MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ phạt tử hình tội tham nhũng - nên hay không?

07-04-2015 - 15:34 PM | Xã hội

Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Tham ô tài sản; Nhận hối lộ” - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất, là chưa phù hợp vì có thể sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với tội tham nhũng, do đó, không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh vấn đề này khi thay mặt Chính phủ trình bày Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trong phiên họp sáng 7/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến các tội bị áp dụng hình phạt tử hình, Dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đề nghị giảm hình phạt tử hình với 7 tội danh (trong số 22 tội danh phải chịu mức hình phạt này), bao gồm: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết giảm hình phạt tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta.

Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng Dự án Luật.

Các ý kiến đều thống nhất quan điểm về tiêu chí giảm hình phạt tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này.

Theo đó, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng với một số đối tượng (như người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng) phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng; mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các phương án đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh cụ thể thì vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh nêu trên.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng ngoài 7 tội danh nêu trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh nữa là: Sản xuất, buôn bán hàng giả (gồm lương thực-thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); tham ô tài sản; nhận hối lộ. Bởi vì, suy cho cùng thì các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vì vụ lợi; người thực hiện hành vi phạm tội này nhằm mục đích thu lợi.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội "Tham ô tài sản; Nhận hối lộ” - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp. Điều này có thể sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với tội phạm tham nhũng, do đó, không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đối với tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh)”, hiện nay đang phổ biến và tạo ra nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Do đó, cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

Thẩm tra Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến của Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Theo đó, sẽ bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ.

Ý kiến khác cho rằng, có thể cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở các tội khác có tính chất vụ lợi như: Sản xuất, buôn bán hàng giả (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), song không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: "Tội phá hoại hòa bình; gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh", vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng xét về ý nghĩa chính trị và có sự tương quan với các nhóm tội khác. “Chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này”, đại diện Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, mức xử tử hình với tội danh liên quan đến ma túy nên được tách ra, chỉ xử tử hình với người cầm đầu, tổ chức vận chuyển trên quy mô lớn kéo dài, chứ không áp dụng với người vì mưu sinh mà phạm tội. Tội danh làm giả thuốc phòng bệnh, lương thực, thực phẩm cũng nên tách ra, đối tượng nào sản xuất thì áp dụng mức án cao nhất là tử hình vì liên quan sức khỏe, tính mạng con người và người ảnh hưởng thường là yếu thế (người bệnh, người nghèo).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền văn minh nên cần tính toán để bỏ dần và bỏ hẳn mức tử hình đối với tất cả các tội danh theo Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị. Đi liền với đó, nên nghiên cứu thêm tội danh “chung thân”, có thể là chung thân vĩnh viễn hoặc chung thân nhưng được giảm nhẹ.

Theo Thành Chung

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên