MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn luận vui chuyện làm ăn của các ông đồ trên phố Văn Miếu

30-01-2014 - 16:44 PM | Xã hội

Xin chữ là một nét văn hóa nhưng về cơ chế cũng giống như một hình thức kinh doanh trong đó ông đồ là người bán hàng và “chữ” là hàng hóa.

Tết Giáp Ngọ năm nay, người dân Hà Nội được phen ngơ ngác khi hay tin cơ quan chức năng của Thành phố đã chuyển “phố ông đồ” vào trong khuôn viên hồ Văn để hoạt động nhằm đảm bảo cho mỹ quan vỉa hè. Theo thông tin ban đầu, các "ông Đồ" phải nộp 5 triệu đồng/gian hàng trong khu vực hồ Văn, còn mới đây phía cơ quan chức năng có lên tiếng là mức thu chỉ 1,5 triệu/gian hàng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong sự kiện này là khi phố ông đồ được quy hoạch gọn gàng, trật tự trong hồ Văn thì lâm vào cảnh “vắng tanh như chùa bà Đanh”. Và vì ngồi trong hồ Văn vắng khách, các ông đồ bèn quay trở lại “lấn chiếm” vỉa hè Văn Miếu.

Xin chữ là một nét văn hóa nhưng về cơ chế cũng giống như một hình thức kinh doanh trong đó ông đồ là người bán hàng và “chữ” là hàng hóa. Nhưng trong tết này, các ông đồ dường như đã làm ăn kém.

Nhân dịp Tết nói chuyện vui, hãy cùng chúng tôi bàn luận chuyện làm ăn năm nay của các ông đồ.

Trước hết, về chi phí thuê địa điểm “bán hàng”.

Năm ngoái, hỏi chuyện một ông đồ còn khá trẻ, không nổi tiếng, là thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội thì được biết, để có thể ngồi cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu, ông đồ phải nộp “phí” cho những người quản lý là 500.000 đồng/ngày. Các ông đồ được ngồi từ trước Tết 1 tuần đến hết rằm tháng Giêng.

Như vậy tính ra giá thuê gian hàng trong hồ Văn năm nay so với mức phí chỗ ngồi của những năm trước là quá rẻ.

Về tính chất cạnh tranh, có thể thấy năm nay, 70 ông đồ đăng ký được gian hàng trong hồ Văn đã có lợi thế hơn những ông đồ khác khi có “giấy phép kinh doanh”, không lo bị công an … phạt. Số lượng đối thủ giảm hơn một nửa so với năm trước. Tất nhiên với những ông đồ không đăng ký được chỗ ngồi thì đã mất sự cạnh tranh về “quyền kinh doanh”.

Thế nhưng có thể thấy, quyền kinh doanh của 70 ông đồ này đã không còn là lợi thế khi việc thu hẹp quy mô của khu vực “bán hàng” đã khiến cho khách hàng không thích.

Nhân đây, xin kể một câu chuyện được nghe từ cán bộ công ty Bánh kẹo H.

Bánh Trung thu của CTCP Bánh mứt kẹo H. vốn là một sản phẩm được ưa chuộng của người tiêu dùng mỗi mùa trăng rằm tháng 8. Nhưng vào Tết Trung thu năm ấy, nhiều nhãn hiệu bánh mới ra đời, trong đó có cả những hiệu “bánh lậu” không đăng ký kinh doanh, dựng kiot bán hàng cạnh tranh với Bánh mứt kẹo H. khiến cho doanh thu của công ty sụt giảm hẳn.

Sang năm sau, rút kinh nghiệm, công ty bèn tận dụng “ưu thế” là doanh nghiệp Nhà nước của mình, phối hợp với Ban quản lý thị trường để “thống lĩnh” những dãy phố mà chỉ có Bánh mứt kẹo H. được dựng kiot bán hàng. Thế nhưng kết quả nhận được là doanh thu thậm chí còn sụt giảm hơn cả năm trước. Người mua rất thưa thớt, đến cả người đi xem hàng cũng thưa thớt.

Ban lãnh đạo công ty lại họp và báo cáo của đội Nghiên cứu thị trường cho biết, do cả dãy phố chỉ bán bánh của một nhãn hàng là Bánh mứt kẹo H. nên người dân không thấy hứng thú! Họ thích đến xem, ngắm hàng và mua hàng ở những nơi có nhiều nhãn hiệu, nhiều mẫu mã giá cả để lựa chọn bởi vì ở nơi này còn có cái gọi là “không khí sắm Tết”.

Đây là một bài học mà các cụ đã đúc kết từ xưa: Buôn có bạn, bán có phường.

Đa số người dân khi được hỏi ý kiến đều cho rằng, khi các ông đồ ngồi cho chữ chật kín và trải dài khu vực xung quanh Văn Miếu thì cái sắc đỏ của giấy điều lấp lánh màu đen của mực khiến cho họ cảm thấy có không khí Tết hơn rất nhiều. Hay nói cách khác, khi “phường buôn” bị thu hẹp quy mô, khách hàng có ít lựa chọn hơn, không khí mua sắm giảm.

Vị trí bán hàng cũng là yếu tố bất lợi cho các ông đồ. Các năm trước, phố ông đồ trải dài xung quanh Văn Miếu, tức trên 2 con đường Nguyễn Thái Học và Văn Miếu. Khách hàng có thể đi một vòng từ Nguyễn Thái Học sang Văn Miếu để tìm ông đồ ưng ý và ngay khi đó có thể dừng xe, xuống xin chữ rất thuận tiện. Năm nay, khu vực hồ Văn chỉ nằm khiêm tốn trên một đoạn đường Văn Miếu một chiều. Sự thuận tiện rõ ràng đã giảm đi rất nhiều.

Về giá cả, năm ngoái, cũng ông đồ trẻ kể trên cho biết, do chữ của “ông” chưa hội tụ được nhiều thần thái nên mức giá chữ viết trên giấy đẹp là 60.000 đồng/chữ. Khách đến viết khá đông, chủ yếu là các bạn trẻ. Chữ của những ông đồ nổi tiếng, phải xếp số, đặt gạch đứng chờ thì có giá 150.000 đồng – 200.000 đồng/chữ và đối tượng khách hàng thì rộng hơn, trong đó có nhiều người sành chơi chữ.

Tuy nhiên năm nay, theo một số thông tin thì do vắng khách, giá cho chữ đã giảm khá mạnh. Một số ông đồ nổi tiếng chỉ còn 200.000 đồng cho đôi chữ.

Hình ảnh thương hiêu cũng bị ảnh hưởng. Các ông đồ nổi tiếng với thần thái ung dung tự tại, tay cầm bút lông, phẩy những nét “rồng múa phượng bay” đầy khi phách. Nay, với đồ nghề cực kỳ gọn nhẹ và sẵn sàng … chạy khi bị đội bảo vệ trật tự đi dẹp, hình ảnh khí phách trên đã phôi phai ít nhiều và chắc hẳn không thể không ảnh hưởng đến việc bán hàng.

Sự kiện phố ông đồ Văn Miếu trong tết Giáp Ngọ này là một bất ngờ. Những chính sách mới khi triển khai thường gây lúng túng cho cơ quan chức năng, khó khăn cho người kinh doanh và tạo chuyện cho người dân tranh cãi. Trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi của các ông đồ trong sự kiện này, hy vọng sang Tết năm sau, để làm ăn tốt hơn, các ông đồ và cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch phối hợp hợp lý.

Kim Dung

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên