MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Đinh La Thăng: 'Công nghệ cao mà lương 3,7 triệu đồng là quá thấp'

03-03-2016 - 14:13 PM | Xã hội

Sáng 3/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Khu Công nghệ cao TP.HCM và các công ty nước ngoài đang đầu tư tại đây.

Sau khi tham quan nhà máy Công ty Sankyo, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng mức lương công nhân công nghệ cao mà 3,7 triệu đồng/tháng là thấp quá. Đã là lao động công nghệ cao thì phải khác, các công ty xem xét có chính sách cải thiện thu nhập cho công nhân.

Về hoạt động của khu công nghệ cao, Bí thư Đinh La Thăng cho biết TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nuớc, khu công nghệ cao phải là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Bí thư Thăng cũng đề nghị khu công nghệ cao và các sở đưa ra những mục tiêu cụ thể, tỉ trọng xuất khẩu là bao nhiêu, tỉ lệ cạnh tranh ra sao...

Đồng thời cũng cần xem lại cách đầu tư, tập trung vào những cái TP cần nhất, những cái lớn nhất mà TP cần ứng dụng sản phẩm công nghệ cao.

Công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia có sức lan tỏa rất lớn đến các nhà đầu tư có khả năng và tiềm lực tham gia vào chuỗi cung ứng, không chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư.

Cùng với những dự án đầu tư riêng, hiện Khu Công nghệ cao TP.HCM đã dành hơn 13 ha để xây dựng nhà xưởng cao tầng, thu hút các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đang nắm giữ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng xây dựng những lộ trình nội địa hóa đối với các đơn vị đầu tư vào khu.

Công ty Sankyo giới thiệu về các sản phẩm công nghệ cao tại nhà máy với Bí thư Đinh La Thăng.
Công ty Sankyo giới thiệu về các sản phẩm công nghệ cao tại nhà máy với Bí thư Đinh La Thăng.

Theo ông Lê Hoài Quốc, tất cả doanh nghiệp đầu tư vào khu đều phải cam kết thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển) và chuỗi cung ứng nội địa với lộ trình rất cụ thể.

“Yếu tố chiến lược nội địa hóa của các doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là định hướng nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Do vậy, sẽ không có làn sóng cấp phép đầu tư liên tục, mà đó phải là sự sàng lọc. Những ràng buộc không thể thiếu là cam kết mạnh mẽ các hoạt động R&D, đào tạo nhân lực, kết nối với doanh nghiệp nội địa tạo ra chuỗi cung ứng nội địa” - ông Quốc nói.

Theo Công Huy

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên