600 người phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Nhiều hay ít?
Trong khi lãnh đạo BQL Dự án nói con số này được tính toán trên toàn bộ quy trình vận hành thì chuyên gia giao thông lại cho rằng, 600 người phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quá nhiều.
- 11-09-2014Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chắc chắn không được tăng vốn
- 10-09-2014Lý giải đội vốn tiền khủng dự án đường sắt đô thị Hà Nội
- 18-08-2014Vì sao Tổng Công ty Đường sắt bị tước dự án ODA?
- 30-07-2014Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngổn ngang từ ga đầu đến ga cuối
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT) – đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, để phục vụ cho toàn bộ quy trình vận hành khai thác cho riêng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ cần tổng cộng 600 người. Số lao động này sẽ được đưa đi đào tạo nghiệp vụ ở Trung Quốc.
Thông tin này khiến nhiều người cho rằng, con số 600 lao động phục vụ chỉ cho một tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quá nhiều.
Trao đổi với phóng viên, quyền Tổng Giám đốc BQL dự án đường sắt Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tổng con số 600 người là phục vụ cho toàn bộ quá trình vận hành của toàn tuyến đô thị Cát Linh – Hà Đông. Do vậy con số 600 người có quá nhiều không thì phải nhìn nhận trong cả quy trình vận hành của nó, không phải cứ nghe 600 người mà nói nhiều hay ít được. Ông Hùng lý giải, 600 người này bao gồm nhân viên lái tàu (khoảng 41 người), nhân viên vận hành, kỹ thuật, soát vé, nhân viên điều hành trung tâm cả một khu vực…
“Mô hình này sẽ giống của một công ty quản lý của Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang thực hiện. Giống như ở nước ngoài, họ có cả một trung tâm điều hành rất cẩn thận. Nếu không làm như vậy, chỉ cần điều hành lệch một tý cũng có thể xảy ra húc nhau luôn” – ông Hùng cho hay.
Hiện tại số lao động này sẽ do BQL Dự án phụ trách, nhưng sau này khi Hà Nội thành lập công ty quản lý đường sắt chung sẽ giao lại cho Hà Nội quản lý toàn bộ. Số lao động này thuộc đơn vị sự nghiệp, giống như mô hình xe buýt.
Tuy nhiên ông Hùng cũng nói thêm rằng, mặc dù con số 600 người chỉ phục vụ riêng một tuyến Cát Linh – Hà Đông, nhưng sau này nếu có thêm các tuyến đường sắt đô thị khác thì số lượng cũng chỉ tăng thêm một chút, chứ không phải cứ mỗi tuyến cần có 600 người. Ông đưa ví dụ: Trong một lớp học lúc đầu chỉ có 1 học sinh và 1 giáo viên dạy, nhưng nếu tăng lên 10 học sinh thì cũng chỉ có một giáo viên mà thôi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng chi phí đào tạo cho 600 người lao động khoảng hơn 5 triệu USD, số tiền này đã được tính trong chi phí toàn bộ dự án. Nhưng số tiền này được tính trên cơ sở lương 2 triệu đồng/tháng/người, nếu lương tăng tiếp thì sẽ khác.
“Trong quá trình đưa người lao động đi đào tạo thì vẫn phải trả lương, nếu không có khi họ không đi. Rồi khi đi về nếu phải chờ đợi đường sắt đi vào hoạt động vẫn phải tiếp tục trả lương, nếu không họ đi làm việc khác” – ông Hùng nói.
Cùng trao đổi với phóng viên về con số 600 lao động phục vụ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài hơn 13 km, chuyên gia giao thông đô thị - TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, số lượng nhân viên phục vụ trong một tuyến đường sắt phải được tính toán dựa trên tổng số lượt chuyến, số toa hoạt động mỗi ngày.
Tuy nhiên dựa vào cảm tính và cách quản lý từ các nước, TS Thủy cho rằng con số 600 người phục vụ tuyến Cát Linh – Hà Đông là quá nhiều, năng suất thậm chí còn kém hơn cả hệ thống xe buýt. Vì tàu điện ngầm, đường sắt trên cao chủ yếu vận hành bằng tự động hóa, kể cả với hệ thống xe buýt cũng vậy.
Một ví dụ ở Tiệp Khắc điều khiển hệ thống tàu điện ngầm với chiều dài hàng trăm km cũng chỉ có khoảng 300 – 400 người. Theo tính toán của chuyên gia giao thông, để phục vụ vận hành cho toàn bộ tuyến đường sắt dài 13 km này chỉ cần tối đa từ 150 – 200 nhân viên, tính cả lượng nhân viên dự trữ.
“Cần phải tính toán theo hướng thâm canh hơn quảng canh để nâng cao năng suất lao động. Nếu không sẽ giống như siêu thị, người bán thì nhiều, người mua thì ít. Vì thế cần phải chọn lọc giảm bớt lao động theo kiểu cuốn chiếu: chỉ đào tạo nhân viên phục vụ tuyến đầu tiên, còn tuyến số 2, số 3 có thể cách nhau hàng chục năm nên để sau này hãy tính chứ không nên đào tạo luôn bây giờ” - TS Thủy cho biết.
Theo Nguyễn Dũng