MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ người lao động sống khỏe bằng lương?

15-04-2015 - 16:33 PM | Xã hội

Tiền lương vừa là động lực, đòn bẩy kích thích người lao động (NLĐ) làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, vừa là phương tiện bảo đảm cuộc sống của họ. Thế nhưng dù trải qua 4 lần cải cách lương, NLĐ vẫn sống "mòn” với mức lương tối thiểu.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, năm 2015 mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song chính sách tiền lương đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng thêm cho người lao động. Cụ thể, theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…theo hợp đồng lao động sẽ được tính tăng hơn.

Cụ thể, các đối tượng ở Vùng I là 3.100.000 đồng/tháng. Vùng II là 2.750.000đồng/tháng. Vùng III 2.400.000 đồng/tháng.Vùng IV 2.150.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ cao hơn mức lương so với năm 2014 từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng.

Mặc dù đánh giá mức lương trên phù hợp với tốc độ tăng giá tiêu dùng, năng suất lao động và hài hòa lợi ích giữa người lao động-chủ doanh nghiệp, song Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cũng phải thừa nhận, với mức tăng trên vẫn chưa thể đáp ứng mức sống tối thiểu cho NLĐ.

Chị Hà công nhân khu công nghiệp Kim Chung, Hà Nội cho biết: Hai vợ chồng chị có thâm niên làm công nhân ở Hà Nội gần 15 năm thế nhưng chưa bao giờ dám mơ có được căn hộ thu nhập thấp, bởi mỗi tháng thu nhập của  vợ chồng chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng, phải dè xẻn mới đủ chi tiêu, nói gì tới chuyện tích lũy để mua nhà thu nhập thấp. "Công ty trả lương cho NLĐ chủ yếu dựa vào mức sàn của Nhà nước, thế nhưng với mức tăng từ 250 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng quá thấp so với giá cả tăng như hiện nay” – Chị Hà ngậm ngùi nói.

Thu nhập của vợ chồng anh Nguyễn Đức Tuấn, công nhân KCX Tân Thuận, quận 7, TP. HCM có vẻ khá hơn, song anh cũng ngậm ngùi:  "Tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, tưởng như số tiền này là cao song cũng  không dành dụm được bao nhiêu”. Anh Tuấn nhẩm tính: tiền nhà (2 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước), tiền ăn (3 triệu đồng/tháng), tiền học cho con (1,5 triệu đồng/tháng)…đã ngốn gần hết tiền lương của hai vợ chồng.

Người lao động bao giờ mới "sống khỏe” được bằng lương? Câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu song đến nay vẫn bị bỏ ngỏ bởi nhiều lý do. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã trải qua 4 lần điều chỉnh, 4 lần cải cách tiền lương nhưng người lao động vẫn đang phải sống rất chật vật.

Ngoài ra, có một thực tế không dễ phủ nhận, dù đã đi vào hoạt động được 2 năm, song Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn khó có thể đảm bảo lợi ích cho NLĐ. Bằng chứng rõ nét nhất, mức lương tối thiểu của Hội đồng đưa ra, nói như Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, vẫn phải dựa trên "sức khỏe” của doanh nghiệp.

Trước những ý kiến cho rằng, Hội đồng đã không làm hết nhiệm vụ của mình, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, không có chuyện "bắt tay” hay " thỏa hiệp” ở đây, "Chúng tôi biết với mức tăng như hiện nay khó có thể giúp NLĐ đảm bảo mức sống tối thiểu. Song chúng tôi cũng không thể tăng hơn, vì như thế sẽ đẩy doanh nghiệp vào đường cùng và cũng đồng nghĩa NLĐ thất nghiệp nhiều hơn”.

Đồng quan điểm người đứng đầu Bộ LĐTB& XH, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho rằng, những thách thức trong chính sách lương hiện nay chính là làm sao tăng được năng suất lao động. Lý do theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, hiện Việt Nam có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động. Trong đó, 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế.

Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước, tạo động lực tăng năng suất và đáp ứng hội nhập. Để làm được việc này, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ đi đôi với tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hội đồng tiền lương tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, gắn với chính sách việc làm, tăng cường thương lượng tiền lương.

>>>Lương tối thiểu vùng phải tăng từ 18- 19% mỗi năm

Theo Khanh Lê

 

PV

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên