Bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu
Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, ở vụ án này, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
- 13-12-2013Dương Chí Dũng nói “cảm ơn em” khi nhận vali tiền
- 13-12-2013Xử nghiêm Dương Chí Dũng để răn 'giặc nội xâm'
- 13-12-2013Dương Chí Dũng đổ lỗi và chối tội
- 12-12-2013Dương Chí Dũng chối phắt việc nhận 10 tỉ đồng tham ô
- 12-12-2013Thẩm vấn Dương Chí Dũng
Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Ngô Thị Ánh làm chủ tọa, hai kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố trước Tòa. 13 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Mười bị cáo trong vụ án này gồm Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải cùng 9 đồng phạm: Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên thành viên Ban quản lý dự án Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên - Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức; Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Các bị cáobị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 – Bộ luật Hình sự. Riêng 4 bị cáo: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – Bộ luật Hình sự. Ngoại trừ bị cáo Mai Văn Khang được tại ngoại, 9 bị cáo còn lại đều bị tạm giam.
Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, kiểm sát viên đã công bố Bản cáo trạng nêu rõ: Trong thời gian từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP – Singapore, Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu… gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 367 tỷ đồng.
Trong vụ mua bán này, các đối tượng: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều đã tham ô hơn 28 tỷ đồng. Cá nhân bị cáo Dương Chí Dũng được Viện Kiểm sát xác định là đã tham ô 10 tỷ đồng của Nhà nước.
Cũng theo Bản cáo trạng, chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka, Liên bang Nga, còn Công ty AP - Singapore chỉ là nhà môi giới. Ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, đã bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị cơ quan Đăng kiểm LB Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo: “Phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP – Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka”.
Tuy biết rõ giá chào bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka là dưới 5 triệu USD, nhưng Dương Chí Dũng vẫn ký Quyết định điều chỉnh phương thức đầu tư dự án mua ụ nổi 83M của Công ty AP – Singapore với giá mua là 9 triệu USD. Đáng lưu ý, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M giá 9 triệu USD với Công ty AP thì Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với giá chỉ có 2,3 triệu USD.
Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, ở vụ án này, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi lại video dưới đây: