MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Vụ thay thế cây xanh ở Hà Nội đã có những quy định chưa chặt chẽ

01-04-2015 - 18:47 PM | Xã hội

Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo trong quá trình thực hiện đối với các vấn đề liên quan đến nhiều người thì phải lấy ý kiến của người dân theo quy chế dân chủ.

Nội dung nổi bật:

- Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Câu chuyện cây xanh đã rút cho các cơ quan quản lý nhiều kinh nghiệm, bài học về quản lý, về pháp lý

- Hiện Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan lập đoàn thanh tra. Việc thay thế cây không hợp lý cũng phải thanh tra. Sau thanh tra mới có kết luận xử lý và sẽ xử lý nghiêm minh.

- Qua vụ việc cây xanh lần này, theo Bộ trưởng, có những quy định chưa được chặt chẽ

- Về quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Nên nêu rõ, việc quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn.


Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 03/2015, trả lời về vụ việc thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gây xôn xao dư luận vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã nói: “Câu chuyện cây xanh đã rút cho các cơ quan quản lý nhiều kinh nghiệm”.

Trong vụ việc này có sai phạm gì hay không? Bộ trưởng cho biết, hiện nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Nông Thôn, bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp UBND Hà Nội lập đoàn thanh tra xem xét các điều kiện cần thiết khi thực hiện một dự án như vậy ở Hà Nội.

Sau khi thanh tra mới có kết luận và xử lý, nhưng Bộ Trưởng thừa nhận có thể rút ra nhiều bài học cho cơ quan quản lý.

Một là về bài học pháp lý. Hà Nội cũng nhận thấy rằng việc thay thế cây xanh về mặt chủ trương là đúng nhưng quá trình triển khai thực hiện của Dự án có một số vấn đề chưa đầy đủ. Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo dừng việc này lại để xem xét, kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh.

“Những ngày qua, qua các diễn đàn trao đổi thông tin và kiến nghị của nhà khoa học, người dân…  thì khi thanh tra, chắc chắn sẽ xem xét tính pháp lý. Đối với cây xanh, có NĐ 64 và Luật thủ đô điều chỉnh.” – Bộ trưởng khẳng định.

Thứ hai là yếu tố quản lý. Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo trong quá trình thực hiện đối với các vấn đề liên quan đến nhiều người thì phải lấy ý kiến của người dân theo quy chế dân chủ. Vì vậy, đối với việc thay thế cây xanh trên địa bàn Hà Nội sẽ phải kiểm tra lại xem trong quy trình thực hiện có chỗ nào chưa đúng.

“Nhưng qua đó cũng thấy rõ, có những quy định chưa chặt chẽ.” – Bộ trưởng nhận xét.

Còn đối với câu hỏi rằng việc thay thế cây xanh có hợp lý không, Bộ trưởng cho rằng “Người ta cũng nói thay thế cây bị chặt bằng một loại cây khác là đúng, nhưng đã có phản ánh là loại cây thay thế đó không hợp lý. Vấn đề này cũng phải thanh tra.”

Bộ trưởng Nên khẳng định, khi tổng thanh tra NN có ý kiến thì chắc chắn UBND thành phố cũng sẽ làm kỹ việc này. Trách nhiệm của ai, cấp nào quản lý thì cũng sẽ xử lý nghiêm minh.

Về quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Nên nêu rõ, việc quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn. Nghị định cũng quy định rõ 3 loại cây được chặt hạ, dịch chuyển là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

Việc chặt hạ, thay thế cây xanh của TP Hà Nội vừa qua đã không được dư luận đồng tình, gây bức xúc xã hội. Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng triển khai kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý theo quy định.

UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất các giải pháp xử lý. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định; Rà soát, đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng quy định và thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.

>> Dòng sự kiện: Chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội

Mai Linh

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên