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên