MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Thăng đổi chiến lược, thuế phí vẫn đổ đầu dân

06-03-2014 - 10:27 AM | Xã hội

Đổi chiến lược “trảm tướng, điều quân”, Bộ trưởng Thăng ra tối hậu thư chỉ đạo. Trong khi đó, tai nạn không giảm, phí chồng phí vẫn đổ đầu dân.

Từ “trảm” tới cấm

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có “tối hậu thư” gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc yêu cầu kiểm tra sức khỏe của lái xe; tăng cường quản lý bến xe ô tô khách và chấn chỉnh hoạt động kiểm định phương tiện.

Theo văn bản hỏa tốc, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tại địa phương phải rà soát và thực hiện xong việc khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải. Hạn chốt phải báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 31/5.

Bộ trưởng chỉ đạo kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khỏe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn chỉ đạo rà soát toàn bộ tình hình vận tải trên các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý.

Về việc tăng cường quản lý phương tiện vận tải và nâng cao hiệu quả công tác đăng kiểm, Bộ trưởng yêu yêu cầu tất cả các chủ xe nêu trên có cam kết bằng văn bản gửi về Sở GTVT, Phòng CSGT trước ngày 31/3, trong đó cam kết không vi phạm chở quá tải trọng cho phép…

Trước 30/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT thực hiện xong việc niêm yết đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ảnh về tiêu cực tại các trung tâm kiểm định.

Chỉ trước đó một ngày, Bộ trưởng Thăng đã ban hành 12 điều cấm đối với Ban quản lý dự án giao thông.

Theo đó, Bộ trưởng cấm không lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Không đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận trong đấu thầu...

Ngoài những việc không được làm nêu trên, Ban Quản lý dự án phải thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Điều này khiến dư luận cho rằng Bộ trưởng Thăng đang thay đổi chiến lược lãnh đạo, khác hoàn toàn với hình ảnh một Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nổi tiếng với các quyết định “trảm tướng, điều quân”.

Đó là: Yêu cầu ngành GTVT đi máy bay giá rẻ, trong khi “chỉ mặt đặt tên” những nhà thầu làm đường kém chất lượng; Chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” ở sân bay, từ giá của một bát mì tôm và chỉ đạo kiểm tra vận tải ôtô tại 42 tỉnh; Đe "trảm" giám đốc một sở GTVT và ra tối hậu thư cho TGĐ một tổng công ty công trình giao thông…

Chưa hết, mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăngcũng hứa giảm ùn tắc ở hai thành phố lớn; giải quyết tai nạn giao thông, mỗi năm phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước...

Thế nhưng chỉ trong9 ngày nghỉ Tết (từ 28/1 đến 5/2) cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn giao thông, làm chết 286 người, bị thương 324 người.

Thuế, phí vẫn đổ đầu dân

Trong khi đó, trước những thắc mắc của dư luận về "phí chồng phí", Bộ Giao thông một mực bảo vệ quan điểm không có chuyện “phí chồng phí”.

Mới đây Bộ tài chính tiếp tục đưa ra mức giá thu phí tại Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Biên Hòa, Thứ trưởng Bộ GTVT đã lên tiếng trước sự việc này.

Lý giải điều này, lãnh đạo ngành giao thông giải thích “có thành lập thêm 1 trạm thu phí cũng chỉ là để nhà đầu tư hoàn vốn” rồi “trạm thu phí này nằmtrong đề án thu phí tại quốc lô 1A, không có chuyện phí chồng phí”…

Kể cả khi thống kê tới cả 10 loại thuế phí trên một đầu xe, lãnh đạo ngành giao thông vẫn giải thích “dù có tới 10 loại thuế phí trên một đầu xe cũng đúng, nhưng Bộ GTVT không thu phí nào chồng phí nào hết".

Đơn giản, vì ngành giao thông không thu cả 10 loại mà mỗi bộ ngành thu một loại thuế, phí khác nhau.

Theo TS Ngô Trí Long, hiện nay có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu trên cả nước. Cụ thể, có 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí; trong số này có 393 khoản thuộc thẩm quyền quyết định của trung ương, còn lại phân cấp cho địa phương.

TS Long còn cho biết thêm Việt Nam nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so với khu vực. Trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể dầu thô) của Việt Nam là hơn 20%, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan chừng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1%...

“Việc thu phí và lệ phí đang bị lạm dụng, diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân, từ các loại phí dịch vụ chung cư cho tới phí chồng phí trong giao thông, y tế, giáo dục. Đáng nói là tình trạng “phép vua thua lệ làng” rất phổ biến trong thu phí”, TS Long nói.

Theo Lam Lam

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên